23/04/2018 09:23 GMT+7

Thực nghiệm chương trình phổ thông mới: 'Không thất bại!'

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Trong vòng 1 tháng qua, 48 trường tại Lào Cai, Hà Nội, Bình Định, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Thơ đã được chọn thực nghiệm các chương trình môn học mới.

Thực nghiệm chương trình phổ thông mới: Không thất bại! - Ảnh 1.

Học sinh TrườngTHCS Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM trong giờ học tại phòng thực hành STEAM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết - tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc thực nghiệm các chương trình môn học mới diễn ra khoảng một tháng, bắt đầu từ ngày 23-3 và dự kiến kết thúc vào 23-4-2018.

Ban soạn thảo chương trình đã chọn 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đại diện cho 6 vùng trong cả nước. Mỗi tỉnh, thành chọn 3 trường tiểu học, 3 trường THCS và 2 trường THPT để triển khai việc thực nghiệm.

Triển khai tại 48 trường phổ thông

"Khi chọn trường, chúng tôi đã phối hợp với các sở GD-ĐT chú ý đến các trường ở những địa bàn khác nhau để "đo" khả năng đáp ứng chương trình trong các điều kiện khác nhau. Tại các trường này, chúng tôi tiến hành dạy thử.

Có hai yêu cầu đặt ra: Một là dạy nội dung cũ (có trong chương trình hiện hành) nhưng theo phương pháp mới. Hai là dạy nội dung mới, dĩ nhiên cũng theo phương pháp mới, hướng tới mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh" - ông Thuyết giải thích.

Nội dung, yêu cầu dạy thực nghiệm của ban soạn thảo chương trình đưa ra, nhưng giáo viên sẽ do các trường chủ động bố trí. Ban soạn thảo không đặt ra điều kiện chọn giáo viên dạy thử nghiệm.

Bên cạnh đó, ban soạn thảo còn lấy phiếu trưng cầu ý kiến giáo viên về từng chương trình. Phiếu được gửi và nhận nội dung trả lời qua mạng để đảm bảo tính khách quan. Ban soạn thảo cũng phỏng vấn trực tiếp giáo viên ở một số trường triển khai dạy thực nghiệm.

GS Đỗ Đức Thái - chủ biên chương trình môn toán khi giải thích cách triển khai thực nghiệm môn học này đã cho biết: Mục đích của thực nghiệm là "đo" xem giáo viên đáp ứng việc đổi mới như thế nào.

Nếu còn sức ì của cách dạy cũ thì sức ì ấy đến đâu, khắc phục thế nào khi áp dụng phương pháp dạy học mới. 

Đó là cách để những người biên soạn chương trình cân nhắc, điều chỉnh hoặc đưa ra những khuyến cáo trong việc chuẩn bị điều kiện thực hiện chương trình bảo đảm hiệu quả.

Cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, dù thời gian không kéo dài nhưng tổng số tiết dạy thực nghiệm của tất cả các môn cũng lên tới 350 tiết, nếu mỗi bài được dạy hai lượt thì số tiết là gấp đôi.

PGS.TS Mai Sỹ Tuấn - chủ biên chương trình môn khoa học tự nhiên - cho biết môn khoa học tự nhiên (ở cấp THCS) thực nghiệm 38 tiết.

"Mỗi giáo viên phải dạy hai lần nội dung bài học, nhân lên với số lượng 18 trường THCS triển khai thực nghiệm thì số lượng không phải nhỏ. Nhưng tôi vẫn thấy rằng thực nghiệm số lượng tiết nhiều hay ít không quan trọng, mà điều đáng quan tâm hơn là cách chọn bài thực nghiệm nhằm mục tiêu gì" - ông Tuấn nói.

"Không có khái niệm thất bại"

Về đợt dạy thực nghiệm vừa diễn ra, GS Phạm Hồng Tung - chủ biên môn lịch sử - khẳng định: "Không có khái niệm thất bại. Khi triển khai dạy thực nghiệm, có những giáo viên dạy thành công, cũng có những người dạy lần đầu không thành công.

Nhưng như thế không có nghĩa là thất bại. Bởi mục tiêu của đợt thực nghiệm không phải để chấm điểm giáo viên dạy đạt hay không đạt, mà để kiểm tra tính thực tiễn của chương trình, khả năng đáp ứng của giáo viên, học sinh như thế nào".

Theo GS Tung, vì là thực nghiệm chương trình nên không có việc dạy thử bao nhiêu bài trong SGK như trước, mà thực nghiệm theo chủ đề. Mỗi chủ đề quy định ước lượng bao nhiêu tiết.

Giáo viên chủ động trong việc phân khúc nội dung theo số tiết mà họ thấy phù hợp. Đây cũng là cách làm mới, thay thế kiểu phân phối chương trình cứng bám theo nội dung SGK như đã làm.

Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Thu Hoài, thành viên nhóm biên soạn chương trình môn giáo dục công dân, cho biết quá trình thực nghiệm nổi lên hai vấn đề là phương pháp dạy học và công việc chuẩn bị của giáo viên trước giờ dạy.

"Đa số giáo viên khi được hướng dẫn thực hiện bài dạy theo phương pháp dạy học tích cực đều hứng thú và tự tin, đáp ứng được yêu cầu" - cô Hoài cho hay.

Lo ngại môn tích hợp

Khá nhiều giáo viên khi chưa tham gia dạy thực nghiệm đã lo lắng, lo nhất là môn tích hợp nhưng theo PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, các giáo viên lo lắng vì không hiểu hoặc hiểu sai. Khi được tập huấn thì họ đều cho biết có thể làm được.

GS Đỗ Đức Thái cho rằng cách gọi nôm na "môn học tích hợp" có thể gây tâm lý lo lắng cho giáo viên. Còn đối với học sinh thì đây chỉ là những môn học, giống như các môn học khác mà thôi.

"Những môn học này giúp học sinh vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề thực tiễn cần phối hợp kiến thức của nhiều ngành khoa học, ví dụ lý, hóa, sinh" - ông Thái nói.

Giải thích cụ thể về việc dạy môn khoa học tự nhiên - môn học vẫn được nhiều người gọi là môn tích hợp, ông Mai Sỹ Tuấn cho biết: "Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức bồi dưỡng tín chỉ cho giáo viên, để mỗi giáo viên đều dạy được toàn bộ nội dung môn học này.

Nhưng môn học vẫn được phát triển theo các mạch lý, hóa, sinh nên trong những trường hợp bất khả kháng vẫn có thể bố trí mỗi giáo viên dạy theo một mạch. Điều khác trước là giáo viên dạy các mạch này phải cùng thảo luận, phối hợp hoạt động dạy học với nhau".

Không tô hồng kết quả thực nghiệm

Đánh giá tổng quan về đợt thực nghiệm, GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ: "Chúng tôi không thể tô hồng kết quả thực nghiệm, mà phải thấy được cả thành công lẫn không thành công. Điều quan trọng là thực nghiệm để rút ra được những điều cần điều chỉnh, đề xuất những giải pháp để chương trình triển khai được tốt".

Thiếu giáo viên, phòng học cho chương trình phổ thông mới

TTO - Thiếu giáo viên tiểu học, thừa giáo viên trung học, cơ sở vật chất thiếu thốn... là 'bài toán' ngành giáo dục phải đối mặt khi chuẩn bị cho chương trình phổ thông mới.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên