22/05/2014 08:38 GMT+7

Thực tế đòi hỏi sớm có luật biểu tình

LÊ KIÊN - QUỐC THANH
LÊ KIÊN - QUỐC THANH

TT - Chiều 21-5, thảo luận tại tổ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần sớm đưa dự án luật biểu tình vào nghị trình chính thức để Quốc hội xem xét, thông qua.

hSrdQZB2.jpgPhóng to
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ - Ảnh: Việt Dũng

“Tôi đề nghị cần sớm phải đưa vào chương trình để Quốc hội xem xét, thông qua luật biểu tình” - viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo bày tỏ. Theo ông Thảo, đây là dự án luật từng được Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét, Bộ Công an cũng đã có chuẩn bị. Biểu tình cũng là một trong những quyền quan trọng được ghi nhận trong Hiến pháp. “Đặc biệt, thực tế vừa qua cho thấy khi nhân dân biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc thì chúng ta chưa có cơ sở pháp lý vững chắc để người dân thực hiện quyền của mình, cũng như để Nhà nước kiểm soát tình hình và chế tài các vi phạm” - ông nói. Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Trịnh Thế Khiết cũng cho rằng “cần có luật biểu tình để nhân dân bày tỏ lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và bày tỏ thái độ trước thế giới”.

Cụ thể hơn, ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương đề xuất đưa ngay Luật biểu tình vào nội dung chương trình kỳ họp thứ 8 của Quốc hội (diễn ra cuối năm nay). Ý kiến của đại biểu Đương nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Huỳnh Thành Đạt, Võ Thị Dung... Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh quyền biểu tình là quyền con người đã được hiến định, thực tế vừa qua cho thấy hết sức bức xúc, có thể lôi cuốn hàng triệu người ở các tầng lớp nhân dân khác nhau, nhất là lớp trẻ. Khi có nhu cầu bức xúc như vậy nhưng lại không có hành lang pháp lý và chuẩn mực cho những hành động để diễn ra một cách hợp lý, có thể kiểm soát được...

Tuy nhiên tại đoàn Hà Nội, thiếu tướng Lê Hiền Vân cho rằng “trong điều kiện nước ta một Đảng lãnh đạo thì chưa nên có Luật biểu tình”. Ông Vân lại nhìn thấy sự phức tạp của biểu tình biểu hiện ở các sự kiện đáng tiếc tại Bình Dương, Hà Tĩnh vừa qua. Còn với Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Bắc Son thì “chúng ta không có quyền ngăn cản việc biểu thị lòng yêu nước của nhân dân”. Theo ông Son, tuy chưa có luật biểu tình, nhưng đã có nghị định 38 quy định về các biện pháp bảo vệ trật tự nơi công cộng, trong đó cũng đã quy định muốn biểu tình thì phải đăng ký với chính quyền. “Cần phải tuyên truyền để nhân dân nắm rõ các quy định trong nghị định này” - ông Son nói.

Theo tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại kỳ họp thứ 9 (giữ năm 2015) Quốc hội sẽ xem xét thông qua 17 dự án luật và cho ý kiến 14 dự án luật khác; kỳ họp thứ 10 sẽ xem xét thông qua 14 dự án luật, hai dự án pháp lệnh và cho ý kiến 11 dự án luật khác. Theo nhiều đại biểu, đây là một chương trình “rất nặng” mà nếu không có các giải pháp tốt để thực hiện thì Quốc hội rất khó hoàn thành, trong khi chất lượng các dự luật vẫn là vấn đề khiến nhiều đại biểu băn khoăn.

Trước đó sáng 21-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa.

LÊ KIÊN - QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên