TTCT - Thuận là tác giả của các tiểu thuyết Made in Vietnam (2002), Chinatown (2005), Paris 11 tháng 8 (2006), T mất tích (2007) và Vân Vy (2008). Cuộc trò chuyện này được thực hiện nhân dịp cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị - Thang máy Sài Gòn (Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn, 2013) - ra mắt tại Việt Nam tháng 9 này. Phóng to Càng viết, càng quên đi câu chuyện của cá nhân mình * Chúc mừng chị ra tiểu thuyết thứ sáu trong vòng 10 năm. Đó là một tần suất đáng nể ở bất cứ đâu, không chỉ Việt Nam hay Pháp. Trong Made in Vietnam chị viết: "Nền văn học ấy đếm được phần lớn là truyện ngắn, phần thứ nhì là thơ, một phần nhỏ nữa là tiểu thuyết và ký sự...”. Liệu đây có phải là lý do chị hầu như không viết truyện ngắn và tuyệt đối không làm thơ, mà thay vào đó gắn bó với tiểu thuyết? Nếu không phải thì đâu là lý do khiến chị chăm chỉ với thể loại này? - “Tiểu thuyết là nghệ thuật vĩ đại nhất về nhân sinh... Tiểu thuyết biết đến tiềm thức sớm hơn Freud, biết đến đấu tranh giai cấp sớm hơn Marx, nghiên cứu hiện tượng học sớm hơn các nhà hiện tượng học”. Tôi sẽ không nói về tiểu thuyết như thế như Milan Kundera. Hơn chục năm trước, trước khi viết Made in Vietnam, tôi đã trải qua mối tình đầu với truyện ngắn mà tới bây giờ hầu như chẳng còn giữ lại kỷ niệm nào ngoài cảm giác dễ dàng: dễ dàng bắt đầu, dễ dàng kết thúc. Có thể vì tạng văn của tôi không hợp với thể loại này, hoặc tôi không muốn hòa mình vào đám đông đồng nghiệp ngày ấy, hay tôi muốn đi tìm một đối tượng sáng tác cởi mở hơn... Tôi không còn nhớ lý do chính xác nào đã khiến tôi chia tay với truyện ngắn, nhưng tôi nhớ tôi đã chia tay một cách quyết liệt: thay đổi bút danh, ném toàn bộ những thứ đã viết vào sọt rác và không quan tâm khi ai đó nhắc đến mối quan hệ này. Tiểu thuyết với tôi là một tình yêu lớn. Cũng bởi đó còn là ý muốn của tôi. Khi đến với tiểu thuyết, tôi không còn là một cô nàng đôi mươi, ngây ngô tin rằng tình yêu nào cũng lớn, cứ yêu là lớn, cứ yêu là thành tác phẩm. Trải nghiệm và hiểu biết khiến tôi nhận thức được rằng tình yêu lớn không tự trên trời rơi xuống. Sáu tiểu thuyết, không biết thành công đến đâu, nhưng có thể xác thực tình cảm của tôi dành cho thể loại này. Dù thế nào thì chúng cũng không phải là những truyện ngắn đặt cạnh nhau hay những mảnh suy nghĩ cứ cố kéo dài thành vài trăm trang. Tôi nghĩ là tôi sẽ không bao giờ làm thơ, mặc dù thi ca chắc hẳn là một đối tượng vô cùng quyến rũ. Cũng như tôi sẽ nói không với kịch, tiểu luận, bút ký... Nói cho cùng thì tôi đã chọn tiểu thuyết và không thể phản bội nó vì bất cứ một lý do gì. Tiểu thuyết với tôi là một si mê dai dẳng, một trò chơi hấp dẫn khôn nguôi. * Trong cả sáu tiểu thuyết của chị chưa bao giờ vắng mặt sự giễu cợt, hoặc trực diện như trong Made in Vietnam hay Paris 11 tháng 8, hoặc kín đáo hơn một chút như trong T mất tích hay Thang máy Sài Gòn. Bao giờ thì chị thôi giễu cợt? Chị có phải là người ưa giễu cợt trong đời thường? - Bao giờ tôi mới thôi giễu cợt? Thú thật là tôi cũng không biết nữa, bởi vì làm sao mà biết được đến khi nào hiện thực vào tay tôi mới thôi u ám, còn tôi thì thôi sợ phải chứng kiến độc giả và tác giả cứ vài phút lại ôm nhau sụt sịt, còn văn chương nói chung thì thôi dầm dề? Thử tưởng tượng nếu T mất tích rồi chồng T ôm mặt khóc, rồi hổn hển ôn chuyện tình Pháp - Việt, lá vàng bay trong gió sông Seine, cà phê thơm đồi Montmartre... Hay thử tưởng tượng nếu Liên của Paris 11 tháng 8 không xấu xí, lạnh lùng mà duyên dáng, dịu dàng và sang đến Paris rồi vẫn ôm gối mơ lại Hà Nội của tháp Rùa, chùa Một Cột và hồ Tây cùng chè sen, hoa sen, hương sen... Cứ tưởng tượng ra như thế thì bạn sẽ biết độc giả có cần một nhà văn tên là Thuận nữa không, hay đọc ai cũng thế mà thôi, hay đọc quảng cáo du lịch cho đỡ đau đầu và phí thời giờ? Ngoài đời tôi có phải là người ưa giễu cợt? Có chứ, đối tượng giễu cợt của tôi trong đời thường rất nhiều khi là chính bản thân tôi. * Ngay cả khi tựa đề chỉ tới Paris hay Sài Gòn thì trong hầu hết tiểu thuyết của chị vẫn có rất nhiều Hà Nội. Tuy nhiên, Hà Nội trong văn chị dường như bị bóc trần, bị châm biếm không thương tiếc. Sống ở nước ngoài nhiều năm liên tục, làm thế nào chị nắm bắt những cái nhôm nhoam của Hà Nội vắt từ thời bao cấp sang đổi mới nhạy đến thế? - Hà Nội đi vào tác phẩm của tôi như một thực thể chuyển động chứ không phải một sản phẩm đông lạnh nhập kho vào ngày tôi rời Việt Nam. Nhưng để giải thích sự chuyển động đó, có lẽ không thể bỏ qua cái mốc quan trọng là thời bao cấp. Theo tôi, dù cho Hà Nội đã có cả khách sạn Metropole lẫn cửa hàng Louis Vuitton, và không ít người Hà Nội sẵn sàng trả tiền triệu để đặt chân vào Nhà hát lớn, thì tinh thần bao cấp xin cho vẫn là một trong những tinh thần chủ đạo của Hà Nội ngày hôm nay. Nắm bắt cái nhôm nhoam của Hà Nội như thế nào? Vấn đề không phải cứ sống giữa lòng Hà Nội là đã hiểu Hà Nội. Sống giữa lòng Hà Nội nhưng nhìn Hà Nội qua mắt kính hồng hồng thì thế nào cũng cho ra đời một Hà Nội hồng hồng, mà người Hà Nội khó lòng tìm thấy mình trong đó. Độc giả ngày nay bội thực về các món ngon Hà Nội, mùi hoa sữa Hà Nội, nỗi bâng khuâng Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm, đường Thanh Niên, chùa Trấn Quốc... Bạn có công nhận với tôi rằng văn chương dù có rẻ rúng đến đâu cũng không thể bị xếp ngang hàng với lưu bút tuổi xanh hay hồi ký người già. Đương nhiên cũng cần phải nói thêm rằng thông tin thì vô kể, nạp vào đầu là chuyện trẻ con, phân tích lựa chọn thì cần đến kỹ năng, nhưng có lẽ biến chúng thành văn chương mới là công việc của nhà văn. Hà Nội, trong tác phẩm tôi viết, chỉ còn một phần nhỏ là nơi tôi từng sống cả thời thơ ấu, còn phần lớn đã trở thành chủ thể sáng tạo. Phải chăng càng viết là càng phải quên đi câu chuyện của cá nhân mình? Paris vào tay Thuận cũng nhôm nhoam không kém. Bạn có thể nói thế. Chỉ có điều cái nhôm nhoam của Paris khác cái nhôm nhoam của Hà Nội. Cái nhôm nhoam của Paris không có mùi bao cấp. Phóng to Những độc giả thích mắm, pho mát và rượu vang * Nhân vật bà mẹ trong Thang máy Sài Gòn là một nhân vật rất ấn tượng. Cả đời bà diễn hết vai này đến vai khác, đến cả khi chết rồi vẫn diễn vai người chết “như một diễn viên gạo cội” trong một đám tang được dựng như một tác phẩm điện ảnh. Chị đã xây dựng nhân vật này như thế nào? - Thang máy Sài Gòn là tiểu thuyết của những giả thiết. Chỉ sau cái chết bất thường của người mẹ thì cô con gái mới lên đường đi tìm chủ nhân bức ảnh mà mẹ cô vô tình để lại, rồi từ đấy mà tìm hiểu về người mẹ quá cố, một người mà mặc cho 20 năm chung sống cùng một mái nhà, đối với cô vẫn là một ẩn số. Cuộc tìm kiếm của cô có thể coi như cuộc tiếp xúc với các bóng ma: nửa thế kỷ trôi qua, nhiều người liên quan đã sang thế giới bên kia, những thông tin mà cô mang lại cho độc giả chẳng hề được đối chứng, nhiều khi chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng và óc phân tích rất đáng gờm của... chính cô. Chân dung người mẹ được vẽ bởi cô con gái dị kỳ, không hiểu yếu đuối hay mạnh mẽ, tình cảm hay lạnh lùng, nhưng rõ ràng là thiếu vắng hoàn toàn những trường đoạn sáo rỗng về tình mẫu tử nhan nhản trong văn chương không chỉ của Việt Nam. Dưới con mắt của cô con gái, như bạn vừa nhận xét, người mẹ đã dùng cả cuộc đời để diễn, thậm chí nhiều vai cùng một lúc, và vai để đời nhất, hoành tráng nhất lại là vai người chết trong đám tang của chính mình. Nhưng nếu chỉ mỗi như thế thì cũng chưa có gì đáng bàn lắm. Điều khiến tác giả là tôi cũng không ngờ nổi ấy là càng viết càng phát hiện ra sự đa nhân cách của nhân vật này: một mặt đó là một nữ cán bộ khát khao quyền lực, mặt khác đó cũng là một người đàn bà có niềm tin mãnh liệt vào tình yêu, dù chỉ là một thứ tình yêu bị ngăn trở mọi bề, mỏng manh và đầy hiểm nguy. * Cả trong T mất tích lẫn Thang máy Sài Gòn, chị đã để cho nhân vật của mình biến thành những thám tử không chuyên. Bản thân chị đã dịch ít nhất hai tiểu thuyết trinh thám. Có bao giờ chị có ý định sẽ viết tiểu thuyết trinh thám chưa? - Tiểu thuyết trinh thám với mục đích duy nhất là làm độc giả mất ăn mất ngủ vài ngày, chưa bao giờ khiến tôi quan tâm. Có lẽ vì thế mà các nhân vật của T mất tích hay Thang máy Sài Gòn chỉ được làm những thám tử không chuyên, và thay vì tìm ra những người phải tìm thì lại tìm được một phần của chính bản thân. Trong cuộc điều tra có vẻ là để giết thời gian, người chồng của T bỗng hiểu rằng giống như T, anh ta muốn rời bỏ cuộc sống đơn điệu này, nhưng khác với T, anh ta không đủ dũng cảm để làm một cuộc đời mới. Còn cô con gái trong Thang máy Sài Gòn hối hả khai quật nửa thế kỷ bị lãng quên, tuy không tìm thấy người tình của mẹ nhưng lại ngộ ra những ngóc ngách khó lường trong tâm hồn mình. Bạn có đồng ý với tôi rằng cứ tìm kiếm đi, không thấy cái này sẽ thấy cái khác, và cuộc đời sẽ nhàm chán làm sao nếu chúng ta chẳng còn hứng khởi nào cho khám phá? * Nếu gọi tên hai nhà văn Pháp, một trong quá khứ một ở hiện tại, mà chị ngưỡng mộ hoặc đồng cảm thì đó là ai? Chị muốn nhìn thấy nhà văn Pháp nào hoặc tiểu thuyết Pháp nào được dịch ở Việt Nam? - Camus - ngắn gọn, chính xác và bình thản. Houellebecq - sắc sảo, hài hước và khiêu khích. Với tôi, đó là hai cách thể hiện độc đáo cho cùng một đề tài không ngừng được khai thác trong văn chương - sự phi lý của nhân gian. Nếu các tác phẩm của hai tác giả này được dịch và giới thiệu một cách nghiêm túc và có hệ thống, tôi tin rằng đó sẽ là món quà đẹp cho độc giả Việt Nam. * Và đâu là những cuốn sách mà chị có thể đọc đi đọc lại? - Từ khi viết văn thì đọc sách của người khác, với tôi, cũng là một cách học. Các tác phẩm của Houellebecq, Camus, Duras, Kundera, Auster, Roth, Muller... đều khiến tôi phải đọc đi đọc lại. * Câu hỏi cuối cùng, chị hình dung thế nào về độc giả của mình? - Độc giả của tôi có thể khác nhau về giới tính, độ tuổi, công việc... Một số người có thể thích các món mắm. Một số người lại không thể thiếu pho mát và rượu vang. Nhưng tôi tin rằng họ đều có tình cảm đặc biệt dành cho văn chương. * Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này và mong được sớm đọc tác phẩm tiếp theo của chị. Tags: Tiểu thuyếtLÂM VŨ THAOThang máy Sài GònThuận
Bầu cử Mỹ: 'Nước Pháp sẵn sàng làm việc với chính quyền Trump mới' NGỌC ĐỨC 05/11/2024 Ông Trump và bà Harris đều giành được 3 phiếu tại Dixville Notch, bang New Hampshire, nơi mở cửa điểm bầu cử từ 0h.
Người vợ của Anh hùng biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai: Hòa bình rồi, tôi không còn làm vợ bé... HỒ LAM 05/11/2024 Ngày đất nước thống nhất, bà Đặng Thị Tuyết Mai, người vợ sau của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai mừng khấp khởi: 'Hòa bình rồi! Chồng tôi làm cách mạng, tôi không có làm 'vợ bé' của ai hết...'
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
20 trẻ mầm non phải vào viện do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột TTXVN 05/11/2024 Chiều 5-11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết sức khỏe 20 trẻ mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột đã ổn định.