Những mô hình mới như thực tế ảo (VR), thể thao điện tử (esports) và các bảo tàng tương tácmới đang dẫn đầu xu thế trong việc gia tăng trải nghiệm khách hàng ở các điểm bán lẻ.
Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ của xu hướng này
Những thay đổi về nhân khẩu học, văn hóa, kinh tế và công nghệ đang gây ảnh hưởng lớn đến cách mọi người sử dụng thời gian và tiền bạc. Xu hướng này được ghi nhận ở nhiều thế hệ, nhưng thế hệ Y (hay còn gọi là millennials) là những hiện thân rõ rệt nhất. Họ ưu tiên các hoạt động trải nghiệm như các kỳ nghỉ, các bữa ăn tại nhà hàng và giao tiếp hơn việc tiêu tiền mua đồ.
Các hoạt động giải trí truyền thống như ăn uống (F&B), phòng tập thể dục thể thao và rạp chiếu phim vẫn thu hút một nguồn cầu nhất định. Tuy nhiên, những mô hình mới như thực tế ảo (VR), thể thao điện tử (esports) và các bảo tàng tương tác mới đang dẫn đầu xu thế.
Số liệu từ PitchBook - một đơn vị cung cấp dữ liệu cho thấy các mô hình này đang phát triển rất nhanh. Từ năm 2013 đến nay, tổng chi phí đầu tư vào F&B truyền thống ở mức 58,2 tỉ bảng Anh, nhưng hiện đang có dấu hiệu chững lại.
Trái lại, các mô hình giải trí mới là mảng ghi nhận mức vốn đầu tư tăng vọt và đang dần được tích hợp vào không gian thực ở các điểm bán lẻ. Phân khúc này đã thu hút được 19,8 tỉ bảng Anh từ năm 2013.
Với các trung tâm thương mại ở Mỹ, châu Âu và châu Á, làn sóng mở rộng này đang dần thay thế các đơn vị bán lẻ truyền thống bằng các mô hình giải trí mới. Những ý tưởng mới hiện đang thu hút khách hàng đến với trung tâm thương mại, và các chủ mặt bằng ngày càng nhận thấy việc cần đầu tư thêm vào lĩnh vực giải trí để biến trung tâm bán lẻ của mình thành một điểm đến.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội chia sẻ về xu hướng này như sau: "Để tồn tại các dự án bất động sản bán lẻ mới cần phải đưa ra các thiết kế và tiện ích mới mẻ, trong đó có các mô hình tân tiến và sáng tạo để thu hút khách hàng như: các hoạt động giải trí, công viên giải trí… nhằm biến đổi cơ cấu khách thuê."
Hấp dẫn nhất là các mô hình ứng dụng công nghệ, ví dụ như VR nhập vai. Với các chủ mặt bằng, đây là cơ hội để thu hút các thương hiệu thử nghiệm nhỏ với yêu cầu đầu tư vốn ban đầu không quá lớn hoặc quá nhiều diện tích mặt bằng. Tại Việt Nam, nhiều trung tâm thương mại lớn cũng đã xuất hiện các mô hình VR nhập vai nhằm gia tăng trải nghiệm và thu hút khách hàng nhưng vẫn ở quy mô nhỏ và lẻ tẻ.
Trên thế giới, ứng dụng công nghệ không bó hẹp trong lĩnh vực trò chơi điện tử như ở Việt Nam. Tại Tokyo, studio công nghệ mang tên teamLab đã tạo ra một bảo tàng nghệ thuật số đem đến cho khách hàng trải nghiệm nghệ thuật tương tác và nhập vai trong không gian 3D rộng 10.000m2.
Khách đến thăm bảo tàng có thể sờ và theo dõi các hiện vật trưng bày; những hiện vật này liên tục chuyển động và tương tác với người xem.
Tuy sự gia nhập của các mô hình mới đang lan rộng nhưng theo chuyên gia Savills, việc dành mặt bằng cho các hoạt động giải trí vẫn đang vấp phải một số thách thức. Nhiều mô hình hiện chưa được thử nghiệm, và câu chuyện về tuổi thọ của những mô hình này vẫn còn là một dấu chấm hỏi. Việc lắp đặt trang trí mặt bằng thường đòi hỏi các hợp đồng thuê kéo dài để cân đối với chi phí.
Theo thời gian, mỹ quan mặt bằng bán lẻ trong mắt khách hàng có thể không còn hấp dẫn. Tuy vậy, điều này cũng có thể là động lực để các chủ mặt bằng sáng tạo hơn trong chiến lược cho thuê, tăng tính linh hoạt thông qua cơ cấu thay đổi khách thuê và liên doanh với đơn vị vận hành.
Dù các chủ mặt bằng chọn mô hình nào trong phát triển mặt bằng bán lẻ thì vai trò của công nghệ ngày càng lớn mạnh. Khách hàng của tương lai là những con người của kỷ nguyên công nghệ, với smart-phone, facebook hay những tiện ích công nghệ khác.
Các doanh nghiệp bán lẻ sẽ phải liên tục thay đổi để bắt kịp xu hướng; các dự án bất động sản bán lẻ vì vậy cũng cần phải thích ứng để không bị đào thải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận