Đó là thuê CEO (giám đốc điều hành) chuyên nghiệp thay vì chọn các giáo sư, tiến sĩ có uy tín về chuyên môn ngành y nhưng chưa hẳn đã thuận tay trong quản lý bệnh viện.
Bệnh viện công, nhất là bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và T.Ư có nguồn thu rất lớn, có nơi lên đến 3.600 tỉ đồng/năm. Thế nhưng giám đốc bệnh viện công lại không có quyền điều phối nguồn thu để cải tạo cơ sở vật chất, vì vậy khó tránh khỏi cảnh cơ sở vật chất thiếu thốn, 2-3 bệnh nhân/giường, cơ sở vật chất và trang thiết bị xuống cấp...
Trong bệnh viện công có đủ loại hình dịch vụ, từ liên kết công - tư, dịch vụ do Nhà nước đầu tư, dịch vụ theo yêu cầu... nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Làm sao bệnh viện có thể phát triển, nâng chất dịch vụ khi không có quyền tự chủ, giám đốc làm gì phải xin phép, kể cả dự kiến của giá thuốc đấu thầu vào bệnh viện cũng phải bộ, sở duyệt.
Nếu Bộ Y tế vượt qua các quy định hiện hành, như giám đốc bệnh viện tuyến T.Ư phải có học vị tiến sĩ, phải là bác sĩ, phải trải qua quy trình giới thiệu, lấy phiếu tín nhiệm vô danh rồi có danh từ cơ sở..., chuyển sang thuê CEO điều hành, chắc chắn vai trò của người đứng đầu bệnh viện công sẽ thay đổi, kèm theo đó là thay đổi trong chất lượng phục vụ.
Khi đó, CEO trong vai trò người làm thuê nhưng có trách nhiệm điều hành để giá thuốc đấu thầu vào bệnh viện công đúng giá thị trường, nâng cấp chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh theo nguyên tắc “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, xem khách hàng là thượng đế. Đổi lại CEO được trả lương phù hợp với những gì mà mình đã làm.
Thuê CEO cho bệnh viện cũng là một công đôi việc, tốt cho bệnh viện, “khỏe” cho Bộ Y tế. Thực tế vừa qua cho thấy nhiều vụ lùm xùm trong ngành y có nguyên nhân từ cạnh tranh vị trí giám đốc bệnh viện công. Thuê CEO và có chính sách để CEO của bệnh viện công điều hành, Bộ Y tế không phải mất thời gian, công sức giải quyết các lùm xùm kiện tụng do cạnh tranh “ghế” giám đốc bệnh viện.
Hơn nữa, người bệnh đang cần những bác sĩ giỏi, có tay nghề cao. Nếu giám đốc bệnh viện phải là giáo sư, tiến sĩ, có chuyên môn cao, cũng có nghĩa bệnh nhân mất đi cơ hội được điều trị với một thầy thuốc giỏi.
Theo một chuyên gia của Bộ Y tế, chỉ có thể thuê CEO điều hành khi bệnh viện thực sự được tự chủ. Hiện tại Việt Nam đã có gần 10 bệnh viện thực sự tự chủ, có nguồn thu đủ trả lương và chi phí hoạt động, không nhận hỗ trợ từ ngân sách. Những bệnh viện này nên là các đơn vị đầu tiên thí điểm thuê CEO.
Dự kiến tháng 10 tới, Bộ Y tế sẽ đưa chủ trương này ra bàn thảo. Một chủ trương mới muốn thực hiện được phải vượt qua rất nhiều cản trở, từ rào cản về tâm lý, sự e ngại và cả lợi ích, đặc biệt là thói quen bổ nhiệm cán bộ theo quy trình.
Để làm được việc này, Bộ Y tế dũng cảm cũng chưa đủ, mà còn phải có bản lĩnh để vượt qua những trở ngại về quy trình bố trí cán bộ mới có thể tìm được những CEO, đặt họ vào đúng vị trí với đầy đủ quyền hạn để làm một việc mà cả xã hội đang mong muốn, nâng cấp chất lượng khám chữa bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận