Ngày 1-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh mới áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ Canada, Mexico và từ Trung Quốc. Điều này nhằm hiện thực hóa lời hứa "thiết lập một chính sách thương mại mạnh mẽ" cho người dân Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng quyết định áp thuế mới nhất của Tổng thống Trump sẽ để lại những hậu quả lớn đối với hoạt động sản xuất và tiêu dùng của chính nước Mỹ.
Áp lực lên doanh nghiệp
Theo báo Guardian, thuế quan của ông Trump trước hết sẽ khiến các doanh nghiệp nội địa của Mỹ gặp khó khăn do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, qua đó buộc họ phải tăng giá các mặt hàng để bù đắp chi phí đầu vào.
Ông Jim Stanford, nhà kinh tế học nổi tiếng người Canada, đánh giá: "Một số phụ tùng ô tô phải vượt biên giới tám lần trước khi được lắp thành chiếc xe hoàn chỉnh. Thuế quan sẽ được áp dụng mỗi lần các bộ phận vượt biên giới. 25% đó sẽ được tính gộp vào mỗi bước. Tác động lên chi phí sẽ rất đáng kinh ngạc".
Không chỉ với các doanh nghiệp sản xuất nội địa, các doanh nghiệp hưởng lợi từ hoạt động xuất khẩu từ Mỹ cũng sẽ chịu ảnh hưởng.
"Các nhà xuất khẩu của Mỹ sẽ phải đối mặt với thời kỳ đặc biệt khó khăn. Họ có thể sẽ gặp các rào cản thuế quan tại nhiều thị trường nước ngoài...
Ngoài ra, thuế quan có khả năng đẩy đồng USD lên cao và làm giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Mỹ trên thị trường toàn cầu", ông Eswar Prasad - chuyên gia chính sách thương mại của ĐH Cornell (Mỹ) - cảnh báo.
Lạm phát và tăng trưởng
Giá hàng hóa tăng cao tất yếu sẽ khiến lạm phát gia tăng. Ông Joseph Stiglitz - cựu nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới và hiện là giáo sư kinh tế tại ĐH Columbia (Mỹ) - phân tích: "Hầu như các nhà kinh tế đều cho rằng tác động của thuế quan sẽ rất tệ đối với nước Mỹ và thế giới. Chúng gần như chắc chắn sẽ gây ra lạm phát".
Ông Stiglitz cũng chỉ ra rằng khi lạm phát tăng, các ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất, đẩy nước Mỹ đến với nguy cơ một cuộc đình phát (stagflation), làm tốc độ tăng trưởng của Mỹ bị chậm lại.
Việc dựng thuế quan cũng sẽ làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nước. Đài CNBC dẫn phân tích của hai nhà kinh tế học Warwick McKibbin và Marcus Noland của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE), cho thấy mức thuế bổ sung 10% đối với Trung Quốc sẽ khiến nền kinh tế Mỹ sụt giảm 55 tỉ USD nếu Trung Quốc trả đũa. Mức thuế 25% đối với Mexico và Canada cũng sẽ khiến GDP của Mỹ giảm 200 tỉ USD trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
Bên cạnh đó, thuế quan tăng cũng góp phần tạo khan hiếm hàng hóa cho người tiêu dùng. Theo một phân tích của các nhà kinh tế ở PIIE, Trung Quốc là nguồn cung cấp chính đồ chơi và thiết bị thể thao cho Mỹ, đồng thời cung cấp 25% hàng điện tử và hàng dệt may cho xứ cờ hoa. Tương tự, Mexico và Canada cũng là nguồn cung rau quả quan trọng cho Mỹ.
Lợi ích lâu dài
Tuy nhiên, quyết định áp thuế của ông Trump được không ít người cho là hướng tới những mục tiêu to lớn hơn cho nước Mỹ.
Thuế quan về lâu dài sẽ giúp tạo ra động lực để các doanh nghiệp của Mỹ và các nước hướng tới sản xuất tại Mỹ nhiều hơn. "Tất cả những gì bạn phải làm là xây dựng nhà máy của mình tại Mỹ và bạn không phải chịu bất kỳ mức thuế quan nào", ông Trump tuyên bố.
Đáng chú ý, sắc lệnh về thuế mà ông Trump áp lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đã chấm dứt quy tắc "de minimis".
Theo quy tắc trên, các nhà xuất khẩu được phép vận chuyển hàng hóa giá trị dưới 800 USD vào Mỹ mà không phải chịu thuế. Việc chấm dứt điều khoản này giúp các nhà bán lẻ nội địa có sức cạnh tranh với những nền tảng khổng lồ từ quốc gia tỉ dân như Temu và Shein.
Quan trọng nhất, việc dựng rào thuế quan đóng vai trò là một con bài mặc cả chính trị mạnh mẽ.
Thuế quan của Mỹ ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng ở các quốc gia bị áp thuế, gây tổn hại đến nền kinh tế của họ. Điều này sẽ buộc các quốc gia tìm kiếm các thỏa thuận có lợi hơn cho Mỹ nhằm tránh thuế quan này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận