Ngày 20-7, lễ đón Thủ tướng Anwar Ibrahim thăm chính thức Việt Nam đã diễn ra tại Phủ Chủ tịch. Sau lễ đón trọng thị, hai nhà lãnh đạo bước vào phòng hội đàm.
Đặt mục tiêu kim ngạch thương mại mới
Tại cuộc hội đàm chiều 20-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Anwar Ibrahim bày tỏ hài lòng về sự phát triển của quan hệ song phương thời gian qua. Hai ông thảo luận về phương hướng hợp tác thời gian tới, trong đó nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nghị viện.
Về thương mại và đầu tư, hai nước đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 18 tỉ USD vào năm 2025 theo hướng cân bằng hơn.
Việt Nam và Malaysia cũng sẽ hạn chế áp dụng các rào cản thương mại, tạo thuận lợi xuất nhập khẩu các mặt hàng hai bên có tiềm năng và thế mạnh, tận dụng tốt cơ hội từ các thỏa thuận thương mại khu vực như RCEP, CPTPP. Hai bên sẽ mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng cung cấp nguồn gạo ổn định và lâu dài cho Malaysia - quốc gia đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong ASEAN và thứ 9 trên thế giới, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 14,8 tỉ USD năm 2022.
Malaysia nằm trong số 10 nước có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 13 tỉ USD. Trên cơ sở đó, hai thủ tướng nhất trí xem xét sớm ký mới các hiệp định hợp tác hàng không và du lịch, tăng cường tần suất chuyến bay giữa hai nước. Hai bên cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác giáo dục, đào tạo, lao động, nông nghiệp, văn hóa, thể thao.
Tiềm năng hợp tác ngành Halal
Tại hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal và sớm ký văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này. Ngày nay Halal đã trở thành ngành công nghiệp hàng ngàn tỉ USD, đa dạng từ các dịch vụ vận chuyển cho đến kiểm định, cấp giấy chứng nhận... Hiện đã có không ít doanh nghiệp Việt bắt đầu chú ý đến ngành này, song quy mô còn manh mún và ít kinh nghiệm nên chưa cạnh tranh được với các nước.
Với tư cách là một quốc gia Hồi giáo và có nhiều trung tâm cấp giấy chứng nhận Halal, Malaysia được đánh giá là thị trường nhiều khó khăn nhưng cũng mở ra không ít cơ hội cho ngành Halal non trẻ của Việt Nam.
"Thủ tướng chúng tôi đưa rất nhiều chuyên gia trong ngành công nghiệp Halal tới Việt Nam trong chuyến thăm lần này. Chúng tôi rất mong được hỗ trợ Việt Nam phát triển các sản phẩm Halal để các bạn có thể có quan hệ thương mại tốt hơn với thị trường này", Đại sứ Malaysia Dato' Tan Yang Thai chia sẻ với báo chí.
Ngoài hợp tác thương mại và đầu tư, hai thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và thúc đẩy ký kết các văn kiện liên quan. Trong đó có hợp tác công nghiệp quốc phòng và đào tạo, hợp tác giữa hải quân, không quân, cảnh sát biển hai nước.
Hai bên cũng sẽ xem xét thành lập cơ chế tham vấn về các vấn đề trên biển và thiết lập đường dây nóng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Cũng liên quan IUU, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Malaysia ủng hộ Việt Nam tháo gỡ thẻ vàng của EC đối với ngành thủy sản của chúng ta.
Chia sẻ kinh nghiệm chống tham nhũng
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã hội kiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chiều 20-7. Hai nhà lãnh đạo trao đổi về tầm quan trọng của công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở mỗi nước. Thủ tướng Malaysia bày tỏ tình cảm ngưỡng mộ với Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự phát triển của Việt Nam và mong muốn hai bên thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo lịch trình, hôm nay 21-7 Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tiếp Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. Nhà lãnh đạo Malaysia cũng sẽ gặp lại Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Đường sách 19-12 ở Hà Nội trước khi lên đường về nước trong cùng ngày 21-7.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận