Nhà thiết kế Thuận Nguyễn cùng nghệ sĩ Chiều Xuân khi tham dự một sự kiện - Ảnh: NVCC
Mỗi ngày tôi đều tự thưởng cho mình một bộ đồ đẹp. Buổi sáng tôi hay nghĩ ra cái gì đó lạ lạ để mặc. Mình mặc cái mình thích trước đã rồi mới nghĩ đến việc truyền cảm hứng cho người khác.
Nhà thiết kế Thuận Nguyễn
Ông chọn Việt Nam làm nơi bắt đầu để thực hiện đam mê của mình, thỏa sức thử nghiệm những ấp ủ về thời trang - ước mơ mà những năm tháng tuổi trẻ ông chưa làm được trọn vẹn.
Việt Nam chỉ có một
"60 tuổi tôi mới bắt đầu làm những việc mà mình chưa từng làm. Tôi xăm hình. Tôi làm stylist, làm người mẫu, đóng phim, dự sự kiện, được gọi là nhà thiết kế, được gọi là một fashionista" - nhà thiết kế Thuận Nguyễn, một người Pháp gốc Việt, cười sảng khoái nói.
Ông không ngại khi nói thật: "Ở Pháp cạnh tranh khó lắm. Bên đó tôi chả là ai. Người già mà mê thời trang như tôi đếm không hết, không dễ để có cơ hội cho tôi thực hiện đam mê của mình. Còn ở Việt Nam, ở độ tuổi như tôi thì duy nhất mình tôi. Gần 70 tuổi, tôi tự hào nói cả Việt Nam kiếm không ra ông già thứ hai như tôi".
Thật ra khi ở Pháp, Thuận Nguyễn đã có tiếng là người đàn ông ăn mặc đẹp dù không làm về thời trang. Nhiều nghệ sĩ khi sang Pháp, họ thường nhờ ông dẫn đi shopping, tìm những địa điểm đẹp chụp hình... Vậy nên khi về Việt Nam, ông ít nhiều cũng được giới thiệu với nghệ sĩ. Thời gian đầu, ông cộng tác làm stylist cho một số ca sĩ như Lê Hiếu, Quốc Thiên, Đăng Khôi...
Vốn nổi tiếng là ăn mặc đẹp từ khi còn ở Pháp, khi về Việt Nam, Thuận Nguyễn khiến nhiều người trẻ ngưỡng mộ bởi gu thời trang tinh tế, lịch lãm và trẻ trung hiếm có ở cái tuổi U70.
"Mỗi ngày tôi đều tự thưởng cho mình một bộ đồ đẹp. Buổi sáng tôi hay nghĩ ra cái gì đó lạ lạ để mặc. Mình mặc cái mình thích trước đã rồi mới nghĩ đến việc truyền cảm hứng cho người khác", nhà thiết kế Thuận Nguyễn nói.
Niềm đam mê thời trang cùng gu thẩm mỹ khiến ông già U70 nổi bật, gây chú ý mỗi khi xuất hiện ngoài đường phố hay bất cứ nơi đâu. Rồi thiên hạ gọi ông là "fashionista" - điều mà ông không hề nghĩ tới. "Ô, tôi không ngờ đam mê của mình thành sự thật, tự nhiên nổi tiếng. Cái từ fashionista từ trên trời rơi xuống đập vô đầu".
Trong một lần làm stylist cho ca sĩ Quốc Thiên, ông gặp nhiếp ảnh gia Tuấn Pháp. "Cậu ấy bảo bao năm nay tìm không ra một ông già chất như anh! Tuấn Pháp mời tôi chụp một bộ ảnh. Tôi cứ cởi trần, đeo kính mà tạo dáng. Hơn 60 tuổi, có ai còn giữ được body đẹp mà dám cởi trần để chụp hình không?", nhà thiết kế Thuận Nguyễn tự tin nói.
Nhờ bộ ảnh đó, ông lại nổi tiếng hơn. Người ta mời ông chụp ảnh, đi sự kiện nhiều hơn. "Mọi người nói tôi mặc suit rất đẹp, mời tôi làm người mẫu chụp ảnh cho một số thương hiệu thời trang nam - Thuận Nguyễn cho hay - Nhưng tôi chỉ tự tin khi đeo kính nên 1.000 tấm hình tôi đều đeo kính.
Đóng phim, đóng quảng cáo đều đeo kính. Giờ show tôi rất nhiều: đi dự sự kiện, đóng quảng cáo, đóng phim dù là những vai nhỏ nhưng thích lắm. Rồi đi catwalk. Mỗi lần đi catwalk người tôi nó sôi sùng sục. Tôi vừa già vừa thấp mà vẫn là vedette đó. Vì tôi là hàng hiếm, của lạ mà".
Làm cho mình sướng
"Tôi không hối tiếc vì bắt đầu biến ước mơ của mình thành hiện thực ở cái tuổi này - nhà thiết kế Thuận Nguyễn nói - Bởi khi tôi 30, 40 tuổi làm gì cũng còn sợ dư luận, sợ không biết có thành công hay không, rồi bị áp lực tài chính, thời gian, gia đình... Tuổi 60 trở đi lại là thời điểm thuận lợi để thực hiện ước mơ. Con cái đã có sự nghiệp riêng, cuộc sống thì ổn định, không bị áp lực về thời gian, tiền bạc.
Bây giờ bổn phận của tôi là làm cho tôi sướng, hạnh phúc. 60 tuổi tôi mới có thể trở về với thời trang. Đó là lúc tôi mới có nhiều thời gian nhất để sống cho đam mê, ước mơ của mình. Tôi không bao giờ nghĩ đến tuổi tác. Điều đó sẽ cản trở mình. Trong đầu tôi không bao giờ nghĩ mình đã gần 70 tuổi".
Niềm đam mê thời trang đã có trong máu cậu bé Nguyễn Văn Thuận khi mới 10 - 11 tuổi. "Tôi sinh ra ở Lào - Thuận Nguyễn kể - Tôi học trường dòng của Pháp nên ảnh hưởng thời trang Pháp. Nhà có 10 anh em, chỉ có tôi đam mê thời trang. Nhà nghèo nhưng lúc nào cũng đam mê thời trang. Tôi không biết uống rượu, không hút thuốc, cờ bạc nên bao nhiêu đam mê dồn vô thời trang".
Khi lớn lên, gia đình khó khăn, không phải muốn làm gì, muốn học gì cũng được. 17 tuổi, Thuận phải nghỉ học. Thuận học sửa máy bay rồi làm trong sân bay ở Vientiane. Với trình độ xuất sắc, gần 2 năm sau, 19 tuổi, Thuận đã lập một nhóm sửa máy bay riêng.
"Sửa máy bay giỏi đấy nhưng trong tâm hồn tôi vẫn hướng về thời trang. Trong sân bay, tôi luôn luôn ăn mặc khác người ta. Có khi tiền một tháng lương không đủ mua một đôi giày mắc tiền nhưng tôi vẫn sẵn sàng mua", Thuận Nguyễn cho biết.
Vì quá đam mê thời trang Pháp, tháng 10-1973, Thuận đặt chân đến Paris, sẵn sàng từ bỏ mức lương trong mơ để đi rửa chén rồi làm bồi bàn.
Một năm sau khi đến Pháp, Thuận Nguyễn lấy vợ rồi có con.
Sau một thời gian, Thuận Nguyễn đăng ký học sửa chữa ôtô. "Lúc đó tôi học sửa ôtô vì thực tế hơn học thời trang, có tiền ngay lo cho cuộc sống gia đình", Thuận Nguyễn giải thích. Sửa ôtô ròng rã 20 năm, Thuận Nguyễn học rồi làm kế toán gần 20 năm nữa, cho đến khi nghỉ hưu và quay về Việt Nam. "Tôi ước trước khi chết được mặc một cái áo có tên thương hiệu của mình: L’ATELIER" - ông nói.
Thiết kế đồng phục cho cầu thủ
Nhà thiết kế Thuận Nguyễn chụp ảnh cùng các cầu thủ CLB Bóng đá Hà Nội trong mẫu trang phục do ông thiết kế - Ảnh: NVCC
Ông cho tôi biết cuối tuần sẽ bay ra Hà Nội tham gia một chương trình của VTV, nói về việc mặc suit như thế nào cho đẹp. Ông khoe mấy tấm ảnh chụp với một số thành viên đội tuyển Việt Nam trong trang phục do ông thiết kế.
"6 em trong đội tuyển quốc gia mời tôi thiết kế 2 bộ vest cho đội mặc khi đi thi đấu nước ngoài. Tôi chỉ làm 1 ngày là xong", Thuận Nguyễn nói. Ông cho biết: "Giờ tôi không làm stylist nữa vì không đủ thời gian. Giờ tôi làm người mẫu, vẽ đồng phục cho các resort, đi dự sự kiện, chụp ảnh quảng cáo, đóng phim quảng cáo...".
___________________
Ký tới: "Ông xe đạp"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận