Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven - Ảnh: Giản Thanh Sơn |
Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Việt Nam và Thụy Điển cần tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp và tiếp xúc cấp cao.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã mời ông Stefan Lofven thăm chính thức Việt Nam và thông qua Thủ tướng Thụy Điển, mời Nhà vua Thụy Điển Gustav XVI thăm Việt Nam vào thời điểm thuận lợi. Thủ tướng Stefan Lofven cho biết nhiều thế hệ lãnh đạo Thụy Điển luôn có tình cảm tốt đẹp đối với Việt Nam.
Cá nhân ông Stefan Lofven cũng luôn ủng hộ phát triển quan hệ với Việt Nam và mong muốn sớm thăm Việt Nam. Nhân dịp này, Thủ tướng Stefan Lofven cũng trân trọng mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Thụy Điển.
Nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại giữa Việt Nam với Thụy Điển và EU, Chủ tịch nước đề nghị Thụy Điển thúc đẩy sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), mong Thụy Điển sớm công nhận và thúc đẩy Ủy ban châu Âu công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, qua đó thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với EU nói chung và với Thụy Điển nói riêng.
Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng là cầu nối tích cực để EU và Thụy Điển tăng cường quan hệ với ASEAN. Thủ tướng S. Lofven khẳng định sẽ thúc đẩy để EVFTA sớm được ký kết và phê chuẩn.
Với tiềm năng hợp tác còn rất lớn giữa hai nước, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ Thụy Điển hỗ trợ các công ty Thụy Điển đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Thụy Điển có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như năng lượng sạch và tái tạo, vận tải, dịch vụ ngân hàng - tài chính, thiết bị y tế.
Đồng thời, Việt Nam mong muốn Chính phủ Thụy Điển tiếp tục cung cấp ODA thông qua các tổ chức đa phương như LHQ, WB… để hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện bình đẳng giới.
Về tăng cường hợp tác giáo dục và đào tạo, Chủ tịch nước đề nghị Thụy Điển tiếp tục giúp Việt Nam đào tạo nhân lực chất lượng cao về lâm nghiệp, năng lượng, công nghệ sinh học, y học và báo chí, đồng thời thúc đẩy các mô hình trao đổi sinh viên và hợp tác đào tạo giữa các trường đại học và viện nghiên cứu hai nước.
Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, Chủ tịch nước đề nghị Thụy Điển quan tâm và ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam trong giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc 1982.
Xây dựng nông thôn mới phải do người dân làm chủ
Chiều 26-9 tại New York (Hoa Kỳ), trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc đã diễn ra sự kiện cấp cao về mô hình phát triển nông thôn mới và cộng đồng bền vững do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Hàn Quốc tổ chức. Tổng thư ký LHQ, Tổng thống Hàn Quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Lào, Tổng thống Peru, Tổng thống Rwanda, tổng giám đốc UNDP và Tổng thư ký OECD được mời là diễn giả chính tại hội nghị. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững vừa được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh LHQ phản ánh khát vọng về một thế giới không còn đói nghèo. Chủ tịch nước nhấn mạnh do ba phần tư số người nghèo đói hiện sống ở nông thôn và hầu hết làm nông nghiệp, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc đưa vào Chương trình nghị sự 2030 mục tiêu “Tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn, cho các nghiên cứu và dịch vụ khuyến nông, phát triển công nghệ, các ngân hàng gen thực vật và vật nuôi để nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp ở các nước đang phát triển”, nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo giữa nông thôn và thành thị. Chủ tịch nước đã nêu bật kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của Việt Nam, đặc biệt là cần có cam kết chính trị mạnh mẽ và sự tham gia tích cực của toàn xã hội, đồng thời coi trọng xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, trang bị cho họ kiến thức cơ bản về nông thôn mới để công cuộc nông thôn được tiến hành nhanh hơn và tiết kiệm nguồn lực mới. Chủ tịch nước nói xây dựng nông thôn mới phải do người dân làm chủ. Người dân sẽ tự tìm ra nhu cầu thật sự của họ để quyết định cách làm phù hợp và Chính phủ cần ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các nhu cầu thiết thực của họ. Đồng thời cần xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn lực và việc sử dụng các nguồn lực phải công khai, minh bạch theo phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Chính phủ cần đưa ra các chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội tham gia vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Cuối cùng, Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm với các nước để cùng nhau phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và bảo đảm sẽ "không ai bị bỏ lại sau". Với những kinh nghiệm thực tiễn, thành quả to lớn về xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn của Việt Nam, phát biểu của Chủ tịch nước được toàn thể hội nghị đón chào và hoan nghênh nhiệt liệt. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận