TTCT - Chuyện đánh thuế tài sản được đặt ra từ 20 năm trước và lần gần nhất là tháng 4-2018. Tuy nhiên, dự án luật này vấp phải sự phản đối dữ dội của dư luận khi đề xuất đánh thuế nhà có trị giá xây dựng trên 700 triệu đồng. Trao đổi với TTCT, TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên cao cấp Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, nhận định: việc dự kiến đánh thuế nhà hoàn toàn không hợp tình, hợp lý. TS Nguyễn Ngọc Tú Gây hoang mang cho dân Theo ông, việc dự kiến xây dựng thêm thuế nhà trong thời điểm này không nên tính đến?Hơn 2 năm qua, dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội, Quốc hội, Chính phủ nỗ lực tập trung tháo gỡ khó khăn cho dân, tìm mọi giải pháp cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp như ban hành các chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền sử dụng đất (SDĐ), cấp bù 2% lãi suất… Hỗ trợ này kéo dài đến năm sau với mục tiêu khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy từ nay cho tới hết năm sau, không nên nói đến tăng thuế, nhất là đẻ thêm thuế mới.Tôi không hiểu tại sao Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế nhà vào lúc này vì thông tin này gây tâm lý hoang mang, không cần thiết đối với người dân. Còn về chính sách thì hệ thống thuế của VN tương đối hoàn chỉnh. Mức động viên vào ngân sách khá lớn. Nhiều năm vừa qua, số thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Dù kinh tế khó khăn, tổng số thu ngân sách cũng vượt dự toán. Như năm 2021, nhiều địa phương giãn cách 4-5 tháng để phòng chống dịch COVID-19. Hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ. Người lao động mất việc, thu nhập giảm sút nghiêm trọng nhưng số thu ngân sách vẫn tăng 177.000 tỉ đồng, bằng 10% dự toán. Như vậy, hệ thống thuế đang là gánh nặng đối với người dân và doanh nghiệp, với nền kinh tế. Cần phải cải cách thuế để giảm gánh nặng, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển.Quan điểm của ông về việc Bộ Tài chính gợi ý bổ sung đánh thuế đối với nhà?Theo tôi, chưa nên đánh thuế nhà vì thu nhập đời sống của đại bộ phận người dân còn khó khăn lắm. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở là quan trọng hàng đầu của mỗi người, mỗi gia đình. Cả nước khoảng 100 triệu dân, chủ yếu sống ở khu vực nông thôn. Người làm công ăn lương, công nhân lao động ở thành phố đa số chỉ đủ ăn, đủ mặc, ban đầu hầu hết phải thuê nhà, tích cóp cả chục năm đi làm cộng với tiền vay mượn mới đủ mua cái nhà vài chục mét vuông. Nhà mua lần đầu diện tích nhỏ, trong ngõ, ngách, ở ngoại ô, sau vài năm có điều kiện đổi sang nhà rộng, khang trang hơn. Một đời người lao động bình thường từ khi đi làm đến lúc về hưu phải đổi nhà vài ba lần. Đất nền dự án tại Nhơn Trạch, Đồng Nai được mua đi bán lại nhiều lần mà chưa xây dựng. Ảnh: TỰ TRUNG Các nước đã đánh thuế tài sản, trong đó có thuế nhà và đất cả trăm năm nay, VN có nên tính đến thuế này?Hiện không gọi là thuế tài sản nhưng bản chất là đánh thuế tài sản rồi. Khi cấp đất người dân phải nộp tiền SDĐ, đây là một thứ thuế. Hằng năm, chủ nhà đất phải nộp thuế SDĐ phi nông nghiệp 0,03%. Đăng ký quyền SDĐ phải nộp lệ phí trước bạ 0,5% giá trị. Khi xây nhà người dân phải nộp thuế giá trị gia tăng cho vật liệu xây dựng: gạch ngói, cát, sỏi, ximăng, sắt thép… Khi chuyển đổi căn nhà, thửa đất, người dân nộp thuế thu nhập cá nhân 2% giá trị chuyển nhượng. Rõ ràng, chính sách hiện hành không gọi là thuế tài sản nhưng một căn nhà, thửa đất đang gánh nhiều loại thuế.Không thể nói các nước đánh thuế này cả trăm năm nay thì ta cũng phải đánh để theo thông lệ quốc tế. Thực tế, thu nhập bình quân của người dân ở các nước phát triển rất cao, 40.000 - 50.000 USD/năm. Phúc lợi xã hội của nhiều nước rất tốt: trẻ em đi học không mất tiền, chữa bệnh được miễn phí… trong khi thu nhập của người lao động VN rất thấp. Nếu cố tình tăng thuế đối với bất động sản (BĐS) sẽ đẩy giá nhà đất tăng cao, dân khổ. Điều nên làm trước tiên là rà soát lại chính sách thuế đối với BĐS. Bộ Tài chính cần tính toán một cách bài bản, rà soát lại sắc thuế xem thuế nào là thuế tài sản, thuế nào là liên quan? Mức thu hiện bao nhiêu, dự kiến tăng hay giảm, xem xét đánh giá một cách cẩn thận để sắp xếp lại chứ không ban hành sắc thuế mới.Quan điểm xác định việc đánh thuế liên quan đến nhà đất là mục tiêu cho dài hạn. Bộ Tài chính thấy cần thiết chỉ cần sửa đổi Luật thuế SDĐ phi nông nghiệp, nhưng sau năm 2025 mới tính đến chứ không phải cho năm nay và năm sau.Sửa Luật thuế SDĐ phi nông nghiệp nên tập trung vào điểm nào?Bộ Tài chính nên thu gọn đối tượng nộp thuế lại, sửa đổi một số khung thuế suất góp phần điều tiết cho ngân sách. Biệt thự, shophouse, villa ở ngay trung tâm đô thị lớn có diện tích cả trăm mét vuông, giá vài chục tỉ đồng có thể nâng mức thuế suất cao hơn 0,03%. Mức nào thì cơ quan quản lý tính toán lấy ý kiến rộng rãi vì thuế nhà đất rất nhạy cảm, tác động rộng rãi.Đất nền dự án tại Nhơn Trạch, Đồng Nai được mua đi bán lại nhiều lần mà chưa xây dựng. -Ảnh: TỰ TRUNG Đừng bắt thuế gánh quá nhiều chức năngTheo ông, mục tiêu đánh thuế nhà đất để chống đầu cơ, kéo giá nhà đất xuống?Không, mục tiêu chính của chính sách thuế là để thu ngân sách. Nên đánh thêm thuế nhà, tăng thu thuế đối với quyền SDĐ để tăng thu chứ không phải chống đầu cơ hay kéo giá nhà đất xuống. Trái lại, việc đánh thêm thuế nhà và tăng thuế SDĐ khiến giá nhà đất tăng cao hơn. Tình trạng đầu cơ BĐS là do cung cầu thị trường quyết định. Không nên bắt thuế gánh quá nhiều chức năng.Muốn kìm giá nhà đất không tăng cao, tăng bất thường trước hết phải làm từ gốc. Đó là sửa đổi Luật đất đai sao cho minh bạch thông tin về quy hoạch. Hiện tượng sốt đất hàng loạt đô thị mới do thông tin không rõ ràng, khiến một số đối tượng lợi dụng đẩy giá lên cao chứ đâu phải do thuế thấp hay không có thuế. Đặc biệt, sửa Luật đất đai phải đảm bảo công bằng về giá đất. Chính sách giá đất hiện có giá UBND cấp tỉnh quy định, giá thị trường… Vậy nên theo giá nào? Chính phủ nên sửa khung giá đất để căn cứ vào đó, hằng năm UBND tỉnh điều chỉnh bảng giá đất sát với giá thị trường hơn. Giá này để tính thuế cũng như tính thu hồi đất. Như vậy mới công bằng với người SDĐ, tránh tình trạng thuế thu thì theo giá thị trường còn khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thì đền bù theo giá quy định.Theo ông, có chính sách thuế nào đủ mạnh để thị trường BĐS phát triển lành mạnh, minh bạch không?Nhiệm vụ chủ yếu của chính sách thuế nói chung và thuế BĐS nói riêng là đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Và có chăng thuế chỉ góp một phần rất nhỏ trong định hướng tiêu dùng, kinh doanh BĐS. Còn nếu nói dùng chính sách thuế để ngăn chặn đầu cơ BĐS là không hoàn toàn chính xác. Đất đai là hàng hóa đặc biệt, ngày càng khan hiếm, nên tình trạng đầu tư hay đầu cơ BĐS do thị trường quyết định chứ không phải do chính sách thuế. Thị trường sôi động, mua đi bán lại, Nhà nước thu được thuế là tốt chứ. Nếu đánh thuế khiến thị trường yên ắng, trầm lắng thì nguy to.Mặt khác, nếu cho rằng để chặn đầu cơ mà nâng mức thuế BĐS lên thì cần phải đánh giá tình trạng đầu cơ BĐS có phổ biến? Việc tăng thuế lên sẽ tác động đến ai? Theo tôi, nếu nâng thuế BĐS lên thì giá nhà đất sẽ tăng và ảnh hưởng đến người dân, nhất là dân nghèo. Nếu muốn tăng thu cho ngân sách, có nguồn chi đầu tư cho dự án cơ sở hạ tầng thì nên xem xét đánh thuế lũy tiến đối với người sử dụng nhiều đất và sở hữu nhà rộng. Vì nhu cầu nhà ở là vô cùng thiết yếu với bất cứ ai. Nên nguyên tắc chính sách thuế BĐS là phải căn cứ vào thu nhập, mức sống, điều kiện kinh tế - xã hội… để đảm bảo chính sách thuế không tác động tiêu cực đến đời sống người dân.Xin cảm ơn ông!Chính sách thu thuế chuyển nhượng BĐS có vấn đềTheo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách trong 3 năm trở lại đây luôn vượt dự toán là nhờ tăng thu từ nguồn sử dụng đất; tiền cho thuê đất. Ước tính, số thu từ đất chiếm 12% tổng thu ngân sách. Như năm 2021, số thu từ nhà đất đạt 200.000 tỉ đồng, tăng hơn 60.000 tỉ đồng so với dự toán. Riêng số thu từ hoạt động chuyển nhượng BĐS đạt 21.000 tỉ đồng, tăng 30% so với năm 2020. Bộ Tài chính giải thích nguyên nhân chính khiến số thu từ đất tăng cao là do thị trường BĐS tăng trưởng mạnh, tạo điều kiện cho các địa phương đẩy mạnh công tác đấu giá đất, cho thuê đất và thu hồi tiền nợ đọng từ các dự án BĐS.Luật sư Trương Thanh Đức, giám đốc Công ty luật ANVI, nhận định chính sách thuế về chuyển nhượng BĐS đang có vấn đề, khiến nhiều người tìm cách lách, tránh thuế. Với 2% giá trị chuyển nhượng thực tế mà không được trừ các chi phí như lãi vay, thậm chí lỗ cũng phải nộp thuế. Điều này chỉ dễ cho cơ quan thuế.L.THANH Tags: Luật thuế tài sảnBộ Tài chínhThuế bất động sảnThuế nhà đấtTS Nguyễn Ngọc Tú
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Đạo diễn Việt Tú: Có 3 việc cần làm ngay để vươn đến nền công nghiệp giải trí ĐẬU DUNG 23/12/2024 Chỉ một, hai concert đơn lẻ như Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai thành công thì chưa thể gọi là công nghiệp biểu diễn.
Tin tức sáng 23-12: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ TUỔI TRẺ ONLINE 23/12/2024 Tin tức đáng chú ý: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM dự báo tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ nhưng vẫn ở mức rất thấp...
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).