TS Trương Hồng Sơn - viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam - cho biết rượu ngâm bao gồm hai loại: ngâm dược liệu và ngâm động vật.
Thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân các vụ ngộ độc từ rượu trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ chiếm khoảng 42%; rượu ngâm cây "thuốc" chiếm khoảng 36%; rượu ngâm động vật và phủ tạng như: ong đất, tắc kè, mật động vật các loại khoảng 10%…
Đây là một lời cảnh báo cho những người có sở thích uống rượu ngâm không rõ nguồn gốc.
Theo TS Trương Hồng Sơn, các loại thảo mộc ngâm rượu như: linh chi, đinh lăng, cúc hoa, các loại sâm, hà thủ ô, chuối chát… Rượu ngâm thực vật chủ yếu là để tạo hương vị chứ không có nhiều vitamin hay khoáng chất.
Ví dụ như rượu ngâm táo mèo tạo vị chua chát, ngâm mơ tạo vị thơm... Khi ngâm rượu với sâm, thành phần hoạt chất của sâm cũng không được lưu giữ nhiều trong rượu ngâm.
Trong y học cổ truyền, nhiều loại rễ, củ cây rừng có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh rất tốt khi được sử dụng bởi người có kiến thức chuyên môn và sử dụng đúng liều lượng, đúng cách.
Tuy nhiên, nếu không biết thật rõ tác dụng của từng loại thực vật thì người dân tuyệt đối không được dùng để ngâm rượu uống, hoặc chế biến làm thực phẩm.
Nếu sử dụng không đúng cách hoặc đúng liều lượng, có thể gây độc đối với thần kinh, tim mạch, hô hấp, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.
Các loại động vật hay được sử dụng ngâm rượu phổ biến là rắn, tắc kè, bìm bịp, hải mã, lộc nhung…
Theo TS Sơn, trên thực tế nhiều gia đình ngâm rượu bìm bịp còn nguyên con, nguyên lông, điều này rất nguy hiểm.
Với các loài động vật ăn thịt sống như rắn, chuột, nhái, ếch, trong lông và bụng đều chứa nhiều ký sinh trùng. Dùng những động vật này để ngâm rượu nguyên lông nguyên cánh sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm các vi khuẩn và ký sinh trùng vào cơ thể.
Khi ngâm rượu, các nguyên liệu cần được chế biến kỹ càng, hợp vệ sinh, loại bỏ các bộ phận như nội tạng, lông, khi dùng các con vật như bìm bịp, tắc kè cần nướng chín trước khi ngâm rượu.
Làm sạch không chỉ giúp an toàn vệ sinh mà còn giúp rượu ngâm có mùi thơm dễ chịu, không bị tanh, rút ngắn thời gian ngâm để dược liệu có thể sử dụng nhanh hơn.
Rượu ngâm động vật nguyên con còn dẫn tới khả năng dị ứng cao bởi động vật thường có các protein lạ khiến người uống có thể bị ngộ độc với các biểu hiện: nôn, buồn nôn, co thắt, khó thở. Nhiều trường hợp ngộ độc nặng nếu không cứu chữa kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
TS Trương Hồng Sơn đưa ra khuyến cáo: Nếu lạm dụng rượu, người uống có thể gặp khoảng 300 mã bệnh và trực tiếp liên quan tới các bệnh: xơ gan, bệnh lý tim mạch…
Rượu ngâm cũng không có gì khác rượu thông thường. Vì vậy, không nên sử dụng rượu ngâm với số lượng nhiều.
Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư [email protected] (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận