Dù bị đánh giá thấp hơn Nhật Bản (hạng 9 thế giới), tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam (hạng 39 thế giới) vẫn nhập cuộc đầy quyết tâm.
Lần lượt bị dẫn 2-4 rồi 5-8,… các học trò của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt vẫn cân bằng được tỉ số 9-9 rồi giằng co đến 24-24. Nhưng lúc này, các cô gái Nhật Bản đã thể hiện bản lĩnh tuyệt vời khi ghi 2 điểm tiếp theo để giành phần thắng nghẹt thở 26-24 ở ván một.
Bước sang ván thứ hai, Nhật Bản đã thi đấu tự tin. Họ ghi được nhiều điểm dù lối chơi không quá biến hóa, chủ yếu là đánh biên và hàng sau. Trong khi đó, Việt Nam lại khá lúng túng trong các tình huống triển khai tấn công.
Trong bối cảnh đó, chuyền hai Lâm Oanh chọn cách dồn bóng cho Thanh Thúy nhưng đã bị các cô gái Nhật Bản bắt bài, bám chắn quyết liệt. Kết quả là Việt Nam thua tiếp 21-25 ở ván này.
Điểm nhấn lớn nhất của các 'chân dài' Việt Nam trong trận bán kết này chính là ván thứ ba. Họ đã chơi rực lửa với tinh thần thi đấu vững vàng như ván ba trận thắng Hàn Quốc. Hai đội luân phiên dẫn điểm nhưng khoảng cách không lớn.
Bước ngoặt diễn ra ở tỉ số 19-21 nghiêng về Nhật Bản, khi HLV Nguyễn Tuấn Kiệt của Việt Nam gọi hội ý sau khi đối thủ liên tục có những điểm số quan trọng.
Sau lần hội ý này, các cô gái Việt Nam đã chơi khởi sắc và giành phần thắng 25-23.
Nhưng vào ván thứ 4, tuyển Việt Nam đã không còn giữ được sự ổn định trong lối chơi bởi thể lực suy giảm. Họ không theo kịp những pha triển khai tấn công của Nhật Bản, đồng thời những đợt tấn công lại quá đơn điệu không thể vượt qua hàng chắn đối thủ. Và tuyển Việt Nam đã thua 16-25 ở ván này.
Thua chung cuộc 1-3 trước Nhật Bản, tuyển Việt Nam sẽ phải chơi trận tranh HCĐ với đội thua trong trận bán kết còn lại giữa chủ nhà Trung Quốc và Thái Lan.
Diễn biến trận bán kết bóng chuyền nữ Việt Nam - Nhật Bản tại Asiad 10:
Ván 4: 16-25
16-25: Tuyển Việt Nam đã thua ván thứ tư quyết định.
15-20: Tuyển Việt Nam đang có dấu hiệu xuống, không thể theo nổi những đợt tấn công của Nhật Bản.
12-15: Bích Thủy phát bóng hỏng.
6-10: Nhật Bản tăng tốc trong đầu ván thứ tư. HLV Nguyễn Tuấn Kiệt lập tức gọi hội ý để xốc lại đội hình và giảm hưng phấn của đối thủ.
Bình luận của chuyên gia Nguyễn Bá Nghị: "Việt Nam đã có một ván đấu rực lửa với tinh thần thi đấu vững vàng như ván ba trận thắng Hàn Quốc. Trong khi đó, Nhật Bản lại lúng túng trong chuyền hai. Chuyền hai dự bị Nakagawa Tsukasa đang chơi khá hay thì phải nhường chỗ cho chuyền hai chính - đội trưởng Iwasaki Koyomi. Nhưng sau đó lại phải đổi lần nữa nên không có sự ổn định".
Ván 3: 25-23
25-23: Thanh Thúy tung cú đập rất mạnh giúp Việt Nam giành chiến thắng ở ván ba.
24-22: Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để thắng ván ba.
23-22: Sau khi bị Việt Nam dẫn ngược, Nhật Bản đã xin hội ý.
21-21: Sau khi hội ý, tuyển Việt Nam đã chơi hiệu quả và san bằng được cách biệt điểm số.
19-21: HLV Nguyễn Tuấn Kiệt của Việt Nam đã gọi hội ý sau khi Nhật Bản liên tục có những điểm số quan trọng.
17-17: Kiều Trinh di chuyển thông minh, đánh bóng lách chắn ghi điểm cho Việt Nam.
12-12: Nhật Bản cân bằng tỉ số sau một tình huống thoát thua ngoạn mục.
8-6: Tuyển Việt Nam cố gắng bứt lên trong cuộc đua điểm số.
2-2: Ván thi đấu thứ ba tiếp tục khởi đi với màn giằng co điểm số giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Bình luận của chuyên gia Nguyễn Bá Nghị: "Phần thắng ở ván đầu giúp Nhật Bản tự tin khi bước vào ván hai. Họ ghi được nhiều điểm dù lối chơi không quá biến hoá, chủ yếu là đánh biên và hàng sau. Trong khi đó, Việt Nam lại khá lúng túng trong các tình huống triển khai tấn công"
Ván 2: 21-25
21-25: Trọng tài bắt lỗi chạm lưới của một cô gái Việt Nam. Phần thắng trong ván hai tiếp tục thuộc về Nhật Bản.
18-23: Chuyền hai Lâm Oanh dồn quá nhiều bóng cho Thanh Thúy nên đã bị các cô gái Nhật Bản bắt bài, bám chắn quyết liệt.
14-18: Sau tình huống phát bóng hỏng của Thanh Thúy, Nhật Bản đã ghi liền 5 điểm để tạo khoảng cách khá xa với Việt Nam.
12-11: Tuyệt vời! Các cô gái Việt Nam vừa có chuỗi ghi 4 điểm.
8-11: Các VĐV Việt Nam mắc nhiều lỗi trong bước một lẫn chuyền hai nên hàng tấn công đã bế tắc.
6-7: Các cô gái Nhật Bản cho thấy tâm lý thi đấu rất vững vàng. Họ đã có chuỗi ghi 4 điểm liên tục để dẫn ngược Việt Nam.
6-3: Tú Linh đánh bóng chạm chắn Nhật Bản ra ngoài. Đây là lần đầu tiên trong trận chúng ta dẫn Nhật Bản với cách biệt 3 điểm.
2-0: Thanh Thúy phát bóng ăn điểm trực tiếp.
Bình luận của Giám sát kỹ thuật của Liên đoàn bóng chuyền châu Á Nguyễn Bá Nghị: "Việt Nam đã nhập cuộc tốt trong cả phòng thủ lẫn triển khai tấn công. Ngoài sự xuất sắc của Thanh Thuý, Việt Nam nên phát huy thêm các mũi đánh nhanh của Kiều Trinh, Bích Thuỷ. Đồng thời kết hợp những miếng đánh biên vì tầm chắn của Nhật Bản không cao. Tuy nhiên, chúng ta cần duy trì sự ổn định, phát bóng uy lực hơn buộc Nhật Bản phải đưa bóng ra hai biên để chắn".
Ván 1: 24-26
24-26: Nhật Bản có được chiến thắng trong ván đầu tiên sau một pha đập bóng chạm chắn ra ngoài.
24-24: Ván thi đấu đầu tiên đang diễn ra nghẹt thở. Các cô gái Việt Nam vẫn thi đấu kiên cường.
22-22: Bích Thuỷ bỏ nhỏ mang điểm về cho Việt Nam sau một tình huống giằng co rất lâu với Nhật Bản.
20-21: Thanh Thúy gây ấn tượng với cú đánh sau vạch 3m uy lực.
19-19: Kiều Trinh là người có pha xử lý thông minh trên lưới mang về điểm số cho Việt Nam.
15-15: Thanh Thúy bỏ nhỏ thông minh cân bằng tỉ số cho Việt Nam.
13-13: Hai đội thi đấu giằng co.
10-9: Tuyển Việt Nam đã thi đấu vô cùng ấn tượng, từ việc bị dẫn 6-9 đã ghi 4 điểm liên tiếp để dẫn ngược đối thủ 10-9.
5-8: Thanh Thúy có 3 cú đập liên tiếp nhưng đều không thành công bởi các VĐV Nhật Bản đã bám chắn cô rất chặt.
5-7: Các cô gái Việt Nam vừa cắt được chuỗi ghi 3 điểm liên tiếp của Nhật Bản.
2-4: Các VĐV Nhật Bản bắt đầu thể hiện những pha phối hợp ghi điểm ấn tượng.
1-0: Thanh Thúy ghi điểm đầu tiên của trận đấu.
Thông tin trước trận:
Trận đấu này mang tính lịch sử của bóng chuyền Việt Nam bởi đây mới là lần đầu tiên đội tuyển bóng chuyền nữ của chúng ta vào đến bán kết ở đấu trường Asiad.
Bước vào trận đấu này, Nhật Bản (đội bóng đang xếp hạng 9 thế giới) được đánh giá cao hơn. Dù vậy, không phải không có cơ hội cho các "chân dài" Việt Nam (hạng 39 thế giới).
Niềm tin này đến từ việc HLV Nguyễn Tuấn Kiệt đang có trong tay lứa VĐV tài năng bậc nhất bóng chuyền nữ Việt Nam với sự xuất sắc Lâm Oanh, Kiều Trinh, Bích Thủy, Tú Linh… và nhất là "sếu vườn" Trần Thị Thanh Thúy.
Nhiều năm thi đấu ở những giải đấu chất lượng như Giải vô địch Thái Lan và bây giờ là Nhật Bản đã trui rèn cho Thanh Thúy bề dày kinh nghiệm và bản lĩnh.
Nhật Bản đã thể hiện sức mạnh khi đứng đầu bảng F với 3 trận toàn thắng, trong đó có chiến thắng ấn tượng trước ứng viên vô địch Thái Lan với tỉ số 3-0.
Nhật Bản có lối chơi tập thể gắn kết và lối đánh khá hiện đại. Một trong những gương mặt nổi bật của Nhật Bản là chủ công Yuki Nishikawa, người đã ghi 15 điểm trước Thái Lan. Ngoài ra, đội bóng xứ mặt trời mọc còn có những VĐV chất lượng như Mizuki Tanaka, Haruyo Shimamura...
Ở Giải vô địch châu Á tháng 9 tại Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản cũng đã gặp nhau ở bán kết. Trận đó, Việt Nam đã thua ngược 2-3 đầy tiếc nuối sau khi đã dẫn trước đối thủ 2-1.
Lần gặp lại hôm nay, người hâm mộ kỳ vọng các học trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt tạo bất ngờ và làm nên lịch sử cho bóng chuyền nữ Việt Nam ở đấu trường Asiad.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận