21/06/2019 15:24 GMT+7

Thực hư việc bé gái 15 tuổi bị hiếp dâm khi đi truyền nước?

TIẾN THẮNG
TIẾN THẮNG

TTO - Lãnh đạo Công an huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình khẳng định thông tin nhiều cơ quan báo chí phản ánh về việc cháu bé 15 tuổi bị hiếp dâm khi đi truyền nước là không chính xác, cơ quan chức năng sẽ sớm có thông tin chính thức.

Trao đổi qua điện thoại với Tuổi Trẻ Online ngày 21-6, trung tá Bùi Tiến Trường - trưởng Công an huyện Vũ Thư, cho biết thông tin mà một số phương tiện truyền thông nêu về nghi vấn cháu bé 15 tuổi bị hiếp dâm khi đi truyền nước là sai hoàn toàn bản chất sự việc.

Kết quả xác minh, điều tra bước đầu của cơ quan điều tra cho thấy vào khoảng 20h ngày 17-6, cháu Đ.T.T.H. (15 tuổi) có đi cùng với dì và chú của mình đến một hiệu thuốc trên địa bàn xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Tại hiệu thuốc này, dì của cháu H. được truyền nước chứ không phải cháu H. truyền nước như một số báo phản ánh.

Trong quá trình trông người dì của mình đang truyền nước thì cháu H. có bị chủ hiệu thuốc là P.V.L. (38 tuổi), kéo tay để lên tầng 2. Khi bị kéo tay, cháu H. đã hét lên và mọi người kéo đến.

"Chúng tôi hiện đang điều tra làm rõ dấu hiệu dâm ô đối với cháu H. của P.V.L. chứ thời điểm xảy ra sự việc cháu bé chưa bị xâm hại tình dục, hiếp dâm." - ông Trường cho hay.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, ông Đào Mạnh Hùng - phó chủ tịch UBND xã Song Lãng, cho biết sau khi sự việc thì gia đình có gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an.

Thông tin mà gia đình cung cấp cho địa phương đúng là cháu đi trông dì bị ốm phải truyền nước tại hiệu thuốc của ông P.V.L., trên địa bàn xã chứ không phải cháu H. đi truyền nước.

Theo ông Hùng, sau sự việc thì chính quyền địa phương có tổ chức đi thăm hỏi, động viên nhưng không gặp được cháu H., người thân cho biết cháu đang đi chơi tại TP Hải Phòng.

Lãnh đạo Công an huyện Vũ Thư cho biết hiện cơ quan chức năng vẫn đang tập trung điều tra, củng cố hồ sơ vụ việc và sẽ sớm có thông tin chính thức.

Thời của tin giả - Hãy biết phát hiện ảnh giả

TTO - Trong một bài báo phân tích 5 ảnh giả về đoàn di dân tràn về nước Mỹ vào cuối năm trước, tờ New York Times sử dụng một trong những cách phát hiện ảnh giả phổ biến hiện nay: tìm ngược lại nguồn ảnh (reverse image search).

TIẾN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên