Chủ một quán ăn trên đường Phạm Văn Đồng, Q.Thủ Đức, TP.HCM cho biết 3 - 4 ngày nay, lượng khách giảm 70% (ảnh chụp lúc 20h ngày 7-1-2020) - Ảnh: HOÀNG AN
Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến bạn đọc xung quanh câu chuyện này, cùng ghi nhận từ bệnh viện sau một tuần thực thi nghị định mới.
Một số quy định trước đây cũng từng được kỳ vọng cải thiện tình hình giao thông, nghị định lần này góp thêm các yếu tố "cần" để có thể đạt được mục tiêu đó. Việc thực thi nghị định cần quyết liệt vượt qua những "rào cản" mới có thể chuyển biến trên thực tế! Đó là những "cuộc chiến" thật sự.
Trước tiên, đó là cuộc chiến "nói không" với rượu bia khi lái xe. Nghị định 100 tương thích với Luật phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019, với quy định nghiêm khắc về việc xử phạt đối với hành vi này.
Nghị định không chỉ quyết liệt với những "ma men lái xe" mà còn với các kiểu phóng nhanh, vượt ẩu, thiếu ý thức trong giao thông. Chẳng hạn các kiểu vô tư chạy xe lên vỉa hè, lấn sang phần đường chiều ngược lại, dừng xe lấn vạch dành cho người đi bộ…
Ý thức kém còn thể hiện ở việc "nơi nào tiện thì ta cứ đi", chạy ngược chiều; gặp đèn vàng thay vì chạy chậm thì một số người chạy ào qua luôn; mũ bảo hiểm thay vì cài quai cẩn thận, một số người chỉ treo trên xe, khi gặp CSGT mới đội…
Ý thức kém cũng thể hiện ở việc không nhường nhịn trên đường, chạy vào làn của phương tiện khác (dù đã có làn riêng), vượt sai luật, va quẹt thì "sửng cồ" với nhau…
Đó là cuộc chiến với thói quen "lách", "chạy", "xin"… khi vi phạm luật giao thông. Một số người chỉ lo bị phạt chứ không vì bảo vệ cho bản thân. Bao người vẫn khoe các kiểu "quen biết" để xin khỏi bị phạt, lấy xe sớm, và... tự hào về điều đó thay vì xấu hổ cùng lúc với hai việc: chạy xe vi phạm và không chấp hành việc nộp phạt.
Đó là cuộc chiến với các bất ổn trong quản lý về cơ sở hạ tầng giao thông, như thiếu hoặc biển báo không phù hợp, phân luồng phân tuyến không hợp lý và thường xuyên thay đổi, thiết bị hư hỏng (đèn đường, dải phân cách, biển báo) nhưng chậm được sửa chữa, thay thế… Hay nạn lấn chiếm đường giao thông để phục vụ sinh hoạt cá nhân (buôn bán, để xe, bày tiệc…) ít được xử lý tới nơi tới chốn. Việc xử lý các "điểm đen" về giao thông ở góc độ kỹ thuật đôi lúc cũng còn chậm và thiếu những giải pháp căn cơ…
Dĩ nhiên, không thể không nói đến nạn tiêu cực trong quản lý, xử lý về an toàn giao thông. Liệu có bao nhiêu trường hợp vi phạm về hành lang an toàn giao thông sau khi người vi phạm "bỏ nhỏ"? Có bao nhiêu trường hợp xe không đủ điều kiện đăng kiểm, xe chở quá tải… vẫn lưu thông bình thường? Có bao nhiêu người phạm luật đã "thoát" phạt nhờ những "quan hệ" và "tác động" hoặc chọn cách đóng tiền ít hơn khi chung chi cho cảnh sát giao thông?
Vượt qua những rào cản này dễ hay khó? Có những cái sai đã thành thường trực, cần có nhiều tác động mạnh mẽ và đủ dài lâu mới có thể tạo chuyển biến. Nhưng trước mắt cần sự quyết tâm thay đổi. Thực tế những ngày qua đã có phần chuyển biến theo hướng tích cực, dư luận phần lớn ủng hộ quy định mới.
Theo ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, thống kê của Cục Cảnh sát giao thông: 6 ngày đầu năm 2020 có 103 người chết do tai nạn giao thông, trung bình 17 người chết/ngày, thấp hơn 4 người so với con số bình quân 21 người chết/ngày do tai nạn giao thông năm 2019. Cần phải tiếp tục thực hiện và chờ đợi thêm một thời gian để đánh giá toàn diện hơn nhưng một tuần thực thi cho thấy có sự thay đổi mà mọi người dân đều mong chờ.
Giải pháp "cầm chừng"
Cá nhân tôi ủng hộ những quy định trong nghị định 100/2019. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc áp dụng nghị định này quá gấp rút, chưa kịp tuyên truyền sâu rộng. Giữa những bận rộn cuối năm, nhiều người chưa tiếp cận thông tin đầy đủ. Và thực tế cho thấy nhiều người chưa sẵn sàng chấp hành tuyệt đối quy định mới.
Các quán nhậu tôi thường lui tới thì lượng khách có giảm nhưng chưa nhiều. Những người làm công việc như tôi phải giao tiếp nhiều với khách hàng, đối tác vào dịp tất niên này có thể sẽ cần thêm thời gian để thích nghi với thay đổi. Cuối tuần rồi, sau một chầu nhậu, chúng tôi gọi xe công nghệ chở về nhà, phải đợi nửa tiếng nhưng không có xe, chưa kể mức giá nhảy vọt. Cuối năm, tiệc tùng rất nhiều, với nhiều công ty, lịch tất niên đã có từ trước. Lượng xe có thể chưa kịp đáp ứng nhu cầu tăng vọt nên nhiều người bị động với quy định mới.
Các quán nhậu hiện đưa ra một số giải pháp "cầm chừng" để hưởng ứng quy định mới kiểu như giảm giá cho những khách hàng thân quen hoặc có hóa đơn giá trị cao, cho nhân viên quán chở khách về trong một số lộ trình gần…
Tôi thấy giới lao động văn phòng ở Nhật Bản và Hàn Quốc cũng nhậu rất nhiều, nhưng khi nhậu xong thì họ có các phương tiện công cộng rất an toàn, đa dạng để về nhà (xe công nghệ khắp nơi, tàu điện ngầm, xe buýt…), thực tế giao thông của chúng ta chưa đáp ứng giải quyết hiệu quả vấn đề này.
Bạn đọc N.T.Anh (Q.1, TP.HCM)
Tuyên truyền mạnh hơn cho giới trẻ
Trước đây, mỗi khi thực hiện các chương trình lớn, chúng tôi cũng có tụ họp, nâng vài ly bia để tổng kết. Lần gần nhất, cuối tháng 12-2019, chúng tôi chuyển sang uống nước ngọt. Theo tôi thấy, tỉ lệ giới trẻ có mặt ở các quán nhậu gần nơi tôi làm việc đã vắng hơn trước.
Thay đổi từ ý thức là quan trọng nhất. Với tư cách là chủ tịch hội sinh viên ở trường, tôi đang ấp ủ một số hoạt động để nâng cao ý thức ở giới sinh viên. Người có ý thức tốt sẽ không muốn làm điều gì tổn hại cho bản thân lẫn người khác. Tôi nghĩ việc phạt nặng là điều cần thiết để mọi người thật sự không dám vi phạm.
Một số quán nhậu có tặng chi phí đi xe công nghệ về nhà để khuyến khích khách chọn cách an toàn. Vài nơi bán bia rượu giờ có thêm nước chanh và một vài loại thuốc, nước uống gọi là "bí kíp giải rượu" tự pha chế.
Bạn đọc Phạm Thành Tuân
(Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Giao thông vận tải TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận