Chăm sóc bệnh nhân nhiễm giun xoắn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư - Ảnh: Hà Linh |
Ngoài nguy cơ nhiễm hóa chất và kim loại nặng, nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên còn nhiễm giun sán với tỉ lệ cao.
Cứ tưởng là an toàn
Nên ăn thức ăn nấu chín Theo các chuyên gia, trong món gỏi cá đã chế biến đưa vào sử dụng chỉ có 5-7% ấu trùng sán lá bị chết, trong cua nướng vàng vỏ chỉ có 35% ấu trùng sán lá phổi chết và cua nướng cháy vỏ có 76,7% ấu trùng chết. Các chuyên gia khuyến cáo để phòng bệnh, ngoài việc chọn mua được thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được kiểm dịch...) thì người dân cần phải thực hiện ăn chín, uống sôi và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ môi trường sống. |
Ông T. (45 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) vì sợ thực phẩm nuôi công nghiệp có chất tăng trọng nên thường đặt ở quê mua giúp thịt heo thả, heo mán, ngựa... để làm thức ăn.
Cả cua, cá, ốc, ếch, lươn... ông cũng đều được người nhà ở quê mua giúp từ những người đi đánh bắt ngoài tự nhiên.
Vì nghĩ thực phẩm tự nhiên và nuôi chăn thả an toàn nên ông chẳng ngại ngùng mà thường xuyên chế biến các món tiết canh, thịt tái, gỏi cá...
Sau một lần ăn tiết canh, ông có biểu hiện sốt, đau cơ, đi lại khó khăn, phù nề, đi ngoài ra máu... Ông nhập viện trong tình trạng xuất huyết phủ tạng, suy gan, suy tim và sau đó tử vong. Kết quả định bệnh cho thấy ông bị nhiễm giun xoắn mà không biết.
Ông Đỗ Văn H., 67 tuổi, Sơn La, thích ăn ếch xào tái, cua đá nướng và hấp. Từ sở thích này mà ông bị ho kéo dài, không chữa khỏi.
Bệnh viện ở Sơn La nghi ông bị lao nên chuyển đến Bệnh viện Lao và bệnh phổi trung ương. Ông được hút dịch kiểm tra và bệnh viện phát hiện sán lá phổi trong dịch.
GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên trưởng bộ môn ký sinh trùng Trường đại học Y Hà Nội, cảnh báo thực phẩm bị ô nhiễm đang ở mức báo động, tuy nhiên người ta thường chỉ chú trọng ô nhiễm bởi hóa chất, còn mầm bệnh ký sinh trùng trong thực phẩm ít được quan tâm.
Trong khi thực tế ký sinh trùng gây nên bệnh lý rất phức tạp và với tỉ lệ nhiễm cao trong cộng đồng, nhiều bệnh ký sinh trùng truyền qua thực phẩm gây nên bệnh cảnh hết sức nặng nề.
Bệnh giun xoắn có thể tử vong và gây thành dịch tại nhiều tỉnh thành. Bệnh ấu trùng sán heo gây động kinh, co giật, liệt, mù mắt...
Bệnh sán lá gan nhỏ gây xơ gan, ung thư gan, sán lá gan lớn gây u gan và chẩn đoán nhầm với ung thư gan.
Bệnh sán lá phổi gây chẩn đoán nhầm với lao, nhiều bệnh nhân điều trị lao hàng chục năm, có bệnh nhân điều trị lao 30 năm đến khi phát hiện sán lá phổi thì chỉ cần điều trị trong hai ngày.
Bệnh giun đũa chó còn gây nhiều triệu chứng phức tạp như nổi mề đay, sẩn ngứa, xuất huyết, sốt kéo dài...
Đó là chưa nói đến có tới 50-60 triệu người nhiễm giun đường ruột và hàng chục triệu người nhiễm đơn bào hầu hết có liên quan đến rau xanh.
Nhiều loài cá tự nhiên nhiễm ký sinh trùng
ThS Bùi Ngọc Thanh, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, cảnh báo xu hướng thích dùng các sản phẩm tự nhiên có giá trị dinh dưỡng cao, tránh thuốc tăng trọng đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bệnh tật cho người sử dụng.
Đơn cử như cá sống ở các ao hồ sông suối tự nhiên hiện nay bị ô nhiễm nặng bởi hóa chất của các nhà máy, thuốc bảo vệ thực vật và đặc biệt là kim loại nặng như chì, asen, thủy ngân...
Hơn nữa, nghiên cứu tại các vùng miền khác nhau cho thấy nhiều loại cá, lươn, ếch... nhiễm giun đầu gai, sán với số lượng rất lớn.
Cá tự nhiên thường nhiễm cao hơn cá nuôi như tại một vùng biển, một kết quả nghiên cứu cho thấy cá tự nhiên bị nhiễm ấu trùng 86-95%, trong khi cá nuôi có tỉ lệ nhiễm 80%.
Ở những nơi nuôi trồng thủy sản mà tuân thủ đúng kỹ thuật nuôi: tẩy sạch ao trước khi nuôi, không sử dụng phân, nguồn nước và thức ăn đảm bảo... thì xét nghiệm cá mè, trắm, trôi, rô phi không thấy sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ...
Theo GS.TS Nguyễn Văn Đề, nhiều xét nghiệm cho thấy thực phẩm ở vùng nông thôn thường có tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng cao hơn vùng thành thị.
Tại Hà Nội, kiểm tra trên 2.237.000 con heo phát hiện 835 con nhiễm ấu trùng sán, tỉ lệ 0,037%, trong khi kiểm tra tại năm tỉnh miền Bắc thì tỉ lệ heo nhiễm ấu trùng này cao gần gấp đôi (0,063%).
Tương tự, kiểm tra cá tại năm chợ ở nội thành Hà Nội cho thấy tỉ lệ nhiễm sán lá truyền qua cá ở cá trắm 13,3%, cá chép 3,3%, cá rô phi 1,7%, cá trôi 1,7%...
Trong khi đó, tỉ lệ nhiễm này tại nông thôn Nam Định ở cá chép lên đến 52%, cá trắm 50%, cá rô phi 24%, cá trôi 10%...
Tại các vùng có nhiều bệnh sán lá gan nhỏ như Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Bình... tỉ lệ nhiễm ấu trùng sán trong cá rất cao 60-90%.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Đề, tại một số tỉnh miền núi VN thịt heo mán, heo thả tự nhiên được người dân hiện nay tin dùng.
Tuy nhiên, loại thịt heo này thường nhiễm giun xoắn và đây là nguồn gây ra nhiều đợt dịch bệnh giun xoắn. Năm 2012, ở Mường Lát (Thanh Hóa) có 24 người cùng mắc bệnh giun xoắn trong một bữa tiệc đầu năm.
Trước đó, trong một vụ dịch giun xoắn ở Yên Bái khiến 26 người mắc bệnh, xét nghiệm một con heo mán nuôi được tám năm thấy mỗi gam thịt chứa 879 ấu trùng giun xoắn, một con heo khác được nuôi bảy năm cũng có 70 ấu trùng giun xoắn trong 1g thịt.
Cua đá cũng là sản phẩm tự nhiên được ưa chuộng, tuy nhiên kiểm tra ấu trùng sán lá phổi trong cua đá cho thấy tỉ lệ cua nhiễm ấu trùng tại Lai Châu là 98,1%, Sơn La 52,5-88,9%, Hòa Bình 55,2%, Lào Cai 95,6%, Yên Bái 60%...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận