Sáng 19-5 tại Thừa Thiên Huế, Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tổ chức phiên họp về tình tình phát triển của vùng và công bố Quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Quy hoạch này nhằm hướng đến việc định hướng chức năng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, đô thị của từng tỉnh thuộc vùng trong thời gian tới.
Định hướng phát triển đô thị miền Trung
Theo Quy hoạch phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị), tiểu vùng Trung Trung Bộ gồm 5 tỉnh, thành (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) và tiểu vùng Nam Trung Bộ gồm 4 tỉnh (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận).
Vùng Bắc Trung Bộ sẽ trở thành khu vực tăng trưởng quan trọng về công nghiệp, dịch vụ đô thị biển của cả nước, trong đó TP Vinh là trung tâm kinh tế, văn hóa của tiểu vùng.
TP Thanh Hóa là cực tăng trưởng mới, cùng Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía bắc.
Vùng Trung Trung Bộ trở thành tiểu vùng động lực của vùng và là khu vực tăng trọng quan trọng về công nghiệp, dịch vụ cao cấp và đô thị biển…
Vùng Nam Trung Bộ trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng, dịch vụ du lịch, đô thị ven biển của cả nước.
Cụ thể hơn trong việc phát triển đô thị, TP Đà Nẵng là đô thị, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, logistics, công nghệ cao…
Thừa Thiên Huế định hướng là thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị trung tâm của miền Trung và đô thị cấp quốc gia đặc trưng về di sản, văn hóa. Huế cũng được định hướng là trung tâm lớn của cả nước về văn hóa, khoa học, y tế chuyên sâu, giáo dục…
Phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc trung ương, là trung tâm du lịch biển quốc tế…
TP Thanh Hóa là trung tâm lớn về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng và nông nghiệp quy mô lớn.
TP Vinh có vai trò là trung tâm của tiểu vùng Bắc Trung Bộ về công nghiệp, du lịch, thương mại…
TP Quy Nhơn có vai trò là trung tâm kinh tế biển tổng hợp của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, trung tâm trí tuệ nhân tạo…
Miền Trung sẽ có thêm nhiều sân bay đa chức năng
Về phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng, Chính phủ cũng định hướng miền Trung nâng cấp, cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác 9 cảng hàng không hiện có trong vùng.
Trong đó ưu tiên phát triển cảng hàng không Chu Lai thành cảng hàng không trung chuyển quốc tế và trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa máy bay của khu vực.
Đầu tư xây dựng cảng hàng không Phan Thiết, cảng hàng không Quảng Trị và nâng cấp sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) trở thành sân bay lưỡng dụng.
Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá một số cảng hàng không, sân bay có tiềm năng tại Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lý Sơn (Quảng Ngãi) và Phú Quý (Bình Thuận).
Nghiên cứu, thu hút đầu tư các sân bay chuyên dụng phục vụ nhu cầu cá nhân, du lịch, cứu hộ cứu nạn tại một số khu vực tiềm năng như: đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), đầm Thị Nại (Bình Định), vịnh Xuân Đài (Phú Yên), vịnh Vân Phong (Khánh Hòa), vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận).
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các địa phương miền Trung khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng trên tinh thần "thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng và thông minh về quản trị".
Đặc biệt chú ý việc phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây nhằm kết nối hiệu quả các cảng biển, khu kinh tế, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị ven biển, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.
Ông Hà cũng đề nghị các địa phương tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh.
Tập trung phát triển kinh tế biển theo hướng nhanh và bền vững; phát triển công nghiệp ven biển và ngoài khơi, chú trọng phát triển công nghiệp năng lượng biển, đặc biệt là từ nguồn năng lượng tái tạo...
Trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đạt 5,51%, cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,05%). Trong đó một số địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao như Khánh Hòa (10,35%), Ninh Thuận (9,4%), Phú Yên 9,16%, Bình Thuận (8,1%)…
Quy mô nền kinh tế miền Trung theo giá hiện hành đạt hơn 1.570 nghìn tỉ đồng, chiếm 15,06% GDP cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận