Ngày 2-11, thảo luận tại hội trường Quốc hội về đầu tư công, thực hiện ngân sách…, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng bên cạnh những thành tích tốt, đảm bảo kế hoạch tài chính ngân sách thì vẫn còn nhiều chính sách lạc hậu, bất cập nhưng chậm sửa đổi như về thuế giá trị gia tăng (thuế VAT), thuế thu nhập cá nhân.
Nguy cơ gian lận hoàn thuế VAT
Theo đại biểu Lâm, thuế VAT được coi là sắc thuế tiên tiến, hiện đại nhưng cũng có "không ít vấn đề". Ông Lâm nêu câu chuyện mặc dù số thu thuế VAT lớn nhưng số hoàn cũng lớn. Năm 2022 thu 390.000 tỉ, hoàn 150.000 tỉ (38%); năm 2023 ước thu 365.000 tỉ, hoàn 160.000 tỉ (44%); năm 2024 dự toán thu 390.000 tỉ, hoàn 171.000 tỉ (43%).
"Điều đáng nói quy trình hoàn thuế phức tạp, tốn kém, nhiều khâu trung gian. Thu rồi khấu trừ, thu rồi lại phải hoàn. Phải mất chi phí cho việc thu, rồi lại chi phí cho việc hoàn. Kết cục ngân sách chẳng được bao nhiêu. Quá trình này tiềm tàng nguy cơ sai phạm gian lận, gây thất thu ngân sách nên cần xem xét giải quyết căn cơ" - đại biểu Lâm phát biểu.
Một bất cập khác được đại biểu Lâm nêu ra là thuế thu nhập cá nhân vẫn còn các quy định bất cập như khởi điểm thu nhập chịu thuế, phân chia bậc lũy tiến, giảm trừ gia cảnh… chưa được cập nhật, lạc hậu so với thực tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) cũng đồng tình về nhận định việc hoàn thuế VAT hiện nay còn nhiều bất cập, vừa qua có nhiều hiệp hội phải "kêu cứu" vì vướng mắc hoàn thuế cho các lĩnh vực tinh bột sắn, sản phẩm gỗ, cao su…
Theo đại biểu Hà, để có một container sản phẩm gỗ xuất khẩu thì doanh nghiệp phải mua nguyên liệu từ nhiều nguồn, thời gian khác nhau. Khi làm thủ tục hoàn thuế thì cơ quan thuế yêu cầu xác minh quá chi tiết dẫn đến khó thực hiện, chậm hoàn thuế, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Kiến nghị mua lại dự án BOT
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) kiến nghị cần phát huy vai trò của kinh tế nhà nước trong đầu tư và quản lý, vận hành các dự án hạ tầng giao thông. Theo tinh thần này thì việc Nhà nước mua lại các dự án BOT đường cao tốc, đường bộ của nhà đầu tư tư nhân bị lỗ, không cân đối được phương án tài chính là phù hợp.
Theo đại biểu Thịnh, kinh tế nhà nước có lợi thế tuyệt đối về thời hạn thu hồi vốn, cũng như hiệu quả đầu tư của Nhà nước không chỉ tính bằng tiền mà còn lâu dài, sửa chữa những khiếm khuyết của thị trường.
Ông Thịnh dẫn ví dụ với đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, thu phí BOT từ đầu năm 2020 nhưng tới nay mới đạt khoảng 30% phương án tài chính. Với chiều dài 64km, mức phí ô tô qua tuyến đường này là từ 128.000 - 461.000 đồng. Dù đây là tuyến giao thông huyết mạch nhưng do mức phí cao, trong khi quốc lộ 1 chạy song song không thu phí nên xe đi cao tốc rất ít.
"Nếu Nhà nước mua lại dự án này, giảm mức phí xuống còn 30% thì chắc chắn tuyến cao tốc sẽ được sử dụng hiệu quả, doanh nghiệp chủ đầu tư dự án thoát được thảm cảnh lỗ kéo dài" - đại biểu Thịnh phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM) kiến nghị nhiều giải pháp để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công xuất phát từ thực tiễn như: quan tâm di dời hạ tầng kỹ thuật song song với giải phóng mặt bằng để đảm bảo đẩy nhanh thi công, kiến nghị tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án xây lắp. Đồng thời, giá bồi thường phải tiệm cận giá thị trường, đảm bảo người dân bị thu hồi đất có cuộc sống tốt hơn.
Trong bối cảnh giải ngân vốn vay ODA còn thấp do nhiều ràng buộc, trong khi nhu cầu đầu tư vốn trong dân còn lớn nên đại biểu kiến nghị xem xét với một số dự án ODA lớn có thể chuyển sang phát hành trái phiếu để huy động vốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận