Sáng 6-4, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch chung đô thị đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 với mục tiêu đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2025.
Quy hoạch giúp Huế mở đường đến thành phố trực thuộc trung ương
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phương, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nói rằng trong thời gian qua tỉnh đã tập trung triển khai lập các quy hoạch quan trọng mang tính trọng tâm với mục tiêu định hướng sự phát triển cho toàn tỉnh ở các giai đoạn tới.
Theo đó xác định mục tiêu đến năm 2025 Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương và là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam.
Huế sẽ là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Ông Phương nhấn mạnh rằng hai quy hoạch này có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, tạo hành lang pháp lý trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, toàn diện và bền vững.
Quy hoạch sẽ giúp tỉnh khơi thông nguồn lực và khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh khác biệt của tỉnh.
"Các quy hoạch sẽ từng bước tháo gỡ những "điểm nghẽn", giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc trung ương", ông Phương nói.
Theo quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành, tỉnh đã xác định mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương với đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam.
Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu, là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Thủ tướng: Huế phải thực hiện 1 trọng tâm, 2 tăng cường và 3 đẩy mạnh
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng rằng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân tỉnh Thừa Thiên Huế thì mục tiêu đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2025 sẽ sớm thành hiện thực.
Thủ tướng kỳ vọng rằng đến năm 2025, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương mang đậm nét là một đô thị đặc thù gói gọn trong 13 chữ "Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững".
Để hoàn thành mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế cần phải thực hiện 1 trọng tâm, 2 tăng cường và 3 đẩy mạnh.
Cụ thể, 1 trọng tâm là huy động mọi nguồn lực hợp pháp và sử dụng có hiệu quả nguồn lực này cho các động lực tăng trưởng truyền thống (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư). Tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới như phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ…
2 tăng cường gồm: tăng cường đầu tư phát triển yếu tố con người nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài. Tăng cường kết nối vùng, kết nối với quốc tế thông qua kết nối văn hóa, du lịch, kết nối giao thông và kết nối thị trường.
3 đẩy mạnh gồm: đẩy mạnh hạ tầng chiến lược, đồng bộ, bao trùm (gồm hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng chống biến đổi khí hậu, văn hóa…). Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, chế biến chế tạo…
Và cuối cùng là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân.
"Tôi tin tưởng rằng Thừa Thiên Huế sẽ phát huy bản sắc của mình để thực hiện các bản quy hoạch trên một cách có hiệu quả, mang lại giá trị mới, mang lại của cải vật chất cho nhân dân và góp phần xây dựng đất nước ngày càng thịnh vượng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng trong sáng 6-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã dự lễ khởi công Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế 2.
Dự án với tổng vốn đầu tư gần 300 tỉ đồng phần xây dựng và gần 100 tỉ đồng phần trang thiết bị y tế. Công trình bệnh viện này có quy mô một tòa nhà 6 tầng nổi và 1 tầng hầm với tổng diện tích sàn xây dựng 21.000m2, với đầy đủ hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại.
Dự kiến sau 700 ngày xây dựng, bệnh viện sẽ được đưa vào sử dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận