Thuế du lịch và sáu thế kỷ tranh cãi

D.KIM THOA TỔNG HỢP 19/04/2023 09:32 GMT+7

TTCT - Dường như là điều tất yếu, mỗi khi chính sách thu thuế du lịch được đặt ra luôn có những phản ứng trái chiều mạnh mẽ, trong đó tiếng nói phản đối thường sẽ đến từ các đơn vị, tổ chức hoạt động du lịch ở địa phương.

Ảnh: times.news

Ảnh: times.news

Những tranh cãi quanh chuyện thu phí vào phố cổ Hội An, dù là do hiểu lầm, "truyền thông không đúng" hay gì đi nữa, chỉ là tiếp nối chuỗi tranh luận muôn đời mỗi khi một điểm đến yêu cầu khách phải trả thêm một khoản tiền nữa để được ghé thăm và lưu trú.

Từ thực tế, có thể hiểu động cơ rõ ràng nhất khi các nước hay địa phương đặt ra thuế hoặc tăng thuế du lịch là để ứng phó với tình trạng quá tải du khách, và dĩ nhiên cùng với đó còn là mục tiêu tăng ngân sách tái đầu tư hạ tầng, bảo vệ môi trường.

Hoan nghênh và chỉ trích

"Thu thuế với du khách đến Manchester, trò đùa cá tháng tư à? Nếu không thì tôi sẽ không bao giờ trở lại đây nữa" - một người dùng bức xúc trên Twitter trước thông tin những ai tới và nghỉ lại qua đêm tại đây sẽ phải trả 1 bảng Anh (1,24 USD) cho mỗi đêm, áp dụng từ 1-4-2023.

Và đây quả thật không phải trò cá tháng tư. Manchester trở thành thành phố đầu tiên của Vương quốc Anh áp dụng việc thu thuế với du khách, với tên chính thức là City Visitor Charge (CVC). Kế hoạch này đã được Hội đồng thành phố Manchester "nung nấu" suốt một thời gian dài; nguồn thu từ đây sẽ được dùng để thúc đẩy phát triển ngành kinh tế du lịch thông qua các hoạt động như tổ chức những sự kiện lớn, các hội thảo, lễ hội, chiến dịch marketing và cả công tác dọn vệ sinh.

Theo báo Manchester Evening News, phí CVC áp dụng tại 74 khách sạn và các căn hộ có cung cấp dịch vụ lưu trú ngắn tại trung tâm TP Manchester và một số khu vực thuộc TP Salford sát cạnh Manchester. Chính quyền ước tính sẽ thu về khoảng 3 triệu bảng Anh mỗi năm để duy trì hoạt động của tổ chức mới có tên Accommodation Business Improvement District (ABID) vốn được lập ra từ kết quả bỏ phiếu của các nhà cung cấp dịch vụ lưu trú.

Bà Bev Craig, người đứng đầu Hội đồng thành phố Manchester, cho rằng việc triển khai CVC diễn ra trong bối cảnh Manchester đang bước vào "giai đoạn hứng khởi" với số lượng phòng khách sạn mới và các điểm thu hút du khách được tăng thêm ở mức chưa từng có. Trong vài năm tới sẽ có gần 6.000 phòng khách sạn tại vùng đại đô thị Manchester.

Tương tự, trả lời Manchester Evening News, bà Annie Brown - chủ tịch thứ nhất của ABID - cho rằng việc áp CVC là bước đi thông minh, sẽ giúp thúc đẩy du lịch và kinh tế đêm trong thành phố. Bà cũng nói nếu so với các thành phố châu Âu khác, mức thuế của Manchester "là một khoản nhỏ".

"Có những thành phố khác ở Anh cũng đang muốn áp dụng những gì Manchester đã làm, tôi không nghĩ đó là loại phí gây khó chịu" - bà Annie Brown nói, nhấn mạnh thêm việc này cũng sẽ làm tăng thêm những lợi thế cạnh tranh của Manchester trong du lịch. "Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi đang không chỉ phải cạnh tranh với những thành phố khác ở Anh mà còn với những thành phố lớn khác trên thế giới", bà nói.

Tuy nhiên trên mạng, nhất là Twitter và Reddit, những tranh cãi về CVC sôi nổi như mổ bò. Một số tuyên bố họ sẽ không bao giờ trở lại Manchester nữa, số khác đặt câu hỏi vậy với những người sống trong hay gần thành phố, khi cần ở lại khách sạn, họ có bị tính là du khách và phải nộp thuế trong trường hợp này không?

Thuế du lịch có từ bao giờ?

Theo trang Majorcadaily Bulletin, thủy tổ của thuế du lịch có lẽ chính là Kurtaxe, loại thuế được đặt ra từ đầu thế kỷ 16, áp dụng với những ai muốn tới thị trấn nghỉ dưỡng Baden-Baden nổi tiếng với những suối nước nóng của bang Baden-Württemberg ở tây nam nước Đức. Tuy nhiên phải tới nửa sau thế kỷ 19, loại thuế này mới bắt đầu phổ biến ở Đức và Áo. Năm 1910, Pháp học theo Đức và áp thuế này với du khách tại Paris. Lý do thu thuế du lịch của cả Đức và Pháp đều là nhằm có ngân sách chi cho cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên trong các năm qua, thuế du lịch dường như còn có thêm nhiệm vụ khác nữa cũng quan trọng không kém: là "cái phanh" để kiểm soát tình trạng quá tải du khách khi cần. Thống kê trước dịch COVID-19, vào năm 2019, có ít nhất 40 nước đã áp dụng một dạng thức thu phí du lịch. Đánh giá của Hiệp hội Du lịch châu Âu (ETOA) cùng năm đó cho biết trên toàn châu Âu, phí du lịch đã được áp dụng tại 125 điểm đến ở 26 quốc gia.

Trước đại dịch COVID-19, không ít điểm du lịch nổi tiếng rơi vào tình trạng thất thủ khi quá đông du khách đổ dồn tới cùng thời điểm. Sau dịch, lượng du khách đang phục hồi dần và đông trở lại gần như mức trước dịch tại nhiều nơi, nên một số nước đã bắt đầu thu phí du lịch trở lại từ đầu năm 2023 và thậm chí nhiều nơi đã tăng loại phí này. Dĩ nhiên ở đây không nhắc tới những nước đã áp thuế này lâu nay, chỉ là du khách không biết (hoặc không để ý) vì thuế đó được tính luôn vào vé máy bay hay tiền thuê khách sạn.

Trong khi tại hầu hết các nước thuế du lịch đều ở dưới mức 20 USD, thì tại Bhutan, mức thuế này được tính ở mức giật mình nếu chỉ đơn thuần so sánh về con số. Theo đó, mức thuế tối thiểu hằng ngày với du khách nước ngoài là 250 USD/người/ngày trong mùa cao điểm và có thể giảm một chút lúc thấp điểm. Tuy nhiên theo Euronews, khoản thuế này đã "bao thầu" cho nhiều dịch vụ như lưu trú, đi lại, hướng dẫn viên, đồ ăn và vé vào cửa.

Xu hướng thu phí sẽ là tất yếu

Trang Euronews điểm danh các thành phố, quốc gia đã thu và sẽ thu thuế với du khách trong năm nay. Trong đó, kể từ 1-4-2023, du khách tới Barcelona (Tây Ban Nha) phải trả 2,75 euro/người/đêm, sau một năm nữa, từ 1-4-2024, mức thuế này tăng lên 3,25 euro/người/đêm. Hội đồng thành phố Barcelona cho biết tiền thuế sẽ được đầu tư cho hạ tầng, bao gồm nâng cấp đường sá, dịch vụ xe buýt và thang máy.

Tại Đông Nam Á, theo báo Bangkok Post, sau một thời gian trì hoãn vì tác động của đại dịch COVID-19, từ tháng 6-2023, khách đến Thái Lan sẽ phải đóng thuế với mức từ 150-300 baht (4,35-8,7 USD)/người/đêm. Trong đó, 300 baht là phí với khách đi đường không (khoản này sẽ được tính luôn vào vé máy bay), còn 150 baht áp với khách đi đường thủy hoặc bộ. Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan lý giải sở dĩ có sự khác biệt này là vì những khách đi đường thủy hoặc bộ thường sẽ chỉ ở lại trong một vài ngày.

Chính phủ Thái kỳ vọng thu được khoảng 3,9 tỉ baht (107 triệu USD) trong năm nay từ khoản thuế này và một phần trong đó sẽ được dùng để chi trả bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn cho du khách trong thời gian lưu trú. Bộ này dẫn số liệu trong giai đoạn 2017-2019, khách nước ngoài đã sử dụng các dịch vụ và bệnh viện công gây tốn kém khoảng 300-400 triệu baht (8,7-11,6 triệu USD) ngân sách nhà nước.

Trên đây là các trường hợp vừa áp dụng hoặc sẽ sớm áp dụng chính sách thu thuế với du khách trong năm nay. Còn trên thực tế, việc thu thuế này đã là chuyện thường ngày tại nhiều nước.

Chẳng hạn tại Áo, nếu tới Vienna hay Salzburg, khách du lịch sẽ phải đóng thuế bằng 3,02% so với tổng hóa đơn/người trong thời gian lưu trú. Tại Bỉ, thuế lưu trú với du khách nhìn chung ở mức 7,50 euro/đêm, tại những nơi như Antwerp và Bruges, thuế này được tính theo giá phòng, trong khi tại Brussels, thuế này tính theo quy mô và hạng sao của khách sạn. Danh sách các nước thuộc nhóm này còn dài nữa, trong đó có Bulgaria, các nước thuộc quần đảo Caribe, CH Czech, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary…

Thuế du lịch sẽ không chỉ là thuế lưu trú. Theo trang Euronews, kể từ tháng 10-2023, các du khách không phải công dân EU (từ người dưới 18 tuổi hoặc trên 70 tuổi) nếu muốn tới khối này sẽ phải đóng 7 euro khi nộp đơn xin visa du lịch.

Luôn luôn tranh cãi

Dường như là điều tất yếu, ở mọi địa phương, mỗi khi chính sách thu thuế du lịch được đặt ra luôn có những phản ứng trái chiều mạnh mẽ, trong đó tiếng nói phản đối thường sẽ đến từ các đơn vị, tổ chức hoạt động du lịch ở địa phương.

Giữa hai luồng dư luận, sự đồng thuận hay phản đối ở các nơi nhìn chung có nhiều gặp gỡ. Chẳng hạn, những người ủng hộ đều nhất trí là việc thu thuế du lịch sẽ giúp có thêm nguồn ngân sách để phát triển ngành du lịch bền vững, sinh lời và được quản lý hiệu quả hơn. Khoản tiền thu được sẽ giúp chính quyền địa phương cũng như ngành du lịch sở tại tái đầu tư cho hạ tầng và dịch vụ, từ đó mang lại lợi ích cho cả du khách lẫn người địa phương. Bên cạnh đó, thuế du lịch cũng sẽ giúp giảm tình trạng quá tải du khách, khiến trải nghiệm du lịch trọn vẹn hơn.

Trong khi đó, phe phản đối cho rằng việc tăng thêm chi phí với du khách sẽ là điều nguy hiểm, nhất là khi kinh tế đang khó khăn, lạm phát gia tăng tại nhiều nước hiện nay. Những người thuộc nhóm này cũng cho rằng việc thu phí cũng có thể làm nản lòng nhiều người, khiến họ không muốn tới một nơi nào đó và họ sẽ chọn những nơi khác chào đón mình hơn.

Một điểm quan trọng mà cả phe phản đối lẫn phe ủng hộ đều nhấn mạnh chính là cần một sự minh bạch trong việc thu chi khoản tiền này. Có những người ngờ vực khoản thuế sẽ chạy vào ngân sách địa phương chứ không phải được tái đầu tư như cam kết của họ. Nói như tác giả Rosie Spinks trên trang tin du lịch Skift, "thách thức lớn nhất với thuế du lịch" chính là "đảm bảo sự minh bạch về việc nó được sử dụng như thế nào".

Ông Tim Fairhurst - tổng thư ký của Hiệp hội Du lịch châu Âu, một tổ chức phi lợi nhuận - cho rằng "nếu việc thu phí rốt cuộc chỉ vì tài chính địa phương căng thẳng", hay vì cho rằng "khách du lịch không bầu cử, quý vị có thể dễ dàng móc tiền của họ" thì "đó không phải là cách làm thông minh".■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận