03/07/2016 12:02 GMT+7

Thừa Thiên - Huế đánh giá thiệt hại vụ cá chết

T.H
T.H

TTO - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao vừa ký quyết định thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại do sự cố môi trường biển trên địa bàn tỉnh.

Cá chết xuất hiện ở phía bắc tỉnh Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Nhật Linh
Cá chết xuất hiện ở phía bắc tỉnh Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Nhật Linh

Theo Chinhphu.vn, quyết định được ban hành ngay sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân gây ra tình trạng thủy hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung trong thời gian vừa qua và Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường này.

Đánh giá chính xác giá trị thiệt hại

Theo đó, hội đồng có 16 thành viên do ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch.

Hội đồng có nhiệm vụ xây dựng đề cương, kế hoạch, phân công nhiệm vụ, thành lập tổ giúp việc, chỉ đạo thành lập các hội đồng đánh giá thiệt hại cấp huyện; đánh giá chính xác giá trị thiệt hại sau sự cố môi trường trên tất cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng trong thời gian sớm nhất; đề xuất giải pháp tổng thể để khôi phục môi trường và ổn định sản xuất; tổng hợp tham mưu, báo cáo UBND tỉnh để báo cáo Chính phủ cùng các bộ, ngành Trung ương.

Hội đồng có thẩm quyền yêu cầu, kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành liên quan, Hội đồng đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường của các huyện, thị xã triển khai thực hiện đánh giá thiệt hại đảm bảo chính xác, công bằng, công khai, minh bạch theo đúng quy định của nhà nước.

Các thành viên hội đồng này có quyền điều động cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình để thực hiện nhiệm vụ. 

Thừa Thiên - Huế là một trong bốn địa phương Bắc Trung Bộ xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt trong tháng 4.

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết từ ngày 15 đến 24-4-2016, dọc các huyện ven biển của tỉnh đã xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt ảnh hưởng lớn đến môi trường, hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các bãi biển du lịch cũng như đời sống của nhân dân các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc... 

UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo các địa phương thu gom và xử lý theo quy định. Đồng thời tạm cấp 630 tấn gạo và 9,4 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng trực tiếp.

Đã kết luận cá chết do chất độc

Trước đó, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương sớm công bố kết quả phân tích mẫu nước sau sự cố cá chết. Kết quả chỉ ra rằng nguyên nhân cá biển, cá nuôi chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh - chất độc trong môi trường nước - xuất hiện từ phía bắc của tỉnh Thừa Thiên - Huế. 

Cụ thể, ngày 26-4, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế có báo kết quả phân tích mẫu nước lấy tại khu vực đầm Lăng Cô và cửa biển Lăng Cô, thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc vào thời điểm xuất hiện cá nuôi lồng chết hàng loạt

Theo bản báo cáo về hiện tượng cá chết bất thường ở khu vực đầm phá và vùng ven biển Thừa Thiên Huế, có 9 mẫu nước mặt và 7 mẫu trầm tích tại khu vực đầm Lăng Cô (Phú Lộc), vùng biển ven bờ xã Quảng Công (Quảng Điền), Điền Hương, Điền Hải (Phong Điền) được lấy và phân tích.

Kết quả cho thấy các thông số gồm tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

Kết quả này cũng chỉ ra rằng nguyên nhân cá biển, cá nuôi chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh - chất độc trong môi trường nước xuất hiện từ phía bắc của tỉnh Thừa Thiên - Huế. 

T.H
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên