TTCT - Những cuộc đảo chính liên tiếp ở châu Phi Sahel mấy năm qua cho thấy quá trình độc lập thật sự của các quốc gia này vẫn chưa tới, và cả những tính toán địa chính trị phức tạp từ các cường quốc có truyền thống ảnh hưởng ở khu vực. Biểu tình ở Niger nhưng lại mang cờ Nga. Ảnh: Getty Images Về mặt địa lý, châu Phi thường được chia ra thành mấy vùng. Mặt Bắc Phi là mặt biển Địa Trung Hải, tiện lợi trao đổi với Trung Đông và châu Âu. Ai Cập phồn thịnh từ thượng cổ cũng như khu vực kế cận phía Tây Nam là sừng Phi châu. Ngay dưới các quốc gia này là sa mạc Sahara khó khăn cho việc sinh sống và buôn bán, chuyển hàng. Châu Phi được coi là "Đen" bắt đầu ở phía nam sa mạc và khu vực tiếp giáp sa mạc được gọi là Sahel. Ngày nay, đây là khu vực cực nghèo của quả đất, tuy Mali chẳng hạn trong quá khứ với những mỏ vàng đã có thời giàu nhất thế giới.Ảnh hưởng của PhápTrong thế kỷ 19 và cho đến ngày hôm nay, các quốc gia này nằm dưới ảnh hưởng của mẫu quốc cũ là nước Pháp. Kinh tế và ngay cả tiền tệ của họ sau thời kỳ gọi là độc lập của thập niên 1960 đến giờ hoàn toàn phụ thuộc vào Paris. 14 nước châu Phi (và quần đảo tí hon Comores) nằm trong hệ thống tiền franc CFA do Pháp quản lý. Hối đoái và chính sách tài chính, ngân hàng nhà nước của các quốc gia này đều do Pháp quyết định, đến tờ tiền giấy cũng là do Pháp in và lưu hành.Về mặt kinh tế, tại những nơi đây các công ty Pháp từ mẫu quốc hay Pháp kiều địa phương nắm phân phối và sản xuất, xuất nhập hàng nông nghiệp và hàng tiêu dùng. Dĩ nhiên là ở tầm kiểm soát này thì không chừa cả văn hóa và chính trị. Như một nhà báo châu Phi bảo cứ mấy năm họ (Tây phương) mang sang đây một bộ đồ vest và chúng tôi có một tổng thống mới.Ngay cả trong thời Chiến tranh lạnh và cạnh tranh giữa các siêu cường, châu Phi là khu vực mà Liên Xô trước đây rất ít ảnh hưởng, tại châu Phi thuộc Pháp cũ thì lại càng ít. Đây là sân banh của nước Pháp trong sáu thập niên vừa qua và với mỗi nước châu Phi này Pháp chỉ tốn có vài bộ đồ vest để duy trì ảnh hưởng hậu thuộc địa.Nhưng từ 5-10 năm trở lại đây, có một đe dọa mới do người Mỹ vô tình gây ra. Cái gọi là "Mùa xuân Ả Rập" tại Syria và Libya cũng như xâm lăng Iraq sanh ra tình trạng bất an và hỗn loạn mà Hoa Kỳ cho tới giờ không kiểm soát được. Đó là hiện tượng IS, hay Quốc gia Hồi giáo và nó lan ra các nước châu Phi Sahel. Ta biết được là hiện nay Hoa Kỳ có 29 căn cứ quân sự tại châu Phi ở 15 quốc gia, nhiều nơi dựa vào các bạn Pháp cho ở nhờ ở cạnh.Phần Pháp thì chiến dịch Barkhane chống khủng bố của họ từ mấy năm nay khiến Paris thường xuyên đóng quân từ 3.500 đến 5.000 tại các quốc gia này. Nhưng hiện diện quân đội Pháp - Mỹ không thấy có kết quả gì khả quan, mà có thể nói là khiến tình trạng an ninh địa phương ngày càng tệ thêm.Từ cuộc đảo chính ở NigerHôm 26-7 vừa qua tại Niger, một hội đồng quân nhân cấp tá lật đổ và bắt giữ Tổng thống đương nhiệm Mohamed Bazoum - người được Pháp cho bộ đồ vest và Mỹ tặng thêm cái cà vạt. Người phát ngôn của nhóm này lúc đầu là một trung tá trẻ, nhưng sang ngày 30-7 ông nhường chỗ lãnh đạo cho thiếu tướng chỉ huy vệ binh phủ tổng thống.Đây là chuyện thường thấy ở các quốc gia này. Thay đổi chỉ có thể đến bằng vũ lực, tức là từ quân đội. Đây là nơi trú thân và tiến thân duy nhất của thành phần quốc gia cấp tiến trong vai các sĩ quan trẻ. Muammar Gaddafi (Libya) khi đảo chánh là trung úy, Jerry Rawlings (Ghana) là đại úy, Thomas Sankara (Burkina Faso) là đại úy… và có nơi lúc đầu họ phải dùng một đàn anh vai vế cao hơn làm đại diện. Hội đồng quân nhân tại Niger viện lẽ là họ phải ra tay cứu quốc vì tình hình an ninh ngày càng tồi bại. Họ ngỏ ý mời Pháp rút quân và được quần chúng ủng hộ. Dân chúng xuống đường phất cờ Nga (!) và biểu tình toan chiếm hay đốt luôn đại sứ quán Pháp.Tại sao họ lại phất cờ Nga, tuy hiện diện của Nga tại châu Phi rất hạn chế và không có quan hệ lịch sử gì với Niger? Đây là vì tâm lý bài Pháp và bài Mỹ sinh ra mà thôi, và cũng vì Nga (thông qua công ty lính đánh thuê Wagner) có vài hoạt động trong vùng. Tại Mali láng giềng năm 2021 đã có đảo chánh chế độ thân Pháp, cũng như tại Burkina Faso năm 2022. Có một logic mà truyền thông Tây phương lấp liếm. Đó là Tây phương sanh ra vấn đề IS. Nó gây ra nguy hiểm cho châu Phi khiến Tây phương phải can thiệp. Họ không giải quyết được, và càng can thiệp thì càng xấu thêm. Thì phải làm sao đây? Phải mời Tây phương đi trước đã.Pháp là quốc gia có vũ khí nguyên tử và dùng rất nhiều năng lượng nguyên tử. Trước đây, 75% điện lực của Pháp sản xuất là từ nguồn nguyên tử và hiện nay (2022) vẫn còn là 62,6%. Điện từ Pháp còn được xuất đi khắp châu Âu. Nguyên tử Pháp dùng, thì uranium là của Niger - nước sản xuất quặng này hàng thứ bảy thế giới với 2.248 tấn năm 2021.Về mặt dự trữ, Niger được ước tính là còn chứa 10% uranium của thế giới. Riêng mỏ Agaedez có sản lượng 5.000 tấn mỗi năm trong 25 năm tới. Tuy là mặt hàng chiến lược nhưng giá uranium rất rẻ. Tôi và bạn có thể mua mấy ký làm quà cho nhau. Năm 2019, giá 1kg là 25 USD. Như vậy, doanh thu của Niger từ quặng này chỉ là 60 triệu USD mỗi năm! Tại sao giá uranium lại rẻ vậy? Phải hỏi Công ty Areva/Orano là công ty khai thác của Pháp và hoàn toàn kiểm soát tài nguyên này.Trước mắt, các tổ chức châu Phi trong khu vực đang họp để tìm giải pháp chính trị. Nếu không có bạo lực với Pháp kiều thì giải pháp sẽ chỉ có thể là áp lực ngoại giao. Như đã thấy trong trường hợp hai nước Mali và Burkina Faso, áp lực địa phương của các nước láng giềng thân Pháp cũng chẳng kết quả gì. Nhưng khác biệt lần này là tại Niger có vấn đề uranium nên nó trầm trọng hơn đôi chút, có khi hơn cả mạng vài công dân Pháp ấy chứ! Mali đã mời quân đội Pháp ra đi vào tháng 2-2022 và Pháp đã phải đi. Pháp đi đâu? Pháp đi qua Niger! Giờ lại phải làm va li đến chỗ nào đặt súng? Trở lại mỏ Agaedez đã nói thì nó đang được Pháp bảo vệ. Và căn cứ không quân 201 của Hoa Kỳ đặt ở đâu? Ở Agaedez chứ ở đâu!■ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng ngay là "sẽ không cho phép/không tha thứ cho bất kỳ cuộc tấn công nào vào nước Pháp và các lợi ích của chúng tôi". Trong trường hợp sứ quán Pháp bị chiếm đóng, công dân hay nhân viên Pháp bị bắt giữ thì Pháp có thể dùng quân tại chỗ để giải cứu hay can thiệp trực tiếp, tuy mức thành công hay thất bại khó mà lường trước được. Pháp và EU đòi treo viện trợ và huấn luyện quân sự cho Niger là 120 triệu euro. Đây là nhiều đối với Niger, nhưng phần lớn số tiền này là để trang trải cho bên huấn luyện sang ở phòng điều hòa và uống bia ngoại. Tags: Địa chính trịĐại sứ quán PhápĐảo chínhChâu PhiNigerPhápHoa kỳSa mạc SaharaMùa xuân Ả RậpSahelThực dânThuộc địaUraniumCăn cứ quân sự
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến: Triển lãm quốc phòng là sự kiện đối ngoại lớn và quan trọng NAM TRẦN 22/12/2024 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định qua triển lãm quốc phòng quốc tế đã thấy công tác chuẩn bị rất toàn diện, triển khai thực hiện rất bài bản, chuyên nghiệp.
Chi tiết toàn bộ bảng lương công chức áp dụng năm 2025 THÀNH CHUNG 22/12/2024 Dưới đây là chi tiết toàn bộ bảng lương công chức được áp dụng từ năm 2025. Bảng lương được tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.
Concert Sóng 25 có ăn theo các anh trai từ Trấn Thành đến HIEUTHUHAI? HOÀNG LÊ 22/12/2024 Lần đầu tiên Sóng - một chương trình truyền hình phát tối 30 đến qua giao thừa - tổ chức concert. Giá vé từ 2,5 đến 10 triệu đồng, khá 'cứng', lại còn vào thứ tư, có hạn chế?