"Tân ít nói, hiền lành, rất thương vợ con", chị Đầm (43 tuổi, quê Bắc Kạn) miêu tả người anh họ bằng vài từ ngắn gọn trước giờ phát tang. Thương anh, người phụ nữ đứng lên chủ trì mọi thủ tục hậu sự.
Ở một góc trong căn nhà sàn cũ, chị Hoàng Ngân (vợ anh Tân) ngồi lặng người phục tang chồng. Chiều qua, chị xin xuất viện sớm để về gặp mặt anh lần cuối.
"Đâu ai muốn sống trong cảnh như vậy"
Thi thể anh Tân được đưa về quê vào đêm 24-5. Căn nhà sàn đơn sơ ở chân đồi, phải dựng cột chống vì nguy cơ sắp đổ. Từ đường nhựa phải đi bộ vào khoảng 1km, băng qua một cánh đồng.
Trời cuối tháng 5 mưa ướt nhẹp, cả thôn vẫn đứng chờ sẵn đầu đường, mỗi người một tay đón anh về nhà.
Từ lúc kết hôn, vợ chồng anh Tân buộc phải sống xa nhau. Anh cố bám víu Hà Nội vì sợ ở quê không có việc làm, còn vợ làm việc ở quê nhà.
Cặp đôi kết hôn đã lâu nhưng hiếm muộn do người vợ mắc chứng basedow. Ba năm trước, hạnh phúc đã mỉm cười với họ khi đón chào cậu con trai kháu khỉnh. Bố mẹ anh Tân đã lớn tuổi, sức khỏe yếu, song cố chăm sóc cháu nội để con dâu yên tâm đi làm. Mỗi cuối tuần, anh bắt xe khách về quê thăm vợ con và gia đình.
"Ở tỉnh xa, nhà thuần nông khó khăn, vợ thì bệnh tật lại phải nuôi con nhỏ, anh tôi cũng đành phải chắt chiu tìm nhà thế nào cho rẻ nhất thôi. Đâu ai muốn sống trong cảnh như vậy", chị Đầm tiếp lời khi được hỏi về phòng trọ của người quá cố.
Thứ sáu tuần trước (17-5), anh Tân xin nghỉ phép về quê đưa vợ lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn mổ ruột thừa. Chăm vợ gần một tuần, sáng 23-5, anh xuống Hà Nội và gặp chuyện ngay đêm đó.
Không còn lựa chọn
Phòng trọ của Minh Duy (24 tuổi, quê Phú Thọ) cách hiện trường đám cháy chưa đầy 200m. Căn phòng rộng khoảng 10m2, lối đi vào chỉ vừa đủ cho xe máy lách qua.
Tiếp nhận tin tức về vụ cháy qua mạng xã hội, so sánh căn nhà gặp sự cố với nơi mình ở, cậu nói "không có mấy khác biệt".
"Tôi thấy có nhiều khuyến cáo về lối thoát nạn, nhưng đi tìm phòng trọ đầy đủ như vậy với mức giá phải chăng thì khó quá", nam thanh niên nói, rồi lại "tặc lưỡi" lướt qua dòng tin tức với hy vọng hỏa hoạn sẽ không tìm đến mình.
Những khu trọ trong ngõ sâu tương phản sát bên những tòa nhà cao cấp trở thành đặc trưng của đô thị "làng lên phố" - Ảnh: HỒNG QUANG
Ở quận Hoàng Mai, cách trục phố Tân Khai gần 200m với 5 lần rẽ vào ngách, khoảng 40 phòng trọ được các công nhân thuê sinh sống. Lối vào đây quanh co, mặt đường hẹp, gồ ghề, hai xe máy phải đi sát hết mức mới có thể tránh nhau.
Những tin tức về vụ cháy gần như được "cách ly" với xóm lao động này. Họ nghe loáng thoáng câu chuyện được người này người kia kể lại. Nhưng tuyệt nhiên chẳng mảy may lo lắng bởi "giá nhà nơi khác cao quá, không có lựa chọn", "nếu không ở đây thì biết ở đâu?".
"Với gần 2 triệu, đi chỗ khác thuê nhà rất khó, vì mưu sinh nên chúng tôi đành sống tạm ở đây được ngày nào hay ngày đó", ông Lam (quê Thanh Hóa) nói.
"Việc giám sát của chính quyền cơ sở có vấn đề"
Trước thực trạng những khu trọ đang là nguồn cung chủ yếu về nơi ở cho người lao động xa nhà, ông Nguyễn Văn Đính, chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng giá bất động sản bị đẩy lên cao là một phần nguyên nhân.
"Rõ ràng, các căn hộ tiện nghi, các dự án lớn không phải lựa chọn vừa túi tiền đối với phần đông người lao động. Khi giá bán bất động sản tăng thì tất yếu giá cho thuê sẽ tăng theo", ông Đính nói và cho biết người lao động buộc phải đi tìm các căn hộ trong ngõ sâu, giá rẻ với những tiện nghi không đảm bảo kèm theo nhiều yếu tố nguy hiểm.
Về giải pháp, vị chuyên gia nêu thực tế hiện nay cơ quan chức năng chưa có mục tiêu phát triển loại hình nhà ở xã hội cho thuê, mà mới chỉ để bán. Tuy nhiên, số lượng và quá trình thực hiện cũng còn nhiều bất cập.
"Cơ quan quản lý cần nghiên cứu phát triển quỹ nhà ở xã hội cho thuê ở những khu vực có nhu cầu lớn. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ về quỹ đất, chính sách, nguồn vốn vay ưu đãi… để kéo giảm giá cho thuê", ông Đính nêu quan điểm.
Trong khi đó, nhìn nhận những vụ cháy thương tâm gần đây đa phần xảy ra ở những khu nhà ống, nhà trong ngõ sâu, TS Đào Ngọc Nghiêm (phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam) cho rằng khung pháp lý hiện nay về lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và quản lý xây dựng đã cơ bản chặt chẽ.
Thành phố cũng có định hướng phân công phân cấp, tuy nhiên vấn đề xảy ra phần nhiều do thiếu kiểm tra giám sát thường xuyên và thiếu xử lý vi phạm chặt chẽ.
Đồng thời, vị chuyên gia cũng cho rằng các cơ quan chức năng đang quá chú trọng việc cấp phép xây dựng nhưng quá trình giám sát về sau chưa được trú trọng. Điều này dẫn tới việc sau mỗi sự cố lại tăng cường kiểm tra, nhưng sau đó lại đâu vào đó.
Lấy ví dụ về căn nhà xảy ra hỏa hoạn ở ngõ Trung Kính, ông Nghiêm đánh giá việc giám sát của chính quyền cơ sở "có vấn đề" khi để tình trạng kinh doanh sửa chữa xe đạp, xe máy điện ngay tại sân nhà trọ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận