Một số nhà xây thô rồi bỏ hoang tại khu đất quận 9, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
Theo các chuyên gia, chỉ nên tính thuế đối với căn nhà thứ 2 trở đi và đảm bảo công bằng, thực hiện được mục tiêu chống đầu cơ bất động sản, lãng phí tài nguyên đất đai.
* Ông TRẦN QUANG CHIỂU (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và ngân sách Quốc hội):
Không thể cào bằng
Về nguyên tắc của , cứ có tài sản thì phải nộp thuế. Đây là luật thuế mới, khá phức tạp nên Bộ Tài chính cần cân nhắc. Trong bối cảnh của VN, mức thuế nào là phù hợp với điều kiện của VN và khả năng chịu đựng của người dân là điều cần bàn thấu đáo.
Chẳng hạn, có nên tăng thuế đất gấp 10 lần so với hiện nay như đề xuất của Bộ Tài chính trong dự thảo, mức 0,3-0,4% (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay là 0,03%)? Việc nộp thuế nhà ở cộng với thuế sử dụng đất sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thu nhập của người dân?
Ngoài ra, phải tính đến hoàn cảnh của đối tượng chịu thuế. Vì trong thực tế nhiều người có thu nhập thấp nhưng đang ở trên miếng đất 200m2 do được thừa kế. Nếu áp mức thuế chung, họ sẽ không có khả năng chi trả.
Đặc biệt, chính sách thuế tài sản phải đảm bảo người dân có nhà để ở, chứ không thể đánh đồng với nhà mua để đầu tư. Mức thuế đối với nhà mua chờ giá lên rồi bán, mua để cho thuê phải khác với mức thuế nhà mua để ở. Tóm lại, không thể cào bằng một mức thuế được.
* GS.TS ĐẶNG HÙNG VÕ (nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT):
Nên đánh thuế nhà theo diện tích
Tôi cho rằng không nên đánh thuế nhà ở theo trị giá suất đầu tư, mà phải đánh theo diện tích sử dụng. Bởi đánh thuế với nhà theo giá trị sẽ kìm hãm sự phát triển nhà ở và bất động sản gắn liền với đất, chưa kể những rắc rối khi tính giá trị nhà, khấu hao hằng năm để áp thuế...
Việc đánh thuế nhà theo diện tích sẽ dễ dàng tính toán và đảm bảo công bằng, đúng mục đích của sắc thuế này là sử dụng nhà đất hiệu quả. Cần đặt ra ngưỡng diện tích để tính thuế, giống như thuế thu nhập cá nhân là thu nhập tính thuế.
Ngoài ra, nên lấy mức bình quân diện tích nhà ở mà Chính phủ đề ra đến năm 2020 là 25m2/người là ngưỡng không chịu thuế. Phần diện tích vượt ngưỡng này mới phải tính thuế nhằm đảm bảo người dân có nhà để ở.
Mặt khác, cũng nên tính thuế lũy tiến đối với nhà ở, tức là sử dụng càng nhiều sẽ phải nộp nhiều tiền thuế. Như ngưỡng trên 25m2 mới phải nộp thuế, từ 25-50m2 là một mức thuế, 50-75m2 sẽ có mức thuế cao hơn... Mục đích là để người dân sử dụng phù hợp, hiệu quả.
Tuy nhiên, trước mắt chỉ nên đánh thuế nhà ở đô thị, chưa thu thuế tài sản đối với nhà ở nông thôn. Vì nhà ở nông thôn dù diện tích ở có thể rộng, nhưng thu nhập của nông dân chỉ trông vào sào ruộng.
Đối với đất đai, phải có chính sách thuế phù hợp để sử dụng đất có hiệu quả, không lãng phí. Bởi thuế đất thấp thì ai cũng muốn mua và giữ đất.
Do thuế đất phi nông nghiệp hiện chỉ ở mức 0,03% nên đất mới bị đầu cơ nhiều, có người giữ hàng chục hecta đất rồi để không đó mà bị tính thuế chỉ có vài trăm ngàn đồng mỗi năm.
Nếu thuế đất phi nông nghiệp cao, người dân sẽ cân nhắc việc "ôm" đất, phải tính toán khai thác đất như thế nào cho hiệu quả. Thuế đất cao sẽ hạn chế được việc hàng ngàn biệt thự liền kề, khu đất để hoang cả chục năm như đang xảy ra ở Hà Nội, Bắc Ninh...
Đồ họa: V.CƯỜNG
* TS HỒ HỮU TUẤN (ĐH Công nghiệp TP.HCM):
Chỉ nên thu thuế từ căn nhà thứ 2
Trong điều kiện thu nhập người dân còn thấp như hiện nay, việc thu thuế tài sản đối với nhà đất nếu có chỉ nên tính đến phương án thu thuế đối với những nhà đất thứ 2. Bởi người dân mua được căn nhà rất khó, trong đó nhiều người mua trả góp và phải thắt chặt chi tiêu để có tiền trả góp.
Bộ Tài chính lấy lý do việc xác định sở hữu nhà thứ 2 trở đi rất phức tạp nên không thực hiện phương án đánh thuế này là chưa hợp lý. Bởi với hệ thống quản lý nhà đất chưa chặt chẽ, minh bạch như hiện nay, dù thực hiện phương án thu thuế tài sản nào cũng đều sẽ gặp khó khăn.
Thậm chí nếu không có hệ thống dữ liệu nhà đất công khai và minh bạch, rất dễ xảy ra tình trạng tham nhũng, định giá nhà đất không đúng thực tế...
Do vậy, việc thiết lập hệ thống dữ liệu quốc gia về nhà đất công khai và minh bạch là vấn đề cấp thiết trước khi tính đến chuyện thu thuế tài sản đối với nhà đất.
* PGS.TS VÕ TRÍ HẢO (ĐH Kinh tế TP.HCM):
Chống đầu cơ chứ không chỉ thu tiền
Trước mắt chỉ nên tính đến phương án thu thuế đối với nhà đất thứ 2 trở đi, sau đó mới tính đến việc thu thuế đối với toàn bộ nhà đất. Dự thảo cũng cào bằng ngưỡng không chịu thuế giữa các địa phương là không hợp lý.
Theo tôi, ngưỡng giá trị không chịu thuế nên tính theo chuẩn giá nhà ở xã hội, mức giá này sẽ khác nhau giữa mỗi địa phương. Cần lập danh mục biểu thuế ở các đô thị, thu nhập bình quân đầu người các địa phương khác nhau sẽ có giá trị khởi điểm chịu thuế khác nhau.
Trong dự thảo luật chia thuế tài sản đối với bất động sản ra thành đất và nhà là không hợp lý, khó thực hiện, dễ bị khiếu kiện, ảnh hưởng đến việc thu thuế. Giá trị đất tính thuế nên được xác định theo giá trị giao dịch tại ngân hàng hoặc văn phòng công chứng sẽ hợp lý hơn.
Việc thu thuế tài sản đối với nhà đất không nên chỉ chú trọng đến việc thu tiền, mà nhằm thực hiện mục tiêu chống đầu cơ bất động sản, giảm áp lực giao thông ở các khu vực đang bị ùn tắc...
Chẳng hạn sau một thời gian nhất định mà người sở hữu đất không thực hiện quy hoạch, biểu phí thuế khác so với đất có nhu cầu ở thật.
Với các đô thị thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe và quá tải, có thể tính mức thuế suất cao hơn đối với những gia đình ở mặt tiền đường. Khi lợi nhuận giảm, người dân sẽ tính toán việc dời tới một vị trí khác, giảm áp lực giao thông.
* Ông LÊ HOÀNG CHÂU (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM):
Dân sẽ bị thuế chồng thuế
Việc triển khai thu thuế tài sản đối với nhà đất tại thời điểm hiện nay là chưa hợp lý. Trong thực tế, chủ đầu tư phải đóng trước tiền sử dụng đất rất cao, bằng 60-70% chi phí giải phóng mặt bằng. Khoản chi phí này sẽ được tính vào giá trị nhà đất bán cho khách hàng.
Nếu phải đóng thêm tiền thuế tài sản nhà đất, người dân sẽ phải gánh thuế chồng thuế, giá nhà đất có khả năng sẽ tăng cao.
Do vậy, trước khi thu thuế tài sản đối với nhà đất, Nhà nước cần có chính sách cải cách việc tính tiền sử dụng đất để giảm mức thu tiền sử dụng đất xuống. Khi đó mới giảm được áp lực cho người dân mua nhà.
Theo các chuyên gia, thuế tài sản phải thực hiện được mục tiêu chống đầu cơ đất đai. Trong ảnh: khu đô thị ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai bị bỏ hoang - Ảnh: QUANG LÊ
* Ông PHẠM ĐÌNH THI (vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính):
Sẽ bãi bỏ các luật thuế đất hiện hành
sẽ kế thừa toàn bộ nội dung Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Khi áp dụng Luật thuế tài sản sẽ bãi bỏ Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Theo đó, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không dùng để ở hoặc kinh doanh không thuộc đối tượng nộp thuế.
Ngoài ra, để hỗ trợ đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp, Bộ Tài chính đề xuất các trường hợp được miễn thuế tài sản là đất, nhà ở của hộ nghèo, người có công với cách mạng; nhà ở xã hội; nhà ở công vụ; người có số thuế tài sản phải nộp hằng năm từ 50.000 đồng trở xuống...
Toàn bộ số thuế thu được sẽ được để lại ngân sách địa phương nhằm đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận