Người dùng đến chụp ảnh chân dung thuê bao tại cửa hàng Viettel trong ngày 9-4. - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, từ vài ngày gần đây, lượng người dùng đến chụp ảnh chân dung và bổ sung thông tin cá nhân còn thiếu tại các cửa hàng giao dịch của các nhà mạng đã bắt đầu đông lên. Tuy nhiên, rất nhiều người tỏ rõ sự khó chịu khi bị buộc phải thực hiện quy định này.
Sao phải làm thủ công?
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, rất nhiều người dùng đều cho rằng việc phải chụp ảnh chân dung là hoàn toàn không cần thiết khi đã có bản photo chứng minh nhân dân của họ.
Chị Ngọc Thiện (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) thắc mắc: “Việc chụp ảnh chân dung có cần thiết không khi mỗi người dùng đi đăng ký thông tin thuê bao di động đều đã cung cấp nó - ảnh chân dung - ngay trên chứng minh thư đưa cho nhà mạng?”.
Chị Bích Hường, một khách hàng của nhà mạng MobiFone, cho rằng: "Trước giờ các giao dịch hợp đồng cũng chỉ cần CMND là đủ. Ngay cả nhiều thủ tục khác hiện nay cũng chỉ cần CMND là đủ để đại diện cho một cá nhân. Tôi không thấy nhà mạng đưa ra lý do nào thuyết phục cho việc này”.
Bên cạnh việc chụp hình chân dung, rất nhiều khách hàng cũng tỏ ra bức xúc vì phải đi ra tận cửa hàng giao dịch để chụp ảnh.
Chị Phượng Anh, khách hàng của nhà mạng Viettel nhận định việc tất cả thuê bao di động các nhà mạng phải xếp hàng đi chụp ảnh chân dung “thật rườm rà, mất thời gian và quá thủ công. Mỗi đại lý nhà mạng sẽ phải thêm nhân sự chụp ảnh, xử lí hồ sơ… nên sẽ tốn chi phí vận hành rất lớn.
Không những vậy, số lượng người dùng rất đông, đến hàng chục triệu người sẽ rất dễ xảy ra tình trạng ùn tắc tại các điểm giao dịch. Nhà mạng mệt một, người dùng mệt mười vì phải chen chúc chỉ để chụp ảnh chân dung… để được sử dụng số điện thoại di động dù người dùng phải trả tiền dịch vụ đầy đủ”.
“Mạng di động và dịch vụ internet được xem là những nhân tố tiêu biểu cho sự phát triển của xã hội thời công nghiệp 4.0. Hầu hết người dùng điện thoại di động tại Việt Nam mình cũng không xạ lắm với chụp ảnh chân dung, hoặc tự chụp ảnh chân dung (selfie)".
"Vậy mà việc cập nhật hình ảnh để bổ sung đầy đủ thông tin thuê bao lại bị buộc phải thực hiện một cách cực kỳ thủ công. Với các công cụ (smartphone) và khả năng kết nối mạng hiện nay (3G, 4G, WiFi), tại sao chúng ta không tận dụng để việc bổ sung thông tin, hình ảnh này được diễn ra dễ dàng, nhẹ nhàng và ít tốn kém hơn?”, một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ (đề nghị không nêu tên) đặt vấn đề.
Đã có 2 nhà mạng cho chụp ảnh trực tuyến
Quay lại thời điểm cuối tháng 4-2017, khi quy định vừa được ban hành vào ngày 24-4-2017, Vinaphone là nhà mạng đầu tiên triển khai việc chụp ảnh chân dung thuê bao. Thế nhưng, khi nhận thấy sự bức xúc của khách hàng, Vinaphone đã cho biết sẽ đề xuất điều chỉnh việc thực hiện hợp lý hơn.
Khi đó, đại diện nhà mạng này tiết lộ họ “đang phát triển các công cụ cập nhật ảnh, có phương án cập nhật ảnh thuận tiện cho khách hàng như tổ chức các đợt bán hàng và cập nhật thông tin thuê bao tập trung tại từng địa bàn, phát triển các ứng dụng phục vụ cập nhật ảnh online thuận tiện cho nhân viên kinh doanh và khách hàng”.
Đến thời điểm này, “khách hàng có thể thể chụp ảnh chân dung, chứng minh nhân dân và các thông tin thuê bao khác như họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ… và gửi qua địa chỉ email: [email protected], hoặc qua fanpage Facebook: VNPT VinaPhone, hoặc qua ứng dụng di động My VinaPhone, hoặc qua các điểm giao dịch bưu điện của VNPost”, đại diện Vinaphone cho biết.
Cùng với Vinaphone, nhà mạng Viettel cũng cho biết họ cũng đã cho phép khách hàng của mình có thể bổ sung ảnh chân dung qua ứng dụng di động My Viettel. Tuy nhiên vì số lượng khách hàng cập nhật quá đông và nhân viên nhà mạng phải thực hiện các thao tác xác minh cẩn thận để đảm bảo thông tin được chính xác nhất nên tiến trình xử lý vẫn chưa thật sự trôi chảy.
Theo nghị định số 49/2017 của chính phủ ban hành ngày 24-4-2017, ngoài những thông tin hiện hành như chứng minh nhân dân, thông tin người dùng di động còn phải bao gồm “ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động)”.
Ảnh chụp phải có thông tin về thời gian (ngày, giờ) chụp.
Quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 24-4-2018. Sau đó, các cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo.
Đồng thời nhà mạng tiếp tục thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện, thêm 30 ngày nữa sẽ bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận