Đó là phiên tòa phúc thẩm vụ án "vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" và "sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" mà TAND tỉnh Bình Định vừa xét xử đối với tài xế xe khách Nguyễn Thành (47 tuổi, ngụ xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định).
Mẹ chết, con thương tật 93%
Bị cáo Thành ra tòa với vẻ mặt thật thà của một nông dân. Ngồi ngay phía sau lưng Thành là vợ ông - bà Nguyễn Thị Bé - đang bồn chồn, lo lắng.
Theo bản án sơ thẩm, khoảng 16h ngày 4-2-2017, Thành lái xe khách 16 chỗ chạy hướng Quy Nhơn - Tam Quan. Khi đến đoạn đường thuộc xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ) thì tông vào xe máy do bà Huỳnh Thị Hùng (56 tuổi) điều khiển.
Vụ tai nạn làm bà Hùng bị thương 11%, con dâu bà Hùng là chị Hồ Thị Lưu (21 tuổi) chết trên đường đi cấp cứu và con trai chị Lưu là cháu Hồ Trung Tín (10 tháng tuổi) bị chấn thương sọ não, mù mắt, thương tật 93%.
Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, Thành trình bằng lái xe hạng D được cấp năm 2015, song cơ quan chức năng xác định đây là bằng giả.
HĐXX sơ thẩm tuyên phạt Thành 4 năm tù, buộc bồi thường tổn thất tinh thần cho người thân chị Lưu bằng 60 lần lương cơ sở, cho cháu Tín 40 lần lương cơ sở, cấp dưỡng cho cháu Tín đến khi cháu 18 tuổi...
Cho rằng mức án đối với mình là nặng, Thành kháng cáo xin được hưởng án treo, đồng thời đề nghị giảm bớt mức bồi thường thiệt hại. Anh Hồ Ngọc Cho, chồng chị Lưu, cũng kháng cáo yêu cầu tòa buộc Thành tăng mức bồi thường thiệt hại.
"Bị cáo không có bằng lái vẫn điều khiển xe khách chạy tốc độ cao, tông vào xe máy làm một người chết, một người bị thương đến 93%, coi như gần hai người chết. Vậy cơ sở nào để bị cáo xin hưởng án treo? Gây tai nạn chết người theo quy định pháp luật là phải bồi thường đến 100 lần mức lương cơ sở, tòa sơ thẩm xử bị cáo chỉ bồi thường 60 lần mức lương cơ sở, sao lại còn xin giảm nữa?" - vị chủ tọa phiên tòa phúc thẩm đặt câu hỏi.
Suy nghĩ một hồi, Thành đáp: "Bị cáo nghĩ tai nạn xảy ra là do rủi ro chứ không phải cố ý. Thấy xe máy băng qua đường, bị cáo cố đánh tay lái lách nhưng không kịp".
Thành cũng nói chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng người viết giúp đơn kháng cáo viết luôn nội dung xin giảm bớt mức bồi thường. Tòa hỏi: "Vậy tại phiên tòa này bị cáo có kháng cáo xin giảm bồi thường không?". Thành trả lời: "Có, vì gia cảnh bị cáo khó khăn, từ ngày xảy ra tai nạn chiếc xe bị cơ quan chức năng giữ, không làm gì có tiền...".
Cha liệt chân nuôi con mù mắt
HĐXX phúc thẩm phân tích cho Thành rằng việc bị cáo không có bằng lái ôtô theo quy định mà vẫn điều khiển xe khách 16 chỗ ngồi là vi phạm pháp luật, lại còn vi phạm tốc độ gây ra tai nạn rất nghiêm trọng. "Bị cáo đừng nói là gia đình bị cáo nghèo khó để xin giảm tội, giảm mức bồi thường.
Gia đình người ta một người chết, một đứa trẻ bị thương đến 93%, mẹ già bị thương 11%, người ta cũng khó khăn và còn đau khổ không thể đong đếm được. Bị cáo phải thấy trách nhiệm của mình. Chẳng lẽ bị cáo không thức tỉnh nhân tâm?". Nghe vị chủ tọa phiên tòa phân tích và đặt câu hỏi xót xa như vậy, Thành cúi đầu lặng im.
Khi phiên tòa diễn ra, anh Hồ Ngọc Cho tuy bị liệt cả đôi chân nhưng cũng theo gia đình đến tòa. Không lên được phòng xử án ở tầng 3 của TAND tỉnh Bình Định, anh Cho đành dựng đôi nạng, ngồi dưới sảnh tòa, ủy quyền cho cha mình là ông Hồ Ngọc Hùng đại diện ra tòa.
Mãi đến khi tòa chuyển sang phần tranh luận, anh Cho mới nhờ được người cõng lên phòng xử án. Suốt quá trình xét xử, cha mẹ anh Cho rất bức xúc và nhiều lần nức nở, nghẹn ngào khi trình bày trước tòa.
"Ông Thành đã gây ra bi kịch khủng khiếp cho gia đình tôi, tôi không thấy ông ăn năn, hối cải gì mà tòa sơ thẩm xử ở mức rất nhẹ so với hậu quả ông gây ra. Gần ba năm qua kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn thảm khốc, ông Thành bốn lần đưa cho gia đình tôi tổng cộng 60 triệu đồng, trong khi tiền chữa chạy, chăm sóc cho đứa cháu đích tôn duy nhất của tôi lên đến hàng trăm triệu đồng.
Tôi đề nghị tòa xử nghiêm, buộc ổng phải tăng mức bồi thường tổn thất tinh thần, cấp dưỡng cho cháu Tín đến khi cháu 18 tuổi, cấp dưỡng cho Cho hằng tháng vì giờ vợ chết, con đau nặng, bản thân Cho bị liệt đôi chân không lao động kiếm sống được" - ông Hùng đề nghị.
Đại diện Viện KSND cho rằng nội dung kháng cáo của gia đình bị hại đề nghị tăng mức bồi thường do tổn thất tinh thần là đúng. Tuy nhiên, vị này nói rằng anh Cho bị tàn tật từ năm lên 4 tuổi, sau khi kết hôn với chị Lưu thì hai vợ chồng ở chung với cha mẹ anh Cho.
"Mỗi tháng chị Lưu chỉ thu nhập 3 triệu đồng. Chị Lưu thu nhập thấp như vậy không thể là người nuôi sống anh Cho, mà chỉ là vợ chồng chăm sóc lẫn nhau. Do vậy, buộc bị cáo Thành cấp dưỡng hằng tháng cho anh Cho là không phù hợp" - vị kiểm sát viên nói.
Nghe vậy, anh Cho xót xa: "Tôi bị liệt cả hai chân, cũng cố gắng chạy xe ba bánh đi bán nhang kiếm thu nhập nhưng không đáng là bao. Cuộc sống của tôi nhờ vợ rất nhiều, giờ vợ chết tức tưởi, con nhỏ thành người tàn phế, tôi quặt què vầy không biết phải xoay xở thế nào...".
"Gia đình tôi không muốn ổng ở tù lâu..."
Sau phiên tòa, ông Hồ Ngọc Hùng đã nói như vậy với chúng tôi với đôi mắt đỏ hoe. Ông Hùng cho biết ông chỉ có anh Cho là con trai nhưng bất hạnh là anh bị tàn tật.
Khi anh Cho cưới được vợ rồi sinh ra cháu Tín, cả gia đình ông vô cùng hạnh phúc. "Vậy mà cú tông oan nghiệt của ông Thành làm gia đình tôi đau khổ đến hết kiếp. Chúng tôi không muốn ổng ở tù lâu, nhưng ổng phải nhìn thấy tội lỗi mình gây ra và phải có trách nhiệm với hậu quả khủng khiếp ấy" - ông Hùng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận