Nhân viên bầu cử Indonesia - Ảnh: REUTERS
Cái chết mới nhất liên quan vấn đề trên là ông Selvianus Itranbey, người được cho đã qua đời vì kiệt sức khi tham dự một phiên họp toàn thể cuộc bầu cử ngày 22-4.
Ông Selvianus là người đứng đầu khu vực thùng phiếu số 1 ở làng Adodo Molu, quận đảo Tanimbar, tỉnh Maluku (Indonesia). Các cuộc họp ông tham dự mang nội dung về phiếu bầu cử của đợt tổng tuyển cử vừa qua.
Phát biểu hôm 23-4, ông Syamsul Rifan Kubangun, người đứng đầu Văn phòng Tổng tuyển cử Maluku, chia sẻ: "Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến cái chết của Selvianus, người đứng đầu khu vực bỏ phiếu số 1 ở Adodo Molu".
Trước đó trong hôm 23-4, Chủ tịch Ủy ban bầu cử quốc gia Indonesia (KPU) Arief Budman cũng thông báo đã có 91 nhân viên, viên chức làm việc cho các điểm bỏ phiếu tại 19 tỉnh của Indonesia thiệt mạng, trong lúc 374 người khác lâm bệnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, phóng viên Denny người Indonesia khẳng định có thông tin về những trường hợp chết nghi do bị vắt kiệt sức trong quá trình bầu cử Indonesia.
"Đây là thông tin đúng và số lượng trường hợp tử vong đang tăng. Chúng tôi bỏ phiếu cho rất nhiều ứng viên, từ tổng thống cho tới quốc hội, vì vậy quá trình kiểm phiếu rất dài, có thể phải được làm xuyên đêm", Denny nói với Tuổi Trẻ Online ngày 24-4.
Lý do được đưa ra cho tình trạng trên là các nhân viên này quá tải vì phải làm việc liên tục. KPU cũng mang vấn đề bồi thường và hỗ trợ tài chính cho các trường hợp lâm bệnh và tử vong này ra bàn thảo trong cuộc họp với quan chức Bộ Tài chính Indonesia ngày 23-4, theo Antara.
Nhân viên bầu cử Indonesia tranh thủ các khung giờ nghỉ ngơi trong ngày làm việc - Ảnh: REUTERS
Theo đó KPU đã đề xuất mức bồi thường từ 30 - 36 triệu rupiah (2.124-2.549 USD) cho gia đình có người tử vong trong các trường hợp trên, đồng thời là mức 1.132 USD cho những người lâm bệnh.
Các nhân viên làm việc cho quá trình bầu cử Indonesia bị cho quá tải với nhiều nhiệm vụ, bao gồm phục vụ cử tri lẫn tham gia vào giai đoạn kiểm phiếu.
Antara dẫn lời ông Ardiles Mewoh, người đứng đầu khu vực Bắc Sulawesi của KPU, cho biết họ chỉ được nghỉ duy nhất vào giờ ăn mỗi ngày.
Nhìn chung, các nhân viên bầu cử có lúc làm việc không ngừng nghỉ trong gần 48 tiếng do phải chuẩn bị hậu cần, cơ sở vật chất cho quá trình bầu cử trong giai đoạn một ngày trước khi bỏ phiếu.
Bầu cử Indonesia ngày 17-4 qua cũng là cuộc bỏ phiếu quy mô nhất thế giới nếu xét trong một ngày. Có 192 triệu cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu, với tỉ lệ đi bầu lên tới 80%.
Tây Java là khu vực ghi nhận nhiều cái chết nhất liên quan tới kiệt sức, với 30 nhân viên bầu cử qua đời. Đông Java xếp sau trong danh sách này với 9 người chết.
Làm việc nhiều có chết không?
Những cái chết liên quan tới tình trạng làm việc quá tải đã không còn xa lạ. Thậm chí ở Nhật Bản có một từ riêng chỉ hiện tượng chết do lao động liên tục và căng thẳng trong thời gian dài là “karoshi”, tức “làm việc tới chết”.
Năm 2017, dư luận chấn động khi Miwa Sado, một phóng viên 31 tuổi làm cho đài NHK ở Nhật được cho đã chết sau khi làm việc liên tục trong 158 tiếng.
Các nghiên cứu về chuyện có hay không một cái chết do làm việc quá sức đã thấy rằng, đây là một nguy cơ hiển hiện.
Tư liệu của Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) thấy rằng, làm việc quá sức có thể dẫn tới tử vong.
Trong số những hệ lụy sức khỏe và nguyên nhân tử vong liên quan tới làm việc quá sức, bệnh tim mạch, rối loạn cơ xương, rối loạn tâm lý, tự tử, ung thư… là dễ gặp nhất.
Một nghiên cứu của tạp chí Y khoa về nghề nghiệp và môi trường cũng nêu bật sự liên quan giữa giờ làm việc mỗi tuần và nguy cơ bệnh tim.
Theo đó những người làm trên 55 tiếng/tuần có nguy cơ truỵ tim cao hơn 16% so với những người chỉ làm 45 tiếng/tuần. Những người làm 65 tiếng/tuần thậm chí hứng chịu nguy cơ này cao hơn 33%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận