16/09/2019 09:23 GMT+7

Thực phẩm chế biến Việt Nam dò dẫm vào EU

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Việc các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà VN ký kết có hiệu lực sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm xuất khẩu khi thuế giảm mạnh.

Thực phẩm chế biến Việt Nam dò dẫm vào EU - Ảnh 1.

Hiệp định EVFTA đang được nhiều doanh nghiệp đón nhận để mở rộng thị trường cho thực phẩm, thủy sản, cà phê chế biến… Trong ảnh: chế biến cá tra xuất khẩu ở Hậu Giang - Ảnh: CHÍ QUỐC

Nhiều doanh nghiệp đang tận dụng lợi thế này để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản thay vì xuất khẩu thô như trước.

Cơ hội đầu tư chế biến sâu nông sản

Dù đã sản xuất ra gạo đạt chuẩn vào châu Âu từ nhiều năm nay nhưng số lượng gạo mà Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) đưa vào thị trường này những năm qua khá hạn chế. Lý giải hiện tượng này, ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc công ty, cho biết là do thuế đối với gạo của VN rất cao. Theo đó, gạo chế biến xuất khẩu của VN vào EU phải chịu thuế từ 5-45%. "Khách hàng sẽ cân nhắc mua gạo của Campuchia thay thế vì họ được hưởng thuế suất 0%", ông Bình cho hay.

Chính vì vậy, theo ông Bình, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và gạo trong hạn ngạch mà EU cấp cho VN được giảm thuế 0% sẽ là một cơ hội cho gạo Việt tiếp cận thị trường này. 

"Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp chúng tôi tăng tốc xuất khẩu gạo vào EU. Hiện mỗi năm VN xuất khẩu sang EU khoảng 20.000 tấn, khi EVFTA có hiệu lực thì số lượng này có thể tăng lên đến 80.000 tấn/năm", ông Bình nói.

Ông Đỗ Hà Nam, tổng giám đốc Intimex, cho rằng sau khi tham gia WTO, thuế xuất khẩu các mặt hàng nông sản thô của VN như cà phê, hạt điều, hạt tiêu... vào EU đã được hưởng thuế rất thấp hoặc bằng 0% rồi nên tác động của EVFTA với các mặt hàng này là không lớn. 

Trong khi đó, các mặt hàng nông sản đã qua chế biến thời gian qua lại chịu thuế rất cao khi vào thị trường này. Với việc EVFTA có hiệu lực, thuế nông sản chế biến, ví dụ như cà phê hòa tan đang ở mức 20-40% sẽ về 0% là một lợi thế cũng như động lực rất lớn cho các doanh nghiệp của VN cũng như doanh nghiệp nước ngoài đến VN đầu tư nhà máy chế biến để tận dụng cơ hội này.

"Để tận dụng được cơ hội từ giảm thuế, các doanh nghiệp buộc phải đầu tư cho chế biến sâu. Và đây cũng là yêu cầu bắt buộc sau thời gian dài xuất khẩu nông sản thô cũng đã đến lúc tới hạn", ông Nam cho biết.

Với các cam kết giảm thuế, Hiệp định EVFTA đang được nhiều doanh nghiệp nhận định giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho những sản phẩm mà VN có thế mạnh như nông sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả...) và thủy sản, tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu với hơn 500 triệu dân. Từ đó, nông sản Việt Nam có thể giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á.

Khuyến cáo nâng cao chất lượng

Mới đây, liên doanh giữa Tập đoàn Hùng Nhơn (Bình Phước) và Công ty TNHH De Heus (Hà Lan) đã công bố đầu tư trên 1.000 tỉ đồng vào chăn nuôi gà công nghệ cao tại tỉnh Bình Phước. Theo đó, hai bên sẽ xây dựng một khu chăn nuôi gà thịt xuất khẩu chất lượng cao theo chuỗi liên kết khép kín từ chăn nuôi gà thịt, giết mổ và thương mại sản phẩm thịt gà. 

Theo ông Gabor Fluit - tổng giám đốc khu vực châu Á Tập đoàn De Heus, đây là một dự án trọng điểm trong kế hoạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tại VN, trong đó châu Âu là thị trường rất tiềm năng trong việc nhập khẩu thịt gà với giá cao. 

Ông Gabor cho hay mỗi năm châu Âu nhập tới 1 triệu tấn ức gà với giá cao trong khi xuất khẩu ngược lại chân, đùi, cánh gà với giá thấp hơn sang các thị trường khác, trong đó có VN.

Ngược lại, ở VN phần ức gà không được ưa chuộng nên có giá thấp. Do đó, nếu xuất khẩu được ức gà sang EU sẽ là cơ hội để ngành chăn nuôi gà VN phát triển ổn định và cạnh tranh được với gà nhập khẩu. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất sau khi thuế giảm chính là chất lượng sản phẩm, "nên dự án của chúng tôi đã định hướng chăn nuôi gà theo hướng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn Global Gap để xuất khẩu vào EU và nhiều thị trường cao cấp khác", ông Gabor cho hay.

Tại hội nghị "Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý" mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng EVFTA có hiệu lực sẽ đem lại cơ hội rất lớn cho nông sản và thực phẩm của VN. 

Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội từ hiệp định này đem lại, các doanh nghiệp trong nước cần lưu ý về chất lượng và đầu tư chế biến sâu. Doanh nghiệp cần sớm nghiên cứu chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng nhằm tận dụng việc giảm thuế mạnh trong thời gian tới.

Nhiều cơ hội ở thị trường EU

Theo Bộ Công thương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ giúp các mặt hàng nông sản được cắt giảm thuế quan về 0% lần lượt năm đầu tiên và sau 10 năm là 74,6% và 97,3% số dòng thuế nông nghiệp cam kết. Nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như các sản phẩm từ hạt… Đối với mặt hàng rau củ quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực. Đối với thủy sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được xóa bỏ trong lộ trình 5 - 7 năm.

Vẫn lo hàng rào kỹ thuật

Theo ông Đỗ Hà Nam, thuế vào châu Âu giảm nhưng vấn đề chất lượng sẽ là yếu tố thiết yếu mà các doanh nghiệp cần quan tâm khi xuất khẩu vào thị trường này. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã rất khó khăn và tốn kém khi chi tiền để kiểm định các lô hàng đạt chuẩn của EU. Khi thuế giảm xuống thì nhiều khả năng hàng rào kỹ thuật của thị trường này sẽ còn khó khăn hơn nữa.

Ký hiệp định thương mại tự do và hiệp định bảo hộ đầu tư VN - EU: Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi Ký hiệp định thương mại tự do và hiệp định bảo hộ đầu tư VN - EU: Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi

TTO - Ngày 30-6, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký Hiệp định thương mại tự do VN - EU (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa hai bên (IPA).

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên