Trong dịp tết, có những khung giờ các nhà máy điện mặt trời tại hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) bị cắt giảm 50-60% công suất. Trong ảnh: công nhân vệ sinh tấm pin tại hồ Dầu Tiếng - Ảnh: N.HIỂN
Dự kiến có 1,3 tỉ kWh điện năng lượng tái tạo sẽ bị cắt giảm trong năm 2021, trong đó hơn 500 triệu kWh cắt giảm do thừa nguồn điện mặt trời (ĐMT) vào buổi trưa và quá tải đường dây 500kV. Nhiều dự án điện gió đang thi công và sẽ nối lưới vào năm nay khiến điện tái tạo tiếp tục đối diện nguy cơ cắt giảm.
Cắt giảm đến 50 - 60% công suất
Trong dịp tết vừa qua, mỗi ngày nhiều nhà máy ĐMT đều bị cắt giảm công suất phát lên lưới tùy theo các khung giờ, có thời điểm tỉ lệ giảm phát của nhà máy lên đến 50%.
Đại điện một nhà máy điện mặt trời cho biết khu vực Nam Trung Bộ đang bước vào mùa khô, bức xạ tốt, thuận lợi cho các dự án ĐMT nên tỉ lệ giảm phát ngày càng nhiều, nhất là trong dịp tết với khung giờ giảm phát từ 7h30-15h30.
Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Hưng - tổng giám đốc Công ty CP đầu tư ĐMT (Solarcom) - cho biết với những ngày bị cắt giảm 50% công suất, Solarcom thiệt hại 200 - 250 triệu đồng, nhưng do nhu cầu tiêu thụ thấp nên việc cắt giảm là khó tránh khỏi.
Không chỉ các dự án ĐMT công suất lớn, mà các dự án ĐMT mái nhà, các dự án thuê mái nhà bán điện lên lưới cũng buộc phải cắt giảm công suất. Chẳng hạn dự án ĐMT mái nhà của Công ty TNHH Nguồn năng lượng (Source Energy) với công suất 1MW cũng phải cắt giảm 80% công suất.
Theo ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, đơn vị này đã rà soát tất cả khách hàng ĐMT mái nhà có công suất lắp đặt từ 100 kWp trở lên, có trạm biến áp riêng (bán điện dư hoặc bán toàn bộ sản lượng) để tiết giảm công suất phát điện trong dịp tết.
Tổng công ty Điện lực Miền Nam cũng cho biết đã yêu cầu các công ty điện lực thành viên giảm nhận công suất ĐMT từ các khách hàng với mức cắt giảm tăng thêm 5 - 15% công suất, các dự án ở Long An, Đồng Nai, Ninh Thuận...
Nguồn nào cũng cắt
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng công suất phụ tải tiêu thụ điện toàn quốc vào giờ thấp điểm trưa các ngày trong dịp Tết Tân Sửu xuống rất thấp, chỉ còn 12.500 - 13.500MW. Trong khi đó, tổng công suất lắp đặt nguồn toàn hệ thống đã ở mức khoảng 69.000MW với hơn 21.600MW năng lượng tái tạo.
Riêng ĐMT đã có công suất tổng cộng hơn 16.000MW, lớn hơn phụ tải tiêu thụ điện toàn quốc vào các giờ thấp điểm trưa.
Đại diện Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết để đảm bảo ổn định hệ thống điện, huy động cao nhất các nguồn năng lượng tái tạo, A0 đã giảm huy động các nguồn truyền thống như nhiệt điện than, tuôcbin khí.
Ngoài ra, để tăng tính ổn định của hệ thống, A0 cũng phải huy động các nhà máy thủy điện ở chế độ chạy bù, chạy không tải nhằm tăng số tổ máy nối lưới để tăng quán tính hệ thống.
Đại diện một doanh nghiệp nhận định kịch bản cắt giảm 1,3 tỉ kWh điện từ năng lượng tái tạo, chủ yếu là ĐMT chỉ là kịch bản trung bình.
Trong bối cảnh số lượng dự án ĐMT mái nhà gia tăng, dịch COVID-19 tác động mạnh lên nền kinh tế, giảm nhu cầu tiêu thụ điện..., nhiều doanh nghiệp lo các dự án điện tái tạo sẽ tiếp tục bị cắt giảm nhiều hơn nữa, bài toán tài chính của các doanh nghiệp sẽ kéo dài hơn.
Xử nghiêm hành vi trục lợi chính sách ĐMT áp mái
Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Công thương, các địa phương và EVN rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển ĐMT, đồng thời yêu cầu thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra về phát triển ĐMT mái nhà tại các địa phương, các công ty điện lực..., kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, nhất là các hành vi trục lợi chính sách trong triển khai ĐMT áp mái.
Theo đó, việc phát triển nguồn ĐMT mái nhà không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng điện đã gây khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện quốc gia, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế, nhu cầu sử dụng điện giảm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận