01/12/2013 07:35 GMT+7

Thực phẩm chức năng: Nơi "thần thánh hóa", chỗ lại tẩy chay

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) tại VN đã “bùng nổ” mạnh mẽ về số lượng sản phẩm và cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng này. Thế nhưng việc quản lý TPCN còn không ít lỗ hổng, khiến người dân hiểu chưa đúng về mặt hàng này.

PBp8RdX5.jpgPhóng to
Khách hàng chọn mua sản phẩm tại một cửa hàng thực phẩm chức năng ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Từ đó dẫn đến những phản ứng trái chiều trong xã hội theo hai xu hướng: “thần thánh hóa” hoặc tẩy chay TPCN. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận định như vậy tại hội thảo “TPCN: vai trò trong dự phòng, thực trạng quản lý và định hướng trong thời gian tới” do Cục An toàn thực phẩm và báo Lao Động tổ chức sáng 30-11.

Chỉ “đổ chậu nước tắm”

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, trong mười năm trở lại đây TPCN tại VN phát triển mạnh mẽ (năm 2000 chỉ có khoảng 30 loại TPCN) với số lượng được công bố đến nay gần 10.000 sản phẩm, trong đó có 40% là sản phẩm nhập khẩu. Mức tiêu thụ TPCN của người tiêu dùng cũng tăng lên nhanh chóng. Số lượng các doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh TPCN tăng mạnh, với gần 1.800 doanh nghiệp. Việc lưu hành, phân phối TPCN trên thị trường VN cũng rất đa dạng, dưới nhiều hình thức.

Về quản lý, Bộ Y tế đã ban hành ba thông tư hướng dẫn và hiện đang tiếp tục ban hành thông tư hướng dẫn, quản lý TPCN để phù hợp hơn với thực tiễn. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển quá nhanh trong khi hệ thống văn bản chưa theo kịp nên dẫn đến rất nhiều bất cập. Nhiều loại TPCN được bán theo hình thức kinh doanh đa cấp, quảng cáo vượt quá công dụng, còn hàng “lậu”, hàng xách tay và trốn công bố chất lượng sản phẩm lưu hành trên thị trường, giá thành cao... Ở góc độ sản xuất, còn tồn tại cơ sở sản xuất kinh doanh TPCN không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm bán ra thị trường không đúng chất lượng như đã công bố (còn nấm men, nấm mốc, hàm lượng không đạt). Đặc biệt, việc quảng cáo phóng đại công dụng của sản phẩm vẫn còn xảy ra do một số đài phát thanh, báo mạng, nhà sản xuất vì lợi nhuận nên vẫn vi phạm quảng cáo...

Phân tích lý do bùng nổ thị trường TPCN, PGS.TS Lê Văn Truyền - nguyên thứ trưởng Bộ Y tế - nói là do các bệnh mãn tính và ô nhiễm môi trường ngày càng nhiều, người dân ngày càng có xu hướng tìm về một lối sống lành mạnh, quan tâm hơn đến các sản phẩm thiên nhiên và các biện pháp phòng bệnh... Vì vậy, đối với một số hiện tượng không lành mạnh trong việc kinh doanh, quảng cáo TPCN hiện nay cần phải có thái độ đúng là “đổ chậu nước tắm nhưng không đổ em bé trong chậu nước”. Theo ông Lê Văn Truyền, hiện nay định nghĩa về TPCN vẫn chưa thống nhất giữa các quốc gia, giữa các khu vực. Nhiều nước trên thế giới khi nói đến TPCN là nói đến “các thực phẩm có công bố trên nhãn các lợi ích đối với sức khỏe”. Tại VN, Bộ Y tế đã sớm xác định “định nghĩa” TPCN và công nhận TPCN có lợi cho sức khỏe và giảm nguy cơ mắc một số bệnh.

Quảng cáo như “thần dược”

Đại diện và bảo vệ cho người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng - phó chủ tịch, tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN - nói trước thông tin đa chiều về TPCN, người tiêu dùng hiện nay quan tâm nhất và muốn biết bản chất của TPCN là gì? Có thật sự tốt như nhiều quảng cáo? Giá bán có đúng với giá trị sản phẩm hay đã bị đẩy lên quá cao? Người tiêu dùng quan tâm là tác dụng thực tế của TPCN thế nào đối với sức khỏe nhưng hiện nay lại chưa được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm và công bố, mới chỉ dừng lại ở việc kiểm nghiệm đánh giá được độ an toàn của sản phẩm.

Theo ông Hùng, thực tế vẫn còn không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở pháp luật, sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng về TPCN và sự cả tin của họ vào những lời quảng cáo có cánh, đặc biệt đánh vào tâm lý người bệnh để bán hàng với giá cao, gây thiệt hại về kinh tế, sức khỏe cho người tiêu dùng, gây nhức nhối trong công luận. Việc quảng cáo thổi phồng, thậm chí được quảng cáo như “thần dược” chữa được hàng chục loại bệnh, đã gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm đối với người tiêu dùng.

Ông Hùng cho rằng giá cả của TPCN cũng là vấn đề nổi cộm, quá đắt so với giá trị của sản phẩm. Nhiều loại TPCN bị đẩy giá bất hợp lý, bị biến tướng, bán qua nhiều tầng nấc và người tiêu dùng phải gánh chịu. Nhiều người bệnh thường có tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, khi đã ở vào hoàn cảnh đó thường dễ tin vào những quảng cáo về “thần dược”. Đây chính là yếu tố tâm lý được những người làm quảng cáo với mục đích thương mại triệt để khai thác cho mục đích kinh doanh kiếm lời phi đạo đức...

Cho bác sĩ kê toa TPCN?

Tại hội thảo này, một số đại biểu cho rằng một số nước trên thế giới cho bác sĩ kê đơn TPCN nhưng VN lại cấm nên người dân mua TPCN chủ yếu thông qua quảng cáo, truyền miệng. Thậm chí có cả những kênh phân phối, tư vấn của những người không có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực y tế cũng tham gia bán TPCN, khiến người dân không yên tâm sử dụng. Do vậy để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một số đại biểu đặt vấn đề nên cho phép bác sĩ kê toa TPCN để những người có kiến thức chuyên môn hướng dẫn, tư vấn người tiêu dùng sử dụng đúng TPCN. Có đại biểu đề nghị nếu kê TPCN vào đơn thuốc thì không được phép theo quy định của Bộ Y tế. Vì vậy nên kê đơn TPCN vào y bạ, y lệnh hay đơn TPCN...

Về đề nghị này, bà Nguyễn Thị Kim Tiến - bộ trưởng Bộ Y tế - nói cả thuốc cũng có loại kê đơn và loại không kê đơn. Do đó không thể nói vì không kê đơn TPCN mà người dân không tin dùng. Hiện nay ở nhiều nước trên thế giới cũng như trong khu vực đều có xu hướng TPCN thông thường thì không kê đơn. Chưa kể, nếu kê đơn thì người dân, xã hội, cơ quan bảo hiểm y tế có đồng thuận không hay lại có ý kiến là bác sĩ lạm dụng, bị tác động kê toa hoặc đặt vấn đề có cần thiết sử dụng hay không... Bà Tiến khẳng định việc sử dụng TPCN như thế nào cho đúng phải hài hòa với thông lệ quốc tế và phù hợp thực tiễn.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên