01/11/2020 11:37 GMT+7

Thực hiện kiểm tra khí thải xe máy: Không gây ảnh hưởng cuộc sống người dân

THU DUNG thực hiện
THU DUNG thực hiện

TTO - Đề cập câu chuyện kiểm soát khí thải xe máy, ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho rằng kiểm soát khí thải xe máy là rất cần thiết nhưng bắt buộc làm có lộ trình bài bản, không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân TP.

Thực hiện kiểm tra khí thải xe máy: Không gây ảnh hưởng cuộc sống người dân - Ảnh 1.

Với lượng xe như thế này, không kiểm soát được khí thải sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Thưa ông, mục đích chương trình thí điểm kiểm tra khí thải xe máy mà TP.HCM tổ chức vừa qua là gì? Kết quả chương trình kiểm định như thế nào?

- Thực tế hiện nay, khí thải xe máy ở Việt Nam được xác định là một trong những nguồn phát thải lớn nhất gây ô nhiễm môi trường. Chương trình thí điểm kiểm tra khí thải xe máy vừa qua mà TP.HCM đã tổ chức là để đánh giá hiện trạng phát thải của môtô, xe máy đang lưu hành trên địa bàn TP. Đồng thời, khảo sát và đánh giá tác động kinh tế - xã hội của việc kiểm soát khí thải của môtô, xe máy tới người dân, các tổ chức có liên quan. Đây cũng là động thái khảo sát ý kiến người dân, hướng đến các kế hoạch kiểm soát khí thải xe máy cụ thể hơn trong thời gian tới đây.

* Hiện nay, sau khi kết thúc chương trình, TP.HCM có kế hoạch tiếp theo ra sao để thực hiện kiểm soát khí thải trên địa bàn?

- Từ kết quả chương trình thí điểm kiểm tra khí thải này, các ban, ngành xây dựng và đề ra các giải pháp, chính sách phù hợp để kiểm soát khí thải xe máy. Trong đó chú trọng đến lượng xe máy đã sử dụng trên 5 năm trên địa bàn TP. Các giải pháp kiểm soát khí thải xe máy có thể nghiên cứu là kiểm định xe máy định kỳ, xử lý xe không đạt chuẩn khí thải bằng cách bảo dưỡng, thu hồi, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện... Mỗi phương án sẽ tiến hành cụ thể ra sao, các bước thế nào cũng cần có nghiên cứu đa chiều hơn. Sở GTVT TP cũng dựa trên kinh nghiệm quốc tế mà nhiều nước đã làm, chọn lọc phương án thích hợp đặc điểm kinh tế, xã hội, dân cư ở nước ta.

Đối với một bộ phận lớn người dân có thu nhập thấp thì xe máy chính là công cụ mưu sinh hằng ngày. Nếu chúng ta bắt buộc việc kiểm định định kỳ hoặc loại bỏ xe cũ thì họ sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy, kế hoạch kiểm soát khí thải xe máy nhất định phải làm từng bước.

Ông Bùi Hòa An

* Riêng ở TP.HCM, liệu quá trình kiểm soát khí thải xe máy có gặp khó khăn gì hay không?

- Đến nay, nước ta chưa có quy định cụ thể nào về vấn đề kiểm soát khí thải xe máy, nên quá trình triển khai sẽ gặp không ít khó khăn, vấn đề quan trọng là làm sao nhận được sự đồng tình từ phía người dân. Đối với một bộ phận lớn người dân nghèo thì xe máy chính là công cụ mưu sinh hằng ngày. 

Nếu chúng ta bắt buộc việc kiểm định định kỳ hoặc loại bỏ xe cũ của họ thì họ sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy, kế hoạch kiểm soát khí thải xe máy nhất định phải làm từng bước, có lộ trình, dựa trên đề xuất ý kiến từ nhiều đơn vị khác nhau. Trong đó phải có ý kiến từ các địa phương, hiệp hội vận tải, hiệp hội sản xuất xe máy... và đặc biệt là đóng góp của người dân đang trực tiếp sử dụng xe máy. Từng đơn vị phải có những đánh giá thật kỹ lưỡng vấn đề này, cân nhắc nhiều yếu tố để có chính sách hỗ trợ cho phù hợp.

Sắp tới, Sở GTVT TP căn cứ kết quả chương trình thí điểm kiểm định đã có báo cáo UBND TP. Sở đang lấy ý kiến về việc kiểm soát khí thải xe máy và phương án kiểm soát khí thải xe máy từ 24 quận, huyện, các chuyên gia trong lĩnh vực. Sau khi thu thập đầy đủ thông tin, ý kiến đóng góp, Sở GTVT TP sẽ có những đề xuất lên UBND TP về lộ trình kiểm soát khí thải xe máy thời gian tới.

Mời bạn đọc tham gia hiến kế

Trong những ngày giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19, các chỉ số về ô nhiễm đã giảm đến mức đáng kinh ngạc. Điều đó cho thấy khí thải các loại xe là nguồn gây ô nhiễm đáng kể. Vì vậy, giảm thiểu khí thải các loại xe cơ giới là một điều cấp thiết với đô thị lớn như TP.HCM. Tuy nhiên, việc thực hiện sẽ rất khó khăn, cần sự đồng lòng của người dân.

Để chung tay đẩy lùi ô nhiễm, mang lại một bầu không khí trong lành cho TP.HCM, chúng tôi mở diễn đàn "Giảm thiểu ô nhiễm từ khí thải xe". Mời bạn đọc tham gia hiến kế, viết bài. Mọi thư từ, bài vở gửi về địa chỉ email: [email protected].

Đề xuất triển khai đồng bộ 5 giải pháp

img_0113

Metro sẽ góp phần giảm ô nhiễm do khí thải - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Trịnh Xuân Báu - trưởng bộ môn công trình, phân hiệu Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết việc ô nhiễm không khí nói chung và do xe máy nói riêng là vấn đề lớn của các đô thị lớn như TP.HCM.

Vì vậy, ông Báu cho rằng việc giảm thiểu ô nhiễm, giảm thiểu các tác động xấu đến sức khỏe người dân đô thị, cũng là giảm thiểu thiệt hại về kinh tế là vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Việc kiểm soát khí thải còn góp phần để người dân hình thành một thói quen tốt là khi tham gia giao thông, xe phải đảm bảo những điều kiện cơ bản về an toàn, kể cả khí thải - đây là vấn đề mà xã hội văn minh nào cũng muốn hướng tới.

Ông Trịnh Xuân Báu đề xuất, để việc kiểm soát khí thải hiệu quả cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có 5 giải pháp quan trọng sau:

1. Hạn chế đăng ký mới xe máy bằng cách xác định mức tăng phù hợp với tốc độ tăng trưởng của TP và hạ tầng giao thông. Khi hết hạn đăng ký xe máy mới trong năm thì phải dừng việc đăng ký. Có thể đấu giá đăng ký mới xe máy nếu số lượng còn ít để tăng thu ngân sách.

2. Kiểm soát xe máy ngoại tỉnh. Bởi vì hiện có 1 triệu xe máy từ ngoại tỉnh đưa vào TP.HCM. Nếu việc di chuyển tạm thời thì không xem xét đến, nhưng với những người vào TP làm việc, sinh viên đi học sẽ làm tăng số lượng xe máy tại TP. Điều này sẽ gia tăng chiếm dụng hạ tầng giao thông, tăng lượng ô nhiễm không khí nên những chủ xe máy ngoại tỉnh phải có trách nhiệm chia sẻ bằng cách đóng phí lưu thông trên địa bàn TP.

3. Áp dụng công cụ kinh tế "người gây ô nhiễm phải trả tiền". Xe máy là nguồn gây ô nhiễm. Vì vậy, người sử dụng xe máy phải có trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng về việc bù đắp những thiệt hại do khí thải xe máy gây ra. Việc xác định lượng khí thải phát sinh và đánh thuế ô nhiễm là cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần phải rạch ròi thuế ô nhiễm này với các loại thuế, phí khác đã được đưa vào giá thành của xăng.

4. Khuyến khích sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại nhiên liệu thân thiện môi trường như xăng E5, CNG, LPG. Vì vậy, cần khuyến khích xe máy nói riêng và các phương tiện giao thông cơ giới đô thị sử dụng các loại nhiên liệu này để giảm phát thải thấp nhất các chất gây ô nhiễm. Để làm được điều này cần có cơ chế, chính sách và các yêu cầu kỹ thuật để đảm bảo việc sử dụng những loại nhiên liệu này ổn định và an toàn.

Khi triển khai kiểm soát khí thải phương tiện, đề nghị áp dụng tiêu chuẩn khí thải EURO 4 đối với các loại phương tiện cơ giới và xây dựng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn EURO 5.

5. Nâng cấp các tuyến xe buýt hiện tại, song song đó cần thúc đẩy tiến độ việc đầu tư các tuyến metro, BRT (buýt nhanh). Thông qua giải pháp này sẽ kích thích người dân sử dụng phương tiện công cộng thay vì đi bằng xe máy, như vậy cũng góp phần xả thải. Tuy nhiên, các phương tiện công cộng cần được đảm bảo tính tiếp cận và tính cơ động để thu hút người tham gia giao thông. Cụ thể, nên xây dựng những tuyến buýt điện ngắn có cự ly dưới 3km với giá vé rẻ để tăng tính tiếp cận của những người sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Ngoài 5 giải pháp nêu trên, để có cơ sở đánh giá mức độ xả thải, tình trạng ô nhiễm thì cũng cần tăng cường các trạm quan trắc không khí cố định và di động. Trên cơ sở đó thường xuyên cảnh báo khi mức độ ô nhiễm tăng đột biến hoặc vượt quy chuẩn môi trường.

Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách trọng tâm để phát triển nhanh và bền vững, đồng thời đáp ứng được mức tăng trưởng kinh tế, xã hội và phương tiện giao thông. Ưu tiên xây dựng các tuyến đường riêng cho phương tiện công cộng, xe đạp và người đi bộ...

"Có thể nói, ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông nói chung và xe máy nói riêng đang ngày một gia tăng. Điều này đã gây tác động xấu đến sức khỏe con người và thiệt hại về kinh tế của xã hội. Việc giảm thiểu ô nhiễm không khí và số lượng xe máy là cần thiết và phù hợp với tiến trình phát triển của TP" - ông Báu nhấn mạnh.

NGỌC ẨN ghi

Xe khách hết thời đi vào làn xe máy trên quốc lộ 1, TP.HCM giờ cao điểm Xe khách hết thời đi vào làn xe máy trên quốc lộ 1, TP.HCM giờ cao điểm

TTO - Ngày 31-10, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết đã lên phương án hạn chế xe khách trên 25 chỗ đi vào làn hỗn hợp trên quốc lộ 1 (TP.HCM).

THU DUNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên