
Bệnh nhân chạy thận lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: D.LIỄU
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện nhiều nơi liên tục chạy các quảng cáo phương pháp lọc máu có khả năng phòng ngừa đủ loại bệnh, triệu chứng như: ung thư, tai biến, đột quỵ, giúp ăn ngon, ngủ ngon, tinh thần sảng khoái, giảm mệt mỏi, loại bỏ mỡ máu…
Ra nước ngoài lọc máu
Một mẩu quảng cáo của một cơ sở tại quận 7 (TP.HCM) cho hay lọc máu để "Thanh lọc máu - thanh lọc cơ thể và tăng sức khỏe để phòng chống ung thư và bệnh tật".
Lần theo các mẩu quảng cáo, chúng tôi tiếp cận một người tự nhận là CEO của công ty tư vấn. Người này cho hay khi có nhu cầu khách hàng sẽ được đưa đến một bệnh viện tại nước ngoài để lọc máu. Toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại sẽ gần 400 triệu đồng.
"Khi qua bên đó, sẽ được lọc trong vòng 8 tiếng, phương pháp này tách máu thành các phần nhỏ, làm sạch huyết tương, loại trừ các thành phần gây bệnh và độc hại.
Lọc máu bên đó không có bất kỳ trường hợp nào chống chỉ định, kể cả khách đang đặt 2-3 cái stent cũng đều rất an toàn. Khi lọc máu có thể tách luôn được cả chất độc kim loại nặng, tách tế bào ung thư ra khỏi cơ thể", người này cho hay.
Theo lời họ, khách hàng sẽ được đặt một ống thông trong tĩnh mạch cánh tay để dẫn máu vào vòng tuần hoàn cơ thể. Sau đó tách tế bào máu ra khỏi huyết tương. Huyết tương được chuyển qua bộ lọc. Máu được làm sạch và quay trở lại cơ thể. Máu đi ra tay nào thì vào lại tay đó.
Còn tại Hà Nội, một cơ sở cũng quảng cáo dịch vụ "lọc máu chủ động" với quảng cáo loại bỏ mỡ máu, độc tố, vi rút, vi khuẩn gây bệnh ra khỏi cơ thể. Thanh lọc mạch máu toàn diện, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm thiểu yếu tố nguy cơ gây nên các bệnh lý nguy hiểm. Đặc biệt, cảm nhận ngay sự thay đổi sau khi thực hiện: ăn ngon, ngủ sâu, cơ thể nhẹ nhàng, tinh thần sảng khoái.
Chi phí cho dịch vụ này cũng không hề rẻ, dao động tùy thuộc vào số lần lọc máu, với giá hàng chục triệu mỗi lần và mỗi lần chỉ cần thực hiện lọc máu 2 giờ.
Các cơ sở này thường xuyên đăng tải hình ảnh người nổi tiếng, bệnh nhân lọc máu chia sẻ trải nghiệm "khỏe ra trông thấy" sau khi lọc máu.

Bệnh nhân chạy thận lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: D.LIỄU
Lọc máu không phải để phòng bệnh
Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, bộ môn nội tổng hợp Trường đại học Y Hà Nội, khoa nội thận - tiết niệu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở Hoàng Mai, cho hay kỹ thuật "lọc mỡ máu" mà một số cơ sở y tế hiện nay đang sử dụng và quảng cáo bản chất là kỹ thuật thay huyết tương (dùng 1 quả lọc) hoặc lọc huyết tương (dùng 2 quả lọc) nhằm mục đích tách bỏ một phần huyết tương mang theo các thành phần mỡ máu và bỏ đi.
Sau đó người bệnh sẽ được truyền bù lại phần huyết tương bị mất đi bằng một loại dung dịch thay thế, thường là huyết tương của người bình thường hoặc dung dịch albumin 5 (chiết xuất từ người).
Bác sĩ Thanh cho biết thêm kỹ thuật lọc máu được áp dụng với ba lĩnh vực lâm sàng chính đó là lọc máu cho những bệnh nhân bị ngộ độc; hỗ trợ cho những bệnh nhân bị suy chức năng các cơ quan như lọc máu cho bệnh nhân bị suy thận cấp và suy thận mạn tính, lọc máu cho bệnh nhân bị suy gan; điều chỉnh các rối loạn chuyển hóa và miễn dịch, như các bệnh tự miễn dịch.
"Như vậy kỹ thuật lọc máu là một kỹ thuật chuyên sâu và hiện đại được chỉ định cho những trường hợp mắc các bệnh lý nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Hiện nay, ở Việt Nam chưa có hướng dẫn và chỉ định lọc mỡ máu để điều trị hay dự phòng đột quỵ. Kỹ thuật lọc mỡ máu hiện tại chỉ được chỉ định và áp dụng cho những trường hợp viêm tụy cấp kèm theo một chỉ số mỡ máu là triglycerid tăng cao. Đối với những người bình thường, chỉ số mỡ máu tăng cao nhưng chưa có biểu hiện về mặt lâm sàng cũng không cần lọc máu.
Lọc máu để phòng ngừa đột quỵ như thông tin quảng cáo hay tư vấn của một số cơ sở y tế là không hợp lý và chưa có đủ căn cứ khoa học. Vì vậy người dân cần thận trọng, không nên tin vào quảng cáo hay lạm dụng lọc mỡ máu sẽ rất nguy hiểm", bác sĩ Thanh cảnh báo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ThS.BS Nguyễn Minh Quân, phó khoa nội thận - lọc máu Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), cho biết bất kỳ cuộc lọc máu nào dù có chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro có thể gặp dù được kiểm soát như: tăng huyết áp, tụt huyết áp, nhiễm trùng, dị ứng, rối loạn nhịp tim, sốc phản vệ, rối loạn điện giải trong lọc máu… Tất cả các triệu chứng này nếu không được cấp cứu kịp thời đều dễ dẫn đến tử vong.
Hiện nay chưa có bằng chứng khoa học nào có thể chứng minh được lọc máu có thể phòng ngừa được các bệnh ung thư hoặc nhiều loại bệnh khác. Không phải bất kỳ ai cũng có thể lọc máu.
Bên cạnh đó, để thực hiện được lọc máu phải là những bác sĩ chuyên sâu về hồi sức cấp cứu, thận học được đào tạo bài bản. Bởi thực tế, trong quá trình lọc máu vẫn có thể xảy ra tai biến. Vì vậy, khi xảy ra sự cố bác sĩ hồi sức sẽ có thể xử lý ngay tại chỗ.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, cũng cho rằng một số cơ sở lọc máu với mục đích dự phòng bệnh thường đưa ra những bằng chứng chỉ số mỡ máu "đẹp hơn" sau khi lọc máu.
Tuy nhiên chỉ số này không có nhiều tác động bởi sau đó, mỡ máu của người bệnh hoàn toàn có thể tăng lên. Thay vì lọc máu với chi phí đắt đỏ, đối diện với nhiều biến chứng thì người bệnh có thể sử dụng thuốc điều trị theo khuyến cáo của bác sĩ.

Bệnh nhân chạy thận lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: D.LIỄU
Nguy cơ biến chứng khi lọc máu
Bác sĩ Thanh khẳng định các kỹ thuật lọc máu được áp dụng để cấp cứu và điều trị các bệnh lý nặng theo đúng chỉ định của các bác sĩ có chuyên môn sâu chứ không được áp dụng cho những người bình thường không có bệnh lý hoặc áp dụng để phòng bệnh.
Mặt khác, lạm dụng lọc máu rất nguy hiểm, thậm chí có thể gặp những biến chứng đe dọa đến tính mạng của người bệnh do nguy cơ xảy ra các biến chứng liên quan đến lọc máu như chóng mặt, buồn nôn, tụt huyết áp, đau ngực, dị ứng dây quả lọc, sốc phản vệ, mất máu do chảy máu, rối loạn nhịp tim và ngừng tim, tắc mạch…
Nguyên nhân do khí đi vào hệ thống tuần hoàn, chảy máu do sử dụng thuốc chống đông, tai biến mạch máu não trong và sau lọc máu, nhiễm trùng đường vào mạch máu…
Với kỹ thuật thay hoặc lọc huyết tương, người bệnh còn có nguy cơ bị dị ứng, thậm chí sốc phản vệ với dung dịch huyết tương hoặc albumin được truyền bù vào trong quá trình lọc máu.
Người dân nên chủ động phòng bệnh bằng cách điều trị bệnh lý nền, tuân thủ điều trị của bác sĩ; đồng thời điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống, tập thể dục... Người dân cần đi khám bệnh định kỳ để sớm phát hiện các rối loạn và cần được tư vấn bởi các bác sĩ có chuyên môn.
"Bác sĩ thất nghiệp nếu chỉ cần lọc máu phòng bách bệnh"
Trước những quảng cáo "nổ" về lọc máu chữa được nhiều bệnh, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đã đăng tải bài viết lên trang cá nhân Facebook của mình với nội dung: "Nếu chỉ cần 2-3 tiếng với chi phí chưa đến chục triệu mà phòng ngừa được đột quỵ, hết cả mỡ máu, tiểu đường... thì chắc bác sĩ tim mạch như tôi thất nghiệp".
Theo PGS.TS Hiếu, một phương pháp thực sự hiệu quả sẽ được đưa vào hướng dẫn của các hội chuyên ngành nhưng cho đến thời điểm này chưa có khuyến cáo nào cho việc lọc máu dự phòng.
Lọc máu chỉ được chỉ định khi cần điều trị, nghĩa là khi đã được chẩn đoán xác định là có bệnh thực sự. Đây là phương pháp rất hiệu quả cứu sống nhiều bệnh nhân như suy thận, suy tim, nhiễm khuẩn nặng, viêm tụy cấp...
"Nếu các bạn đi sang nước ngoài để thanh lọc cơ thể cũng nên đặt câu hỏi nước sở tại có chi trả bảo hiểm cho phương pháp dự phòng này không? Câu trả lời chắc chắn là không. Vậy nên không mất tiền bạc và công sức cho việc thực hiện một thủ thuật "xâm lấn" mà hiệu quả chưa được chứng minh rõ ràng", PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết trên trang cá nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận