Phóng to |
Ảnh minh họa |
1. Vượt qua chính mình:
Thay vì bỏ thời gian tức giận và tự hỏi lý do nào khiến chồng/vợ của mình không thể nhận thức vấn đề giống như mình, bạn hãy dành một vài phút để nhìn lại vấn đề qua “đôi mắt” của chồng/vợ mình. Phải chăng người bạn đời của bạn có một lý do tích cực nào đó? Phải chăng họ đang có một ý tưởng nào đó mà bạn không nghĩ ra được?
Hãy ghi nhớ rằng không chỉ vợ hay chồng của mình, mà ngay bản thân bạn cũng hoàn toàn có thể mắc phải lỗi lầm trong quá trình nuôi dạy con cái. Đơn giản, anh ấy/cô ấy cũng chỉ là một con người như bạn mà thôi.
2. Thừa nhận sai lầm:
Việc thừa nhận sai lầm của bản thân quả không dễ dàng gì khi bạn đang bị chồng/vợ của mình phê phán về cách thức nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, việc chia sẻ nỗi e ngại, các vấn đề quan tâm cũng là một cách để duy trì sự gắn bó giữa hai vợ chồng.
Hơn nữa, người bạn đời của bạn sẽ ít có cảm giác bị xét nét hơn nếu bạn tỏ ra cởi mở, chân tình và không lúc nào cũng khư khư cho mình là nhất. Và trong một không khí thấu hiểu và thông cảm, chồng/vợ của bạn sẽ vui vẻ nhìn lại lối dạy dỗ con cái của chính mình.
3. Thu hẹp những điểm khác biệt giữa hai vợ chồng:
Tổng quát hóa những điểm bất đồng để cả hai vợ chồng nhìn thấy trước mặt mình là một “bức tranh toàn cảnh”. Thông thường, những mâu thuẫn giữa cha mẹ thường liên quan đến chuyện đồ chơi, âm nhạc, sách vở, chương trình tivi, phim ảnh... có thích hợp với các con của mình hay không, và những điểm khác biệt trong cách thức kỷ luật con cái...
Hãy xác định mấu chốt của vấn đề để tạo ra một nền tảng tranh luận mang tính xây dựng và trao đổi với nhau những giải pháp mà mỗi người cho là tối ưu nhất. Nếu sau khi bàn bạc vẫn không thống nhất ý kiến được, hãy thảo luận những giải pháp dung hòa cho cả hai bên.
4. Biết ngợi khen nhau:
Phán xét người bạn đời của mình dễ làm người đó cảm giác bị xúc phạm, dẫn đến việc phòng thủ và ngừng trao đổi ý kiến. Ngược lại, những lời khen mang tính xây dựng sẽ làm người kia cảm giác mình được đánh giá cao, mình cũng có thể làm tốt công việc nuôi dạy con cái, và từ đó anh ấy/cô ấy sẽ vui vẻ lắng nghe những lời góp ý của bạn hơn.
Hãy ghi nhớ một nguyên tắc vàng: Đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn họ đối xử với mình. Hãy bắt đầu với người bạn đời của mình.
5. Cho thấy hiệu quả của phương pháp mình đề nghị:
Một trong những cách thuyết phục vợ/chồng rằng phương pháp do bạn đề nghị mang lại hiệu quả tích cực là áp dụng phương pháp đó vào thực tiễn nuôi dạy con cái. Hãy cho anh ấy/cô ấy thấy bạn áp dụng những biện pháp kỷ luật tích cực ra sao vào những hoàn cảnh thích hợp, và hãy nói với con những lời mà bạn hy vọng anh ấy/cô ấy sẽ sử dụng...
6. Chia sẻ gánh nặng:
Quả là khó khăn khi từ bỏ vai trò điều khiển việc nuôi dạy con cái trong khi bạn cảm giác mình có những giải pháp ưu việt hơn so với chồng/vợ của mình. Tuy nhiên, khi bạn tạo cơ hội cho người bạn đời cáng đáng việc nuôi dạy con cái, bạn đã cho anh ấy/cô ấy cơ hội nhận thức thế nào là các vấn đề gia đình, cơ hội tăng cường mối quan hệ cha-con/mẹ-con, và nhất là cơ hội trở thành người cha/người mẹ tốt nhất trong khả năng của anh ấy/cô ấy.
Ngoài ra, việc ủng hộ chồng/vợ của mình trước mặt các con sẽ gieo vào đầu chúng thông điệp rằng trẻ có thể tin tưởng vào mọi quyết định do cha hay mẹ đưa ra.
7. Thỏa hiệp, không phải cạnh tranh:
Hãy đảm nhận vai trò ngang nhau trong việc nuôi dạy con cái, cùng đề ra mục tiêu, cùng bàn bạc những việc gì nên và không nên làm, lắng nghe ý kiến từ phía kia, cùng ra quyết định và hỗ trợ các hành động của chồng/vợ của mình.
Hãy ghi nhớ rằng khi hai vợ chồng sát cánh bên nhau cùng giải quyết các vấn đề gia đình, đó sẽ là tấm gương rèn luyện cho con cái những kỹ năng quan trọng nhất trong cuộc sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận