16/09/2013 07:17 GMT+7

Thuê phòng, mượn lớp cho trẻ đến trường

PHAN THÀNH
PHAN THÀNH

TT - Đã bước vào năm học mới gần nửa tháng, thế nhưng nhiều trường mầm non thuộc huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng vẫn đang “kêu trời” bởi cơ sở vật chất thiếu thốn, phòng học xuống cấp nghiêm trọng.

J7shzXdg.jpgPhóng to
Điểm học tạm của các em Trường mầm non Lộc Ngãi B tại Nhà văn hóa thôn 13 (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm). Trong ảnh: sau giờ học các cô giáo phải dọn bàn ghế vào một góc để làm nơi ngủ trưa cho các em - Ảnh: P.Thành

Hàng ngàn trẻ em huyện này phải học tập trong điều kiện khó khăn. Nhiều điểm trường vẫn phải học thuê, nhờ nhà dân, trung tâm văn hóa thôn hoặc các trường tiểu học, trung học.

Trường thuê, lớp mượn

Theo bà Nguyễn Thị Bạch Mai - trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT Lâm Đồng, không riêng huyện Bảo Lâm mà nhiều huyện khác cũng rơi vào tình cảnh chung là thiếu phòng học cho trẻ mầm non. Hiện tại bậc học mầm non trên toàn tỉnh có 707 phòng học kiên cố, 1.095 phòng học cấp 4 và 170 phòng học thuê mượn. Khả năng phải đến năm 2015 mới giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Theo Phòng GD-ĐT huyện Bảo Lâm, đến thời điểm này toàn huyện vẫn phải thuê, mượn 24 phòng học cho trẻ mầm non. Thế nhưng chừng đó vẫn chưa đáp ứng đủ lớp cho các em từ 3-5 tuổi nhập học. Điển hình như xã Lộc Tân, năm học này có gần 240 trẻ từ 3-5 tuổi đến trường, toàn xã chỉ có ba lớp học nên phải thuê thêm ba nhà dân nhưng vẫn không đủ phòng học cho các em. Cô Lê Thị Thanh Nhung, hiệu trưởng Trường mầm non Lộc Tân, cho hay vì không đủ phòng nên trường chỉ ưu tiên mở lớp cho trẻ 5 tuổi và nhận thêm khoảng 60 trẻ 3-4 tuổi.

Cũng rơi vào hoàn cảnh khổ sở không kém là Trường mầm non Lộc Ngãi B. Tại điểm chính của trường có hai phòng học và một phòng “ba chung”: hiệu trưởng, kế toán, chức năng. Ngoài ra, trường phải mượn thêm hai điểm phụ là Trường THCS Lộc Ngãi và Nhà văn hóa thôn 13 mới đáp ứng đủ số lượng trẻ 5 tuổi trong vùng nhập học. Cô Hoàng Thị Hoa, hiệu trưởng nhà trường, cho biết những năm gần đây trường không dám nhận thêm trẻ 3-4 tuổi vì không đủ phòng, cơ sở vật chất không đảm bảo. Hiện tại có lớp gần 50 trẻ, trong khi chuẩn cho phép là 25-30 trẻ/lớp nên giáo viên rất khó quản lý, trẻ lại khó học.

Tại điểm học mượn ở Nhà văn hóa thôn 13, phòng học chỉ rộng khoảng 50m2 nhưng phải sắp xếp chỗ ngồi cho gần 40 trẻ. Ngoài chức năng phòng học còn đảm nhận thêm phòng ngủ, phòng ăn và cạnh đó là nhà vệ sinh. Do phòng quá chật nên ngoài giờ ăn, giờ học, giáo viên lại phải xếp bàn ghế vào một góc lấy sàn nhà cho các em ngủ trưa. Đến mùa mưa nền nhà ẩm ướt, mái tôn dột nát nên các em không thể ngủ được. “Thương con nên mới đây mấy phụ huynh gom góp nhau một ít tiền mua vài tấm tôn lợp lại nhà văn hóa. Không biết cảnh tạm bợ này bao giờ mới hết. Thương học sinh của mình, nhưng đành bất lực...” - cô Hoa vừa nói, vừa thở dài.

Trường mầm non các xã Lộc Thịnh, Lộc Nam, Lộc Đức, Lộc Phú trên địa bàn huyện Bảo Lâm cũng rơi vào cảnh tương tự. “Là giáo viên mầm non chúng tôi cũng bức xúc lắm, nhiều lần họp với các sở, ban, ngành đề xuất đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và cũng nhận được các lời hứa hẹn. Nhưng rồi cũng đâu vào đó, có thấy gì đâu” - một giáo viên bức xúc nói.

“Không cần chuẩn quốc gia”

Trong khi nhiều trường mầm non khác thiếu phòng học thì Trường mầm non Lộc Ngãi A (trường điểm của huyện) lại “dọn” đi hai phòng học để làm phòng chức năng nhằm đảm bảo trường đạt chuẩn quốc gia khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Nhiều phụ huynh kể đầu năm học, khi đem con tới đăng ký nhập học thì nhận được lời từ chối vì số lượng đã đủ và được giới thiệu sang một số trường mầm non tư thục để học. Một số phụ huynh phản đối nhưng cũng đành chịu vì đó là “quy định” của trường. Nhiều người chỉ còn cách gửi con sang các trường mầm non ở các xã khác để học với tâm lý trường công bao giờ cũng hơn trường tư và đỡ tốn kém học phí.

Lý giải về điều này, cô Hoàng Thị Kim Thái - phó hiệu trưởng trường - thừa nhận năm nay trường phải giảm bớt 40 chỉ tiêu để lấy lại hai phòng học làm phòng chức năng. “Thực chất hai phòng này trước đó là phòng chức năng, nhưng mấy năm trở lại đây thiếu lớp nên trường làm phòng học. Sắp đến đợt công nhận chuẩn quốc gia lần hai nên trường đành phải làm thế” - cô Thái nói.

Theo ông Lê Đức - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bảo Lâm, Phòng GD-ĐT huyện không có chủ trương này. Đây là việc do Trường mầm non Lộc Ngãi A tự quyết. Sắp tới phòng sẽ chỉ đạo trường này lấy lại phòng chức năng để đón thêm trẻ đến học. “Quan điểm của tôi là không cần trường chuẩn quốc gia, bởi học sinh của mình đang còn thiếu thốn mọi bề, làm sao chạy đua thành tích được. Ưu tiên số một bây giờ là đảm bảo cho học sinh có lớp, có phòng, cơ sở vật chất đầy đủ để học. Nếu cần thì “hi sinh” chuẩn quốc gia, chứ làm như vậy thiệt thòi cho học sinh lắm” - ông Đức chia sẻ.

PHAN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên