15/07/2016 13:56 GMT+7

Thực thi phán quyết PCA: trách nhiệm pháp lý của Trung Quốc

HOÀNG ĐIỆP thực hiện
HOÀNG ĐIỆP thực hiện

TTO - Tòa trọng tài thường trực - PCA thành lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 mà Trung Quốc là thành viên nên Trung Quốc cần tôn trọng và thực thi phán quyết của PCA.

Người biểu tình phản đối Trung Quốc bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc tại Makati, Philippines - Ảnh: Reuters
Người biểu tình phản đối Trung Quốc bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc tại Makati, Philippines - Ảnh: Reuters

Tòa trọng tài thường trực (PCA) vừa ra  cuối cùng về vụ kiện của Philippines - Trung Quốc, đã chấp nhận hầu hết các yêu cầu của Philippines, bác bỏ yêu sách vô lý của Trung Quốc về “quyền lịch sử” và "đường 9 đoạn", lên án các hành vi trái phép của Trung Quốc trong việc cải tạo đảo và ngăn cản việc thực thi quyền đánh cá trên Biển Đông.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã có phản ứng dữ dội về phán quyết này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Trần Thăng Long - Trường đại học Luật TP.HCM - cho rằng: “Phán quyết của tòa trọng tài trong vụ kiện hoàn toàn có cơ sở pháp lý. Đây là tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục số VII của Công ước Luật biển 1982 mà cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên". 

"Cũng theo công ước và phụ lục này thì việc Trung Quốc không xuất hiện trước tòa trọng tài và không theo đuổi vụ kiện không ảnh hưởng đến thẩm quyền của tòa và giá trị pháp lý của phán quyết. Phán quyết này có giá trị pháp lý và ràng buộc đối với các bên trong vụ kiện” - TS Long nói. 

TS Trần Thăng Long 

* Ông đánh giá thế nào về phản ứng của Trung Quốc trước phán quyết của PCA ngày 12-7?

- Dễ dàng đoán trước phản ứng của Trung Quốc sau khi phán quyết được đưa ra. Trung Quốc liên tục tuyên bố ở những cấp độ khác nhau về việc không tham gia, không chấp nhận thẩm quyền của tòa và không chấp nhận phán quyết cũng cho thấy nước này khá quan tâm đến phán quyết của tòa trọng tài và hiểu rõ việc không tham gia vụ kiện có những tác động như thế nào.

Điều này cũng được thể hiện trong rất nhiều động thái của nước này trước, trong và sau khi vụ kiện được phân xử.

* Trung Quốc phản đối phán quyết của PCA, vậy việc thực thi phán quyết này sẽ được thực hiện ra sao?

- Thứ nhất, hệ thống pháp luật quốc tế vốn được hình thành trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, chủ quyền và sự thỏa thuận của các quốc gia cũng như các chủ thể khác của luật quốc tế, không tồn tại cơ chế cưỡng chế tập trung hoặc hệ thống cơ quan bảo đảm thi hành.

Cơ sở để thực thi pháp luật quốc tế dựa trên nguyên tắc tự nguyện và tôn trọng các cam kết quốc tế.

Nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda) là một nguyên tắc cổ xưa của luật quốc tế.

Nguyên tắc này xác định rõ rằng các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ và thi hành những cam kết quốc tế của mình đã được thể hiện trong các nghĩa vụ khi tham gia điều ước quốc tế, những cam kết pháp lý với các quốc gia, chủ thể khác của luật quốc tế và kể cả từ những nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ tố tụng quốc tế.

- Thứ hai, trong hệ thống Liên Hiệp Quốc, những phán quyết của tòa án công lý quốc tế có giá trị thi hành và được đảm bảo bằng cơ chế theo điều 94 hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Theo đó, nếu một bên đương sự trong một vụ tranh chấp không thi hành những nghĩa vụ mà họ phải chấp hành theo phán quyết của tòa án thì bên kia có thể khiếu nại với Hội đồng Bảo an.

Hội đồng Bảo an nếu thấy cần thiết có thể có kiến nghị hoặc quyết định những biện pháp để làm cho phán quyết này được chấp hành.

Tuy nhiên, một vụ tranh chấp quốc tế được phân xử bằng một biện pháp tài phán khác là trọng tài quốc tế thì không có cơ chế bảo đảm thực thi như trên. Phán quyết được thi hành tùy thuộc vào sự tự nguyện tuân thủ trên cơ sở nguyên tắc như đã nói.

* Vậy, trong vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc, vấn đề đặt ra là Trung Quốc có thi hành phán quyết này không khi mà phán quyết là có giá trị pháp lý, ràng buộc với Trung Quốc ngay cả khi nước này từ chối thẩm quyền, không tham gia vụ kiện và tuyên bố không chấp nhận phán quyết?

- Mặc dù luật quốc tế không có cơ chế đảm bảo thực thi như trong pháp luật quốc gia và sự tuân thủ dựa trên nguyên tắc tự nguyện, pháp luật quốc tế nói chung và phán quyết nói riêng được thực hiện đầy đủ vì các lý do:

Các quốc gia tham gia quan hệ quốc tế vì lợi ích của mình và lợi ích của mỗi quốc gia đồng thời đan xen và thể hiện ở lợi ích chung của các nước khác.

Điều đó cũng có nghĩa một quốc gia không thể tự tách mình khỏi lợi ích chung của cộng đồng bằng việc từ chối hợp tác cùng các quốc gia khác trong đó.

Việc tuân thủ và tôn trọng luật pháp quốc tế là cơ sở cho quốc gia liên quan tiếp tục tham gia và được công nhận như những chủ thể tôn trọng luật chơi chung của cộng đồng. Một luật chơi vừa dựa trên sự tự nguyện, vừa dựa trên cơ sở của lòng tin và chữ tín.

Việc tôn trọng luật pháp quốc tế là cơ sở đảm bảo các quyền lợi của quốc gia liên quan và vì thế sẽ được các quốc gia khác tôn trọng quyền lợi của mình.

Sau nữa, bên cạnh yếu tố tự nguyện và trách nhiệm thực thi, hệ thống pháp luật quốc tế có sức mạnh cưỡng chế mềm được tạo ra bởi sức ép của dư luận quốc tế, của sự phản ứng của các quốc gia, các tổ chức quốc tế.

Thậm chí nếu một quốc gia chối bỏ luật pháp quốc tế, xem thường và bất chấp luật pháp quốc tế có thể phải đối mặt với các biện pháp cưỡng chế đặc trưng của luật quốc tế là các biện pháp trừng phạt phi vũ trang.

* Nếu Trung Quốc cố tình không thi hành phán quyết của PCA thì sao, thưa ông?

- Đối với các quốc gia lớn, đặc biệt là những quốc gia giữ vai trò và trọng trách đối với cộng đồng quốc tế như Trung Quốc và các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thì vì vị thế, vai trò và trách nhiệm, các nước cần phải tôn trọng và thực thi luật pháp quốc tế.

Điều này trước hết là nghĩa vụ, sau nữa là cơ sở để tạo dựng lòng tin cậy, sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Điều có nghĩa rằng Trung Quốc sẽ phải ý thức được vấn đề đó và việc tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài là trách nhiệm pháp lý của nước này với vai trò của một quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc.

Bản thân Trung Quốc cũng biết rõ rằng việc thi hành phán quyết là trách nhiệm đặt ra đối với các quốc gia là thành viên Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 mà nước này chính là một trong những thành viên đầu tiên.

Công ước Luật biển 1982 đóng vai trò là bộ luật quốc tế về biển, hiến pháp của cộng đồng quy định về các vấn đề khai thác, sử dụng và quản lý các vùng biển và đại dương.

Công ước là cơ sở pháp lý đảm bảo chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của các quốc gia trên thế giới, đồng thời là cơ sở pháp lý để duy trì và bảo đảm các quyền tự do hàng hải, hàng không, là những quyền và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Chính vì vậy, việc tôn trọng phán quyết của tòa trọng tài liên quan đến luật biển thể hiện cam kết của nước này khi tham gia Công ước 1982.

HOÀNG ĐIỆP thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên