Có thể do tôi là người hoài cổ, thích sống chậm, nên tôi muốn có thêm nhiều chương trình như thế...
NSND Lan Hương
Đến với Thu vọng nguyệt (diễn ra từ ngày 29-9 đến 1-10 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội), nhiều người thú nhận lần đầu họ được thấy một mâm cỗ Trung thu thời xưa.
Đó là một mâm cỗ có đầy đủ hồng, cốm, bưởi, bánh dẻo, bánh nướng, na, thị, gỏi cá mè, ốc nhồi...
Mâm cỗ thơm nức hương bánh dẻo, bánh nướng, hương của trái thị và hoa hoàng lan, hoa nhài.
Trên mâm cỗ có những đồ chơi như con giống bột, đèn lồng trước năm 1975, ông tiến sĩ làm bằng giấy, và tháp bút 9 tầng được xếp bằng mía, gửi gắm ước mong của cha mẹ cho con cái học hành giỏi giang, đỗ đạt.
Để có mâm cỗ này chúng tôi phải tìm đến các nhà sử học, các nhà nghiên cứu văn hóa, các nghệ nhân. Có những cái bây giờ trẻ em không nhìn thấy nữa như con giống bột. Sở dĩ chúng tôi có được là nhờ anh Trịnh Bách (nhà nghiên cứu Trịnh Bách - PV) mất rất nhiều công sức tìm hiểu khôi phục. Chương trình này là tâm huyết của nhiều người yêu văn hóa truyền thống.
Người xây dựng ý tưởng làm Thu vọng nguyệt, bà Phạm Thị Bích Hạnh, chủ chuỗi quán ăn Ngon.
Thu vọng nguyệt được xây dựng trên sự kết hợp các loại hình nghệ thuật âm nhạc, mỹ thuật, ẩm thực... trong đó cảm hứng xuyên suốt là văn hóa truyền thống.
Chương trình quy tụ ê-kip hùng hậu: tổng đạo diễn Phạm Hoàng Nam, giám đốc mỹ thuật - họa sĩ Lê Thiết Cương, giám đốc âm nhạc - nhạc sĩ Quốc Trung.
Không gian của Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong ba ngày trở thành một dòng sông ánh sáng - được tạo nên từ hàng ngàn chiếc đèn lồng hình cá chép, hạt gạo.
Tất cả được họa sĩ Lê Thiết Cương thiết kế với những tính toán rất chi tiết về màu sắc, hình dáng và ý nghĩa biểu tượng của văn hóa dân gian.
Ngoài ra không gian ấy còn đầy ắp những gian hàng của các nghệ nhân làm tò he, đèn lồng, con giống bột, cắt tỉa rau củ, làm tàu sắt tây... Có cả khu vực trò chơi dân gian hấp dẫn.
Khi nhìn vào mâm cỗ Trung thu được phục dựng, tôi nhận ra nhiều thứ đồ chơi làm bạn với mình hồi bé thơ, và chợt hiểu vì sao đôi lúc trong cuộc sống tôi có cảm giác thiêu thiếu. Khi bản sắc văn hóa bị mai một, tôi nghĩ ai cũng sẽ có cảm giác chơi vơi, có gì đó rất buồn.
NSƯT Chiều Xuân chia sẻ
Là một trong những cố vấn của chương trình Thu vọng nguyệt, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết đây là lần đầu một chương trình Trung thu có quy mô lớn được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám:
"Ngoài biểu tượng Trung thu, chúng tôi đã làm nổi bật hình tượng ông tiến sĩ giấy.
Dù biểu tượng này ngày nay bị hiểu nhầm, nhưng thời xưa món đồ chơi này luôn có trong mâm cỗ Trung thu, gửi gắm mong ước con cái học hành giỏi giang của cha mẹ.
Người Việt dành rất nhiều tình cảm cho con trẻ. Có nhiều nước ở châu Á tổ chức Trung thu, nhưng chỉ Việt Nam xem Trung thu là tết dành cho thiếu nhi."
Góc trò chơi dân gian- Ảnh Việt Dũng
Phục dựng nét văn hóa xưa - Ảnh Việt Dũng
Trẻ con hào hứng với các hoạt động của đêm hội Thu vọng nguyệt - Ảnh: Việt Dũng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận