Khám phá tính năng mới Timelapse trong Google Earth - Video: Google
Hãng tin AP ngày 15-4 cho biết ứng dụng Google Earth vừa thêm vào một tính năng video mới - Timelapse - cho thấy một cách sống động biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tới các sông băng, bãi biển, rừng và nhiều nơi khác trên khắp thế giới ra sao trong gần 4 thập niên qua.
Công cụ mới này được tiết lộ ngày 15-4, được xem là nội dung cập nhất lớn nhất với Google Earth trong 5 năm qua. Với tính năng Timelapse, người dùng có thể gõ ở thanh tìm kiếm bất kỳ địa điểm nào trên Trái đất và được dẫn tới nơi đó để quan sát sự thay đổi theo thời gian.
Chẳng hạn, theo Đài CNN, có thể thấy được mũi đất Code (bang Massachusetts, Mỹ) dần di chuyển về phía nam, sự mở rộng nông nghiệp giữa sa mạc ở Al Jowf (Saudi Arabia), sự phát triển bãi biển Songdo - một bãi biển nhân tạo ở Busan (Hàn Quốc).
Google cho biết công cụ này là một dự án phức tạp. Dự án này có sự hợp tác với vài cơ quan chính phủ, gồm ở Mỹ và châu Âu, hi vọng giúp đông đảo mọi người nắm được khái niệm biến đổi khí hậu - vốn trừu tượng khó hiểu với một số người - theo cách hữu hình hơn thông qua ứng dụng Google Earth.
Nhà khoa học khí hậu Natalie Mahowald đến từ Đại học Cornell (Mỹ) tin rằng có thể hoàn thành được sứ mệnh này. "Thật tuyệt vời!" - bà chia sẻ với Hãng tin AP sau khi xem qua tính năng mới của Google Earth.
Sự thay đổi của Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, UAE) năm 2002 và 2020 - Ảnh: CNN/GOOGLE
Theo Google, tính năng Timelapse được tạo ra từ 24 triệu ảnh vệ tinh được chụp mỗi năm từ năm 1984 tới 2020. Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) và Liên minh châu Âu (EU) đã cung cấp những ảnh chụp này.
Trong khi đó, công nghệ time-lapse (ghép nhiều bức ảnh liên tiếp lại với nhau để tạo thành một video tua nhanh hoàn chỉnh) được tạo ra với sự hỗ trợ của Đại học Carnegie Mellon (Mỹ).
Trước đây cũng có các ảnh vệ tinh được tổng hợp thành video tua nhanh thời gian để cho thấy thế giới đang thay đổi ra sao do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các ảnh này hầu hết tập trung vào các sông băng đang tan và không thể tiếp cận rộng rãi như trên ứng dụng phổ biến Google Earth.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận