
Thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục leo thang - Ảnh: REUTERS
"Còn phụ thuộc vào chuyện thuế quan được áp rộng hay hẹp đến mức nào, nhưng nói chung nếu áp thuế trên 100% thì về cơ bản là đã chấm dứt mọi hoạt động giao thương" - đài Mỹ CNBC dẫn lời Phó chủ tịch chính sách thuế của Trung tâm Chính sách thuế liên bang Mỹ Erica York nói ngày 11-4.
Phép thử
Chính quyền Trump ngày 11-4 đã khẳng định thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu Mỹ hiện là 145%, cộng dồn nhiều lần tăng thuế. Hôm 10-4, ông Trump đã tuyên bố tạm hoãn thuế đối ứng với hầu hết các nước, chỉ hạn chế thuế hàng nhập khẩu ở mức 10%, trong vòng 90 ngày, trừ Trung Quốc.
Với mức thuế quan này, nước Mỹ hiện đang có lập trường bảo hộ mậu dịch gay gắt nhất suốt nhiều thập niên qua.
Cơ quan của bà York ước tính tất cả các sắc thuế mới của ông Trump sẽ giúp tăng nguồn thu thuế liên bang 171,6 tỉ USD trong năm nay, nhưng kèm theo đó sẽ là rất nhiều hệ lụy.
"Mức thuế quan trung bình như vậy là vẫn cao chưa từng thấy kể từ những năm 1940 - bà York nói - Chi phí sẽ tăng vọt. Kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Rõ ràng đây không phải là con đường thật sự tốt đẹp".
Về phía Trung Quốc, các kinh tế gia nước này nói cuộc thương chiến là "chưa có tiền lệ" và sẽ là cuộc chơi được mất lớn, lâu dài, "thử thách năng lực chịu đựng của các hệ thống kinh tế và công nghiệp" quốc gia.
Họ cũng đề xuất Bắc Kinh tăng chi tiêu công để thúc đẩy cầu nội địa, nhằm góp phần giúp doanh nghiệp quốc nội vượt qua giai đoạn nhiều biến động trước mắt.
"Mỹ và Trung Quốc hiện đang đọ sức về sức chịu đựng của nền kinh tế - ông Trịnh Vĩnh Niên, hiệu trưởng Trường Chính sách công ở cơ sở Thâm Quyến của Đại học Hong Kong, bình luận với báo Hong Kong South China Morning Post - Mục tiêu của chúng ta là xây dựng hệ thống công nghiệp có khả năng chống chọi mạnh mẽ. Chỉ như vậy chúng ta mới có thể chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh lâu dài với Mỹ".
Ngày 11-4, Trung Quốc trả đũa bằng cách nâng thuế quan lên 125% với hàng hóa Mỹ nhập khẩu, nhưng điều quan trọng hơn với nước này là duy trì tăng trưởng khi hoạt động xuất khẩu sang Mỹ coi như đã kết thúc.
"Thử thách về sức chịu đựng đang diễn ra khi ông Trump thu hẹp cuộc thương chiến nhắm vào Trung Quốc" - ông Lynn Song, kinh tế gia trưởng phụ trách vùng Trung Hoa mở rộng của ngân hàng đầu tư Hà Lan ING, nói.
"Hiện giờ có vẻ như giới hoạch định chính sách đang sẵn sàng thử nghiệm giới hạn cuối cùng của lý thuyết kinh tế để xem ai chịu được nhiều đau đớn hơn, xem ai sẽ nắm lợi thế khi đàm phán diễn ra" - vị chuyên gia này nêu thêm.

Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất thiết bị dẫn đường thông minh cho ô tô tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Nguy cơ chia tách 2 nền kinh tế
Ông Trịnh nhận định xung đột đang diễn ra có thể dẫn tới chia tách hoàn toàn hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, với mức giao thương năm ngoái là 688,3 tỉ USD. "Một khi thuế quan đã lên mức 60 - 70% thì tình hình không khác gì đánh thuế 500%, thương mại không còn khả thi nữa và sự chia tách sẽ là tất yếu", ông nói.
Ông Diêu Dương, giáo sư kinh tế học ở Đại học Bắc Kinh, cảnh báo những tác động lập tức với nền kinh tế Trung Quốc. "Cuộc thương chiến đặt ra những khó khăn nghiêm trọng với mục tiêu tăng trưởng của chúng ta năm nay (khoảng 5%)" - ông nói trong một hội thảo vào ngày 10-4, nhưng tin rằng chính quyền Trung Quốc có trong tay những công cụ đủ để quản lý tình hình.
"Chúng ta không cần phải sợ hãi hành động của ông Trump" - ông Diêu nhấn mạnh, đồng thời hối thúc chính quyền trung ương Trung Quốc hành động mạnh mẽ hơn để giúp các chính quyền địa phương đang mắc nợ nhiều cũng như vực dậy thị trường bất động sản.
"Chính quyền trung ương đang đi đúng hướng, nhưng cần tăng cường độ" - ông nêu quan điểm.
Ông Trịnh thì nói thuế quan có thể đe dọa vị thế thống trị của đồng USD. "Nếu nước Mỹ sản xuất tất cả mọi thứ trong nước thì các nước khác cần USD làm gì nữa" - ông Trịnh nhận định và bác bỏ ý tưởng Washington có thể cô lập và loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, với ví dụ là Khuôn khổ thịnh vượng kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Mỹ đề xuất, mà ông cho là nhắm vào Trung Quốc, nhưng đã không thành công.
Đông Nam Á không có nhiều lựa chọn
Trái với Trung Quốc, các nền kinh tế Đông Nam Á, hầu hết tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, đang cố gắng tuân theo những yêu cầu từ Washington để tránh tối đa các khoản thuế quan của ông Trump. Trong một tuyên bố ngày 11-4 từ hội nghị thường kỳ ở Kula Lumpur (Malaysia), bộ trưởng kinh tế các nước ASEAN nói khối này "thống nhất về quan điểm trả đũa (thuế quan) không phải là lựa chọn".
Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira nói trong một cuộc phỏng vấn rằng Mỹ có ưu thế hơn hẳn nước ông trong vấn đề thương mại và thừa nhận: "Bắt đầu bằng một biện pháp cực đoan, rồi giảm dần yêu cầu sau đó.
Chúng tôi có thể sẽ phải tuân theo (Tổng thống Trump)". Ông Pichai có kế hoạch đi Washington sắp tới với mục tiêu giảm nhẹ mức thuế 36% mà ban đầu chính quyền Trump áp lên hàng Thái Lan.
Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với cả khối ASEAN năm ngoái là 228 tỉ USD. Thuế quan của Mỹ được dự báo sẽ khiến quan hệ kinh tế Trung Quốc - ASEAN thêm sâu sắc. "Trung Quốc là tay chơi rất quan trọng, chúng ta không thể phớt lờ, và đúng, một số quốc gia thấy chuyện đó là có vấn đề - Thủ tướng Anwar Ibrahim của Malaysia (chủ tịch luân phiên của ASEAN) phát biểu trong phiên bế mạc hội nghị ở Kuala Lumpur - Chúng ta sẽ tiếp tục cân bằng ở mức tốt nhất có thể, để đảm bảo hòa bình và an ninh, thu được lợi ích cao nhất về kinh tế và đầu tư".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận