Cảnh sát giao thông đội Nam Sài Gòn vận động, tuyên truyền chủ quán nhậu ký cam kết - Ảnh: PC08
Nhằm hạn chế tình trạng lái xe say xỉn gây mất an toàn, mới đây lực lượng cảnh sát giao thông tại nhiều địa phương mở chiến dịch tăng cường xử lý với những giải pháp khác nhau. Trong đó có nơi cảnh sát giao thông đề nghị chủ hàng quán báo tin cho cảnh sát giao thông khi khách say xỉn lái xe lại có nhiều ý kiến khác nhau.
Ngày 7-7, lãnh đạo đội cảnh sát giao thông Hàng Xanh, Nam Sài Gòn thuộc Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM cho biết vẫn tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động các chủ hàng quán về việc nhắc khách chấp hành không tự lái xe khi đã uống rượu bia.
Các hàng quán mà cảnh sát giao thông đến vận động chủ yếu trên tuyến đường như Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Linh (quận 7), "phố nhậu" đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp).
Trước đó, Phòng cảnh sát giao thông phát động "chiến dịch" cao điểm ra quân xử lý từ gốc các vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn như vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích; vi phạm về cơi nới thùng xe, chở hàng quá tải, quá khổ...
Với các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn là đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... sẽ gửi thông báo vi phạm về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý.
Bên cạnh đó tổ chức tuyên truyền, vận động các bến xe, bến cảng, chủ nhà hàng, quán bar, vũ trường... nhắc nhở khách chấp hành nghiêm Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Lực lượng chức năng cũng khuyến khích các quán nhậu treo banner với nội dung "Không lái xe sau khi uống rượu bia".
Đặc biệt với đề nghị chủ quán nhậu thông báo cho cảnh sát giao thông biết xử lý các trường hợp đã sử dụng rượu bia cố tình lái xe, đã có nhiều ý kiến về việc này. Ông N.Đ.V. (ngụ TP Thủ Đức, chủ quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng) cho rằng sẽ rất khó để có thể gọi cảnh sát giao thông tới phạt khách vừa nhậu ở quán của mình.
"Về việc thông báo cho cảnh sát giao thông tới xử phạt khách vừa nhậu quán mình, tôi nghĩ khó khả thi. Các chủ quán nhậu mặc dù ký cam kết thực hiện, nhưng đó chỉ là ký cho qua chuyện thôi", ông V. chia sẻ.
Trong khi đó, anh P.H.N. (ngụ quận Bình Thạnh) nêu ý kiến: "Vấn đề vi phạm nồng độ cồn khi lái xe là vấn nạn nhức nhối lâu nay, nhưng tôi nghĩ chẳng chủ quán nào gọi cảnh sát giao thông tới phạt khách vì có thể ảnh hưởng đến doanh thu sau này. Cùng lắm họ cũng chỉ nhắc nhở khách để xe ở lại và bắt taxi về mà thôi".
Anh N. đề xuất thay vì để phát sinh "tình huống khó xử" này, cảnh sát giao thông nên lập những tổ kiểm tra tại các khu vực có nhiều quán nhậu như đã làm thời gian trước để kịp thời phát hiện, xử lý và thực hiện liên tục là tốt nhất.
Một lãnh đạo đội cảnh sát giao thông thuộc Phòng cảnh sát giao thông cho biết việc cảnh sát giao thông đề nghị chủ quán nhậu gọi điện báo cho cảnh sát giao thông khi thấy khách nhậu say tự chạy xe về nằm trong kế hoạch cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn của phòng.
Giải pháp này nhằm kịp thời xử lý triệt để những người vi phạm nồng độ cồn cố tình tự lái xe về, kéo giảm tai nạn giao thông liên quan đến người sử dụng rượu bia.
Mỹ: khách say kiện quán
Theo luật bang Texas (Mỹ), các quán bar và nhà hàng cố ý bán rượu cho khách đã say có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu những người này gây thương tích cho chính họ hoặc người khác, trong đó có việc lái xe. Bên bị thiệt hại có thể đâm đơn kiện cả người pha chế và bưng rượu cho khách.
Trong một số trường hợp hiếm hoi có vụ khách say xỉn thậm chí còn kiện ngược lại quán vì cho rằng nhân viên quán cứ liên tục đem rượu lên, để anh ta quá chén và không gọi cấp cứu khi anh ta bị thương sau khi gây gổ với một người say khác. Vụ này nhà hàng bị yêu cầu bồi thường 5,5 triệu USD.
BẢO DUY
Bình Thuận vận động hàng quán nhắc khách
Tại Bình Thuận, lực lượng cảnh sát giao thông đến từng quán phổ biến quy định về mức xử phạt cũng như tác hại của bia rượu khi tham gia giao thông. Một cán bộ trong tổ công tác cho biết mục đích việc làm này không phải cấm khách ăn nhậu hay chế tài các chủ quán mà chỉ nhắc nhở, phần lớn chủ quán nắm rõ vấn đề này và vui vẻ ký cam kết với tổ công tác.
Ngoài ra, tổ công tác cũng dán cảnh báo "Đã uống bia rượu - không được lái xe" trước những quán nhậu dọc đường Lê Duẩn, Hùng Vương... và những tuyến taxi ở TP Phan Thiết.
Chủ quán nhậu trên đường Lê Duẩn, TP Phan Thiết, Bình Thuận cam kết thường xuyên nhắc nhở thực khách đã dùng bia rượu không được lái xe - Ảnh: ĐỨC TRONG
Anh Ngô Sinh Hùng - chủ một quán nhậu trên đường Lê Duẩn, đoạn thuộc xã Phong Nẫm - cho rằng việc vận động, nhắc nhở du khách như trên là nên làm. Thời gian qua khi thấy thực khách đã say, anh Hùng vận động khách để xe lại rồi nhân viên quán hoặc nhờ đón xe chở về, phần lớn đồng thuận, hôm sau trở lại lấy xe.
Một chủ quán nhậu khác trên đường Lê Duẩn, đoạn thuộc phường Phú Trinh ủng hộ cách làm này và cho biết không phiền hà gì, ngược lại còn đảm bảo an toàn cho thực khách khi rời quán nhậu của mình để tránh tai tiếng về sau.
Thăm dò ý kiến
Để hạn chế khách vào quán uống say xỉn và lái xe ra về, theo bạn:
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận