Bộ phim giàu tình cảm, cả đôi lứa lẫn tình thân - Ảnh: CGV
Có người nói nếu thay đổi giới tính của đôi tình nhân trong thành nam và nữ, chứ không phải nam và nam như hiện tại, thì câu chuyện không khác mấy.
Chưa bàn nhận xét này sai hay đúng, nhưng nếu vậy chẳng phải tốt sao? Vì rốt cuộc, điện ảnh Việt cũng có phim về tình yêu đồng giới khiến người ta "phiêu" và xúc động chẳng khác nào với tình yêu nam nữ?
Thưa mẹ con đi làm được điều đó. Nếu Song lang mới chạm khẽ vào tình cảm đồng giới, thì Thưa mẹ con đi chạm thật, chạm sâu và còn mở rộng thành câu chuyện gia đình với nhiều tầng bậc cảm xúc.
Trailer phim 'Thưa mẹ con đi'
Một chuyện tình yêu đẹp như tranh vẽ
Võ Điền Gia Huy và Lãnh Thanh, cặp diễn viên nam chính của Thưa mẹ con đi, sở hữu vẻ ngoài phù hợp với vai trò của nhân vật trong mối quan hệ. Ian (Gia Huy đóng) là "kèo dưới", đẹp kiểu mong manh, ngọt ngào, dễ mến và có sống mũi rất Tây; còn Văn (Lãnh Thanh) là "kèo trên", đẹp nam tính, mộc mạc, có gương mặt đậm chất Việt Nam.
Phim kể về chuyến thăm nhà của Ian và Văn, đôi tình nhân lâu năm. Gặp nhau, yêu nhau và chung sống tại Mỹ, cả hai quyết định cùng về Việt Nam thăm gia đình Văn ở một vùng quê. Ian không còn họ hàng ở Việt Nam, còn Văn lại có họ hàng và xóm làng đông đảo.
Đại gia đình nhiều thế hệ của Văn sống quây quần trong một ngôi nhà, với bà Hạnh (mẹ Văn, Hồng Đào đóng) là trụ cột. Riêng cảnh đông đúc này đã đủ khiến Ian bị sốc văn hóa. Đôi trẻ thiếu không gian riêng tư, luôn phải "đóng kịch" như hai người bạn trước mặt gia đình, chỉ dám gần gũi trong nhà tắm.
Gương mặt của hai diễn viên nam chính đều rất điện ảnh, được đạo diễn khai thác bằng vô số cảnh quay cận - Ảnh: CGV
Giữa những mâu thuẫn rối rắm và phức tạp trong một gia đình nhiều thế hệ, câu chuyện tình của Văn và Ian vẫn hiện lên đẹp đẽ. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã dành hết những cảnh quay ngọt ngào, tinh tế nhất để mô tả mối tình này.
Văn và Ian có nhiều cảnh hẹn hò đáng yêu: cùng đạp xe đi dạo, ngồi tâm sự ven sông, đi chơi ở hội chợ và khiêu vũ trong tiếng nhạc êm đềm, những nụ hôn và lần ái ân kín đáo, cãi nhau, giận nhau và làm lành đầy ngọt ngào...
Nhiều hình tượng trong Thưa mẹ con đi có tính nghệ thuật, biểu tượng cao - Ảnh: CGV
Hình tượng căn phòng tắm cũng rất đáng chú ý, khi đó là nơi Văn và Ian giấu kín mối tình cháy bỏng của mình. Đến khi công khai trước gia đình, họ mới dũng cảm bước ra. Đây là hình tượng rất thú vị và gợi nhiều liên tưởng của phim.
Trong khi Văn là một chàng trai khá đàn ông, hơi vô tâm và thiếu quyết đoán vì phải đứng giữa tình yêu và gia đình thì Ian có tính cách khá nữ, dỗi hờn, trách móc nhưng đầy bao dung khi cần. Cả hai bù trừ lẫn nhau và làm nên đôi tình nhân đẹp như tranh trên màn ảnh.
Lãnh Thanh và Võ Điền Gia Huy cũng có được "phản ứng hóa học" tuyệt vời, tương tự điều Liên Bỉnh Phát và Isaac đã làm được với Song lang. Không chỉ vì những câu thoại và tình tiết "tình ơi là tình", Lãnh Thanh và Gia Huy còn diễn bằng mắt rất duyên.
Mỗi người có một màu sắc khác nhau: Gia Huy mắt to sáng, ngây thơ; Lãnh Thanh mắt điềm tĩnh, đượm buồn.
Bà Hạnh kín đáo phát hiện những cử chỉ ân cần mà Văn và Ian dành cho nhau - Ảnh: CGV
Người mẹ giằng xé - vai diễn ấn tượng của Hồng Đào
Đứng giữa Văn và Ian là bà Hạnh, người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời của Văn. "Mẹ làm vợ thì ít mà làm dâu thì nhiều", lời tâm sự của bà Hạnh với con trai đã khái quát toàn bộ cuộc đời bà.
Mọi hi vọng của bà dồn hết vào đứa con trai, Văn. Văn học giỏi, sang Mỹ du học. Ngày bà Hạnh đón con về thăm quê, bà mong muốn một tương lai lâu dài, ổn định. Người phụ nữ truyền thống trong bà mong Văn cưới vợ ở quê, chăm lo gia đình, không đi xa nữa.
Có lẽ, bà Hạnh đã ngờ vực về mối quan hệ giữa con trai và Ian ngay từ lúc con về. Mối nghi ngờ vỡ oà thành sự thật khi Văn vô tình "come out" với mẹ trong một hoàn cảnh không thể oái oăm hơn. Kể từ khi biết chuyện, bà Hạnh phải đối mặt với hai lựa chọn: ủng hộ hay không ủng hộ.
Với một phụ nữ ở quê, chưa bao giờ quen với khái niệm tình yêu đồng giới, bà Hạnh chẳng dễ dàng gì vượt qua định kiến và đón nhận chuyện tình của con trai. Nghệ sĩ Hồng Đào diễn vai này xuất sắc, đầy giằng xé, thể hiện qua ánh mắt, nét mặt và giọng nói.
Bà Hạnh không phải là một phụ nữ yếu mềm. Bà luôn cứng cỏi, rắn rỏi khi đối mặt với khó khăn cuộc sống. Nhưng trước chuyện của Văn và Ian, một phụ nữ vững vàng như bà cũng phải lung lay không ít.
"Thưa mẹ, con đi" là tên phim và cũng là một câu thoại đáng nhớ - Ảnh: CGV
Câu chuyện cảm động về gia đình
Vậy, Thưa mẹ con đi là "phim đồng tính", phim tình yêu đôi lứa hay phim về tình cảm gia đình. Câu trả lời là tất cả, nhưng tình cảm gia đình là yếu tố đậm đà nhất.
Tuyến truyện về tình mẫu tử của phim được đầu tư nên để lại ấn tượng sâu đậm. Nghệ sĩ Hồng Đào và Lãnh Thanh tương tác khá tốt. Mối liên kết giữa bà Hạnh và Ian cũng được giải quyết một cách dễ thương.
Có lẽ, tình tiết gượng gạo hiếm hoi là khi bà Hạnh nhất quyết bắt con trai phải nói dự định tương lai trước mặt đám đông họ hàng. "Nói lớn lên đi con!", bà hối thúc Văn. Hành động này của bà không hề tinh tế, cho thấy một người mẹ dù thương con đến mấy vẫn có thể đặt áp lực nặng nề lên vai con.
Chuyện gia đình muôn đời vẫn là như vậy.
Một số hình ảnh trong phim:
Cảnh hẹn hò lãng mạn giữa Văn và Ian được quay rất cẩn thận, tỉ mỉ - Ảnh: CGV
Phim sử dụng nhiều bối cảnh đẹp như tranh để làm nền cho câu chuyện tình - Ảnh: CGV
Khung cảnh đám giỗ làng quê được tái hiện khá chân thực - Ảnh: CGV
Đại gia đình của Văn sống quây quần trong một ngôi nhà với nhiều yêu thương, hờn giận - Ảnh: CGV
Mối quan hệ của mẹ con Văn cũng được tập trung khai thác bên cạnh câu chuyện tình Văn và Ian - Ảnh: CGV
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận