Khuyến khích những thực phẩm tươi sạch và tránh chế biến sẵn, hóa chất nhân tạo, nhiều đường và chất béo trans - Ảnh: CHÂU ANH
Chế độ ăn nêu trên dựa vào kinh nghiệm ẩm thực khoa học cổ xưa từ vùng châu Á và Địa Trung Hải. Kết hợp hai chế độ ăn này sẽ là phương thức khoa học nhất về ăn uống căn bản hằng ngày.
Chế độ ăn Địa Trung Hải đã được nghiên cứu hơn 30 năm qua, với tác dụng kháng viêm, khuyến khích những thực phẩm tươi sạch và tránh chế biến sẵn, hóa chất nhân tạo, nhiều đường và chất béo trans. Thay vào đó, nên dùng các chất béo chuỗi ngắn và chuỗi dài không bão hòa có ích cho cơ thể, có tỉ lệ axit béo omega-3 đối với omega-6 cao.
Ngoài ra, còn bao gồm các protein thực vật chứa nhiều chất xơ, ít chất đường, như các loại đậu và rau quả khác. Mỡ động vật bão hòa càng thấp càng có lợi cho cơ thể. Các chuyên gia nhấn mạnh vai trò của trái cây và rau, là các chất chống oxy hóa quan trọng như thảo dược, quả, hạt, và trà xanh.
Đại học Cornell (New York, Hoa Kỳ) đánh giá khoảng 6.500 người đã chứng minh mối liên quan giữa chế độ ăn châu Á ở vùng nông thôn Trung Quốc với tác dụng bảo vệ chống nhiều bệnh ung thư từng thấy ở văn minh phương Tây. Cũng thấy có giảm thiểu tần suất bệnh tim mạch và tuổi thọ kéo dài hơn đáng kể.
Chế độ ăn Địa Trung Hải đã cho thấy qua những nghiên cứu nhi khoa, có liên quan không những làm giảm mức độ trầm trọng của hen và dị ứng, mà còn giúp giảm tái phát và phòng ngừa hen mãn tính. Ngoài ra, có tác dụng giảm gan nhiễm mỡ không do rượu và béo phì ở trẻ em.
Chế độ ăn truyền thống châu Á bao gồm cá, xúp miso và các thực phẩm lên men giúp giảm chứng ruột kích thích. Nấm giúp giảm nguy cơ và tái phát ung thư (đã được nghiên cứu ở Hoa Kỳ). Thảo dược, tỏi, tiêu, ớt, nghệ, tảo biển có tác dụng chống oxy hóa. Tóm lại, chế độ ăn kết hợp Địa Trung Hải và châu Á rất ích lợi giúp phòng ngừa bệnh cho trẻ em cũng như người trưởng thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận