Đây là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách khi bàn về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi được tổ chức sáng 29-8.
Theo báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hai phương án được đưa ra để lấy ý kiến. Theo đó, phương án 1 là phân bón sẽ chịu thuế VAT 5%.
Phương án 2, giữ nguyên quy định hiện hành, theo đó phân bón là mặt hàng không chịu thuế VAT.
Theo chương trình, dự thảo Luật thuế VAT sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp diễn ra cuối năm nay.
Áp 5% thuế VAT với phân bón chắc chắn sẽ làm tăng giá bán
Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Dương Khắc Mai (Thanh Hóa) cho rằng nếu đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế 5% có thể xử lý bất cập hoàn thuế VAT đầu vào cho doanh nghiệp nhưng chắn chắn làm tăng giá phân bón. Điều này sẽ tác động đến sản xuất nông nghiệp, đến đời sống người nông dân.
Nên đại biểu Mai đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành là phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế VAT.
Cùng chung đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về chính sách thuế VAT đối với phân bón, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) khuyến nghị nếu thuế VAT với phân bón áp mức thuế 5% sẽ làm tăng giá phân bón.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cũng tán thành phương án không áp thuế VAT đối với phân bón như dự thảo luật. Nếu áp thuế VAT 5% đối với phân bón sẽ là gánh nặng đối với người sản xuất nông nghiệp, làm tăng giá thành của sản phẩm đầu ra.
Đề nghị ban soạn thảo đánh giá lại tác động phương án tăng thuế 5%
Đồng thời, dẫn lại báo cáo đánh giá tác động của cơ quan soạn thảo, theo ông Giang, trong giai đoạn 2015-2022, nếu khấu trừ thuế VAT đối với phân bón thì doanh nghiệp được hoàn thuế 1.500 tỉ đồng; nếu đánh thuế 5% thì ngân sách thu được khoảng 5.700 tỉ đồng.
"Như vậy, ngân sách nhà nước thu được khoảng 4.200 tỉ đồng. Đây là thuế gián thu nhưng đánh trực tiếp vào người tiêu dùng. Nên nếu lập luận rằng đánh thuế 5% là giúp giảm giá bán là không hợp lý, không thuyết phục. Vì giá thành và giá bán là khác nhau" - ông Giang phân tích.
Mặt khác, ông Giang đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá lại số tiền hoàn thuế mỗi năm 1.500 tỉ đồng cho doanh nghiệp phân bón.
Vì theo vị đại biểu này, nếu đánh thuế 5% thì toàn bộ tiền đánh thuế 5% sẽ hoàn lại cho doanh nghiệp hết. Ngân sách nhà nước không thu được 4.200 tỉ đồng.
"Ban soạn thảo cần đánh giá chính xác nhất cả giai đoạn, nhất là năm 2023 về việc nếu như đánh thuế 5% thì doanh nghiệp được hoàn bao nhiêu và ngân sách thu được bao nhiêu và người dân trực tiếp nộp thuế 5% là bao nhiêu?
Như vừa qua, để phục hồi nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ người tiêu dùng, Quốc hội đã có chính sách giảm 2% thuế VAT một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Nên đánh 5% thuế đối với phân bón để giảm giá bán, đối với tôi là không thuyết phục" - vị phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng Luật Thuế VAT là đạo luật tác động đến mọi người, mọi nhà, rất lớn đối với xã hội. Cho nên Việt Nam cần có sắc thuế VAT hiện đại, khách quan và đúng bản chất của sắc thuế này.
Riêng đề xuất đánh thuế 5% đối với phân bón, một nước phát triển nông nghiệp như Việt Nam cần ngành phân bón sản xuất trong nước đàng hoàng, đĩnh đạc, không phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu. Nếu ngành sản xuất phân bón trong nước phát triển thì nền nông nghiệp nước nhà và người dân được hưởng lợi.
Ngưỡng doanh thu tính thuế VAT với người kinh doanh nhỏ: đề xuất 200 triệu
Tại hội nghị này, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề xuất tăng ngưỡng doanh thu tính thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh lên mức 200 triệu đồng, nghĩa là tăng gấp đôi so với quy định hiện nay.
Đồng thời, Quốc hội giao thẩm quyền điều chỉnh ngưỡng doanh thu tính thuế cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi chỉ số tiêu dùng biến động. Ngoài chỉ số giá tiêu dùng thì ngưỡng doanh thu tính thuế còn phải gắn với mức gia cảnh nữa.
Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cũng cho rằng với phương án tăng mức doanh thu chịu thuế VAT đối với hộ, cá nhân kinh doanh tăng lên 200 triệu hoặc 300 triệu đồng, theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến sẽ giảm thu ngân sách khoảng 2.630 tỉ đồng với ngưỡng 200 triệu đồng, hoặc 6.383 tỉ đồng với ngưỡng 300 triệu đồng. Mức giảm này là không lớn. Mặc dù vậy, ban soạn thảo dự luật cần đánh giá thêm khía cạnh về kinh tế - xã hội khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận