Vừa trở về từ Trung Quốc để thực hiện chuyến tàu liên vận quốc tế, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu đến Trung Quốc đi nhiều nước trên thế giới, ông Nguyễn Chính Nam, phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), cho hay đây là chuyến đi khởi hành đầu tiên của đoàn tàu Á - Âu trong ASEAN Express, song đường sắt Việt Nam đã thực hiện nhiều chuyến tàu liên vận quốc tế đi các nước trong nhiều năm nay.
Thông tuyến đường sắt đưa hàng vào châu Âu
Là thành viên của các tổ chức đường sắt quốc tế như UIC, OSZD, đường sắt ASEAN... nên hàng hóa vận chuyển thông qua đường sắt Việt Nam có thể đi đến các nước như Trung Quốc, Nga, châu Âu, Mông Cổ, các nước Trung Á... Vì vậy, nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam, gồm một số loại nông sản, điện tử, hàng may mặc... đã thông qua tuyến đường sắt liên vận để xuất khẩu đi các nước.
Ông Nam chia sẻ trong chuyến tàu khởi hành đầu tiên của đoàn tàu Á - Âu trong ASEAN Express vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp tham dự sự kiện, đón đoàn tàu từ Việt Nam sang tới Trùng Khánh.
Chuyến tàu này cùng các hoạt động liên vận đường sắt giúp tăng năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi đến các thị trường chủ đạo như châu Âu, Trung Quốc...
Cũng bởi theo ông Nam, việc vận chuyển liên vận quốc tế đi qua Trung Quốc sẽ giúp hàng hóa di chuyển nhanh hơn so với đường biển, giảm 1/3 thời gian và có chi phí thấp hơn so với đi bằng đường hàng không.
Chính vì các lợi thế này mà trong những năm qua rất nhiều chủ hàng từ Việt Nam đã lựa chọn xuất khẩu hàng hóa bằng đường sắt đi châu Âu, Nga, Trung Quốc và các nước Trung Á. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là điện tử, dệt may, da giày, phụ kiện - linh kiện và hàng tiêu dùng.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với đối tác là đường sắt Trung Quốc và đường sắt các nước tăng cường chạy thêm các đoàn tàu liên vận quốc tế. Các bên cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm các biện pháp rút ngắn thời gian chạy tàu, thời gian làm thủ tục để thuận tiện hơn cho khách hàng. VNR sẽ tiếp tục làm việc với đường sắt Trung Quốc mở thêm nhiều tuyến liên vận quốc tế từ các thành phố, các khu kinh tế của Trung Quốc đến Việt Nam với tần suất chạy tàu đều đặn, ổn định để cung cấp thêm các lựa chọn cho khách hàng", ông Nam chia sẻ.
Để tạo thuận lợi cho hoạt động này, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt cho rằng trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Thủ tướng, Việt Nam cũng đã đề xuất với phía Trung Quốc các biện pháp để tăng cường vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế, công nhận kết quả kiểm dịch của nhau, mở các trạm kiểm dịch tại các nhà ga đường sắt ở Bằng Tường và Hà Khẩu, đơn giản hóa các thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu...
Vì vậy, tổng công ty sẽ tiếp tục cùng đối tác đề nghị chính phủ hai nước triển khai các biện pháp trên để thúc đẩy sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt trong thời gian tới.
Ngày càng thể hiện ưu thế
Ông Mai Hoàng Long, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco), cho hay tuyến đường sắt liên vận ngày càng có ưu thế, khi đây là giải pháp vận tải bổ sung thêm cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng đường biển hoặc đường bộ.
Đặc biệt khi những năm gần đây tuyến đường biển gặp trục trặc do liên quan tới những xung đột, căng thẳng leo thang; trong khi vận tải đường bộ vừa có chi phí cao hơn, vừa có những khó khăn nhất định như thủ tục, quy định nhập khẩu.
Một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho hay phương thức vận chuyển này có nhiều ưu điểm, nhất là thời gian vận chuyển ổn định, thủ tục hải quan xuất và nhập khẩu vào Trung Quốc nhanh chóng, chi phí logistics giảm hơn so với đường bộ.
Ngoài ra, còn giảm thiểu tình trạng ùn ứ, ách tắc như đường bộ tại cửa khẩu biên giới Việt - Trung, từ đó giúp đảm bảo chất lượng nông sản xuất khẩu đến tay người tiêu dùng Trung Quốc.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan, hiện nay tuyến đường sắt liên vận đến Trung Quốc qua Trung Á, Tây Á đến Đông Âu đang trở thành lựa chọn giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa khi xuất khẩu sang châu Âu.
Đặc biệt khi xảy ra các cuộc xung đột Ukraine và Trung Đông, biến động địa chính trị đã làm gián đoạn cả hai tuyến vận tải truyền thống đường biển và đường hàng không khiến giá cước vận tải tăng vọt và thời gian kéo dài thêm.
Đơn cử, theo báo giá của một số hãng tàu, vận chuyển container từ Việt Nam đi cảng Gdynia, Ba Lan trong thời gian gần đây có giá cước vận chuyển vào khoảng 2.800 USD/cont 20; 4.950 USD/cont 40 (giá trước khi xung đột Trung Đông trong khoảng 1.500 USD/cont 20).
Ngoài ra, tuyến đường sắt tới Đông Âu hiện chỉ vận hành qua Belarus đang bị ảnh hưởng bởi căng thẳng chính trị giữa Tây Âu với Nga và Belarus. Do đó hiện các bên đang thúc đẩy tuyến đường sắt từ Trung Quốc qua Trung Á, Tây Á rồi vào Đông Âu để hình thành nên hành lang vận tải chiến lược nhà ga LHS mới - Trung Quốc - Nga - Ukraine - Ba Lan - Liên minh châu Âu.
Như vậy, hàng hóa quanh khu vực châu Á sẽ được vận chuyển đến các cảng của Trung Quốc, sau đó sẽ được vận chuyển bằng đường sắt đi qua Nga, Ukraine và đến Ba Lan, để thâm nhập sâu hơn vào các nước châu Âu.
Đặc biệt khi tuyến đường sắt Việt Nam đang vận tải hàng hóa trong các nước ASEAN quá cảnh qua Việt Nam, kết nối vào các đoàn tàu Á - Âu xuất phát tại Trùng Khánh sẽ đi tới các điểm cuối ở các thành phố châu Âu một cách thuận tiện.
Do đó đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan cho rằng Việt Nam có khả năng phát triển thành trung tâm trung chuyển đường sắt từ các nước ASEAN, cũng như hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đi Trùng Khánh. Từ đó tham gia vào dự án LHS để xuất khẩu hàng hóa đi Ba Lan nói riêng và châu Âu nói chung.
Việc vận chuyển bằng đường sắt này sẽ giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa so với đường biển và có mức giá cước thấp hơn nhiều đường hàng không, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.
Tuy vậy, ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng đối với mặt hàng trái cây, việc sử dụng kênh đường sắt đang còn hạn chế do phải qua nhiều công đoạn bốc xếp, chưa có container trữ lạnh riêng nên chưa thuận tiện cho một số trái cây cần bảo quản lạnh.
Hiện nay hàng xuất khẩu chủ yếu là bảo quản ở nhiệt độ vừa như dừa tươi, trái cây khô, hàng sấy, đồ hộp, trong khi hàng đông lạnh, hàng mát yêu cầu nhiệt độ sâu (dưới 10oC) với thanh long, xoài, sầu riêng chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, việc xuất khẩu hàng lạnh đi bằng tàu hỏa cần phải đầu tư nhiều về khâu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu đảm bảo hàng hóa, như các container đặc chủng để tối ưu hơn nữa kênh vận chuyển này.
Đẩy nhanh 3 tuyến đường sắt kết nối Việt Nam và Trung Quốc
Trong các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao cùng các cấp Việt Nam và Trung Quốc gần đây, việc kết nối "cơ sở hạ tầng cứng", trong đó có giao thông, nhận được sự quan tâm.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 10-2024, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng chứng kiến lễ trao 10 văn kiện hợp tác, trong đó có việc tăng cường kết nối đường sắt giữa hai nước và nghiên cứu mô hình xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Ba tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng được đem ra bàn luận nhiều. Trong đó tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là tuyến duy nhất đã hoàn thành quy hoạch chi tiết và bàn giao cho phía Việt Nam. Hai bên đang thúc đẩy các bước tiếp theo gồm: hoàn thành báo cáo tiền khả thi, khả thi.
Vào tháng 11-2024, khi công tác Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh Việt Nam xác định tập trung làm tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với mục tiêu khởi công trong năm 2025. Kể từ đó, việc thúc đẩy hợp tác giữa hai bên liên quan ba tuyến đường sắt nói trên đã được đẩy nhanh hơn nữa.
Tại phiên họp thứ 16 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc vừa khép lại cách đây vài ngày, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đề nghị phía Trung Quốc đẩy nhanh kết nối đường sắt, ưu tiên triển khai ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn gồm: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, khôi phục tuyến vận tải liên vận đường sắt quốc tế giữa hai nước. Cũng trong dịp này, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã trao thỏa thuận giữa hai chính phủ về hợp tác xây dựng ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc (CIDCA) La Chiếu Huy cũng khẳng định Trung Quốc sẵn sàng cung cấp viện trợ để hỗ trợ Việt Nam xây dựng báo cáo khả thi tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phối hợp triển khai lập quy hoạch các tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, hỗ trợ đào tạo nhân viên đường sắt.
Lần đầu tiên có công viên logistics giáp Trung Quốc
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) vừa khai trương công viên logistics Viettel tại tỉnh Lạng Sơn trên diện tích hơn 143ha với tổng mức đầu tư gần 3.300 tỉ đồng.
Công viên có khả năng thông quan khoảng 1.500 xe/ngày (gấp hai lần hiện tại).
Giảm quá tải hàng hóa, đồng bộ hạ tầng logistics
Khu công viên trên còn có hệ thống dữ liệu kết nối trực tiếp với dữ liệu hải quan Việt Nam và Trung Quốc, đảm bảo tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thời gian xử lý thông quan từ 4 - 5 ngày xuống dưới 24 giờ.
Chi phí thông quan giảm 30 - 40%, tăng hiệu quả xe container lạnh vận tải trái cây từ 2,5 chuyến/tháng lên 4 - 5 chuyến/tháng. Công viên áp dụng nhiều công nghệ như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), khóa thông minh, máy bay không người lái (drone), xe tự hành (AGV)...
Theo ông Hồ Tiến Thiệu - chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, tỉnh giữ vai trò cửa ngõ chiến lược kết nối giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc và tiếp giáp Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây) - trung tâm logistics nông sản hàng đầu của Trung Quốc cũng như 5 tỉnh phía Bắc.
Cũng theo ông, dự án trên sẽ tối ưu cho vận tải hàng hóa, giải quyết tình trạng quá tải tại các cửa khẩu, rút ngắn thời gian thông quan, giúp Lạng Sơn trở thành nền tảng cho hạ tầng logistics quốc gia.
Còn ông Tào Đức Thắng - tổng giám đốc Tập đoàn Viettel - chia sẻ công viên là một trong những biểu tượng công nghệ mới, góp phần thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu nông sản, hàng hóa từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Mục tiêu lâu dài là giảm chi phí logistics ở Việt Nam xuống dưới một con số thay vì khoảng 16 - 18% như hiện nay (trên thế giới chỉ khoảng 10%). "Thời gian tới tập đoàn sẽ hoàn thiện mạng lưới các trung tâm logistics toàn quốc, hướng tới các vùng kinh tế trọng điểm, có cửa khẩu đường bộ, khu công nghiệp...", ông Thắng chia sẻ thêm.
Bà con sẽ không lo hàng hỏng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Trung Thành - tổng giám đốc Viettel Post - cho biết công viên logistics Viettel tại tỉnh Lạng Sơn mang kỳ vọng thông quan hàng hóa, nông sản Việt Nam xuất khẩu nhanh nhất, chi phí thấp nhất, giảm thiểu tình trạng ùn ứ tại biên giới.
"Từ đó, bà con nông dân không phải chịu thiệt hại về hư hỏng hàng hóa, các sản phẩm xuất khẩu đạt giá trị thương mại cao nhất", ông Thành bày tỏ và thông tin thêm việc soi chiếu tự động không cần mở container, quét tự động sáu chiều hay hệ thống sang tải tự động nguyên container hoặc sang tải từng kiện hàng tự động rút ngắn so với làm thủ công từ 4 - 5 tiếng hiện nay xuống chỉ còn 30 phút. Các kho thương mại điện tử sử dụng robot, xe tự hành phân loại, chia chọn hàng hóa với công suất 600.000 bưu kiện/ngày.
Theo ông Thành, công viên còn có một trung tâm điều hành ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ giám sát thời gian thực, phục vụ thông quan và hệ thống kiểm soát từng xe hàng, từng đơn hàng. Ví dụ, hệ thống quản lý xe hàng cụ thể như loại xe, biển số xe, số hiệu container, tài xế và xác định hướng đi, nơi đỗ xe trong bến bãi. Ví dụ, để tìm một xe container trong diện tích khoảng 58ha thì cần di chuyển 20 - 30 phút, trong khi hệ thống của Viettel Post thì tìm ngay ra xe.
Theo ông Vũ Quang Khánh - phó trưởng ban phụ trách Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), mỗi ngày có khoảng 1.500 xe thông quan qua các cửa khẩu tại đây. Do vậy, tại một số lúc cao điểm, nhất là vụ thu hoạch nông sản chính của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và diện tích bến bãi tại khu vực cửa khẩu của Lạng Sơn còn tương đối hạn chế, khả năng thông quan chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Ban và các lực lượng tại cửa khẩu phải điều tiết phương tiện vào các khu vực bến bãi chờ, ảnh hưởng nhất định đến đảm bảo dòng chảy thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc và thời gian thông quan. "Công viên logistics mới với diện tích giai đoạn 1 là khoảng 58ha được chúng tôi kỳ vọng sẽ đáp ứng, giải quyết triệt để tình trạng các xe hàng bị ùn ứ trong thời gian cao điểm", ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận