28/04/2019 10:01 GMT+7

Thú vị tê giác sinh con tại Việt Nam

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Trong vòng 17 ngày, công viên chăm sóc và bảo tồn động vật Vinpearl Safari Phú Quốc đã chứng kiến sự ra đời của hai con tê giác sơ sinh, một đực và một cái, trọng lượng 40-50kg, sau gần một năm rưỡi nằm trong bụng mẹ.

Thú vị tê giác sinh con tại Việt Nam - Ảnh 1.

Tê giác con bú sữa mẹ tại Vinpearl Safari Phú Quốc - Ảnh: HỮU HẠNH

Đây là sự kiện chưa từng có trong ít nhất 10 năm qua ở Việt Nam. Chú tê giác sinh ngày 3-4 được đặt tên là Hakuna Matata (có nghĩa là "Không lo âu" trong ngôn ngữ Swahili ở Đông Phi), cũng là tên một bài hát trong bộ phim Lion King (Vua sư tử) rất được yêu thích. Còn con tê giác sinh ngày 20-4 vẫn đang chờ được đặt một cái tên thật ý nghĩa. Cả hai "sản phụ" đều khỏe mạnh sau khi sinh.

Hồi hộp khi tê giác "lâm bồn"

Anh Bùi Phi Hoàng, tổ trưởng tổ chăm sóc động vật (bộ phận thú dữ), cho biết trước khi con tê giác đầu tiên "lâm bồn", các kịch bản như đẻ khó, mẹ không hợp tác nuôi con... đã được tính toán và chuẩn bị. Ngoài thuốc gây mê, băng ca, xe cấp cứu và phòng cấp cứu đã chuẩn bị sẵn tại bệnh viện thú y, một nhóm ba người gồm hai bác sĩ thú y và một nhân viên chăm sóc động vật túc trực ở phòng camera theo dõi các biểu hiện chuyển dạ của tê giác.

Tuy nhiên, ca sinh vào ngày 3-4 của một cô tê giác diễn ra rất suôn sẻ và con non bú sau hai giờ, còn diễn biến ca sinh của "sản phụ" thứ 2 khó khăn hơn, chủ yếu ở giai đoạn sau sinh. Lúc 22h30 ngày 20-4, sau khi tê giác con chào đời, thay vì chăm sóc con, mẹ tê giác đột nhiên hung dữ, liên tục húc mạnh con còn non yếu. 

"Sau vài giờ, tâm lý tê giác mẹ dần ổn định, ngừng các hành động gây nguy hiểm cho con. Dù vậy, tê giác mẹ liên tục tìm cách đẩy con về phía trước trong khi tê giác mới chào đời rất cần bú cữ đầu tiên" - anh Hoàng kể.

Theo anh Hoàng, toàn đội "đỡ đẻ" dự định đến đúng 9h sáng hôm sau, nếu tê giác con vẫn chưa được bú sẽ buộc phải tách riêng hai mẹ con. Sau một đêm thức trắng, khi mặt trời ló dạng, êkip bốn người vẫn hồi hộp dõi theo toàn bộ hoạt động của hai mẹ con tê giác. Ca sinh chưa gọi là thành công chừng nào tê giác con chưa bú. 

Khi đồng hồ bắt đầu đếm ngược, sự bất an gần đến cao trào thì vào lúc 8h30, chỉ 30 phút trước thời hạn cuối, tê giác con bú được mẹ. Mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.

Anh Lê Trường Hận (quê An Giang) - người có mặt trực tiếp tại khu nuôi tê giác trong đêm con tê giác thứ hai chào đời ở Safari Phú Quốc và cũng là người chăm sóc các "sản phụ" này hơn một năm qua - cho biết thời gian mang thai của tê giác kéo dài 16-18 tháng, rủi ro lớn nhất là sẩy thai do đánh nhau. 

Do đó, tê giác mang thai được ăn riêng để tránh các nguy cơ tranh giành thức ăn. Trước khi em bé chào đời, tê giác mẹ biểu hiện rõ sự bồn chồn, liên tục đi đi lại lại, hơi thở nhanh... "Nào giờ có mấy người thấy tê giác sinh con đâu, nên cảm giác cũng hồi hộp và lo lắng như hồi bà xã đi đẻ" - anh Hận kể.

Bỏ ăn để bảo vệ con

Trong một tuần đầu tiên sau sinh, mẹ con tê giác sinh hoạt trong chuồng riêng được lót rơm khô và sân chơi lớn có mái che. Hai tháng đầu đời, nguồn dinh dưỡng của tê giác con hoàn toàn là sữa mẹ. Do đó, hai "sản phụ" đặc biệt của Safari Phú Quốc được ưu tiên ăn ngon hơn các thành viên khác trong đàn. Mỗi bữa ăn của một "sản phụ" tê giác là 150kg thực phẩm bao gồm 65kg cỏ voi tươi xay, 20kg bắp trái, 20kg cà rốt, 15kg khoai lang, 8kg cám, 15kg cỏ khô nhập khẩu và vitamin cùng khoáng chất.

Tuy nhiên, theo anh Bùi Phi Hoàng, bản năng bảo vệ con non của tê giác mẹ mạnh đến nỗi nó luôn đi theo con không rời nửa bước. Chỉ khi môi trường thật sự tin tưởng, mẹ tê giác mới yên tâm ăn. Khi thấy phía trước có nguy hiểm, mẹ tê giác sẽ chặn đường để con không thể tiến lên. Nếu thấy môi trường nguy hiểm, con mẹ sẽ canh chừng cả ngày lẫn đêm, không màng ăn uống để bảo vệ con.

Theo quan sát của chúng tôi, tê giác mẹ thường không rời xa con quá 1m trong phần lớn thời gian. Trong khi đó, hai tê giác con mới sinh chưa tròn tháng rất năng động, tung tăng chạy nhảy khắp khu vực sân chơi khiến mẹ tê giác phải vất vả đuổi theo. Cũng có lúc tê giác con chạy nhảy trong sân và tìm hiểu những thứ làm mình tò mò, chẳng hạn như những vị khách mặc trang phục lạ có mặt trong khu vực chuồng nuôi vốn không đông người.

Do đã đứng cứng cáp, chú tê giác Hakuna Matata được theo mẹ ra khu vực ngoài trời, nơi có hố bùn để tắm mát, có bóng râm khi cần nghỉ ngơi và có khoảng sân rộng dễ dàng chạy nhảy. Hakuna Matata có đôi chân khỏe và chạy rất nhanh với dáng của một chú ngựa phi. Thấy người, chú thận trọng tiến lại gần rồi khi nhận ra đã đến quá gần, chú hốt hoảng kêu lên khiến mẹ tê giác "hực" lên lo lắng và huỳnh huỵch lao về phía con.

Khi chú tê giác này đi về hàng rào, nơi có một con tê giác đực to lớn, ngay lập tức tê giác mẹ lao theo kèm tiếng gầm dữ dội khiến tất cả giật mình. Tê giác đực hoảng hốt lùi lại. Tê giác mẹ đứng thủ thế trừng trừng nhìn tê giác đực qua song chắn, như muốn khẳng định nó sẽ chiến đấu với bất kỳ ai dám gây nguy hiểm cho con nó.

Thú vị tê giác sinh con tại Việt Nam - Ảnh 2.

Tê giác con rất thích thú khi được nhân viên chăm sóc vuốt ve và gãi - Ảnh: HỮU HẠNH

Thú vị tê giác sinh con tại Việt Nam - Ảnh 3.

Môi trường gần gũi tự nhiên là không gian lý tưởng cho động vật hoang dã sinh sống - Ảnh: HỮU HẠNH

Thú vị tê giác sinh con tại Việt Nam - Ảnh 4.

Tê giác đầu tiên sinh vào ngày 3-4, được đặt tên là Hakuna Matata - Ảnh: HỮU HẠNH

Thú vị tê giác sinh con tại Việt Nam - Ảnh 5.

Hiện tại tê giác con chỉ bú sữa mẹ - Ảnh: HỮU HẠNH

Thú vị tê giác sinh con tại Việt Nam - Ảnh 6.

Khẩu phần ăn một tê giác cái khoảng 150kg/ngày bao gồm cỏ voi tươi xay, cỏ khô alfalfa, rau lang, cà rốt, bắp trái, cám viên, khoáng chất và canxi., Mỗi sáng, anh Danh Thuận Phát kiểm tra khẩu phần thức ăn cho cặp tê giác cái, nếu ít quá thì tê giác cái không đủ dinh dưỡng cho con bú, nếu nhiều thì tê giác sẽ dễ bị tiêu chảy - Ảnh: HỮU HẠNH

Gần 400 thú non đã chào đời

te giac1

Sư tử trắng sinh vào mùng 1 Tết 2018 nên có tên là "Bánh chưng"

Theo nhân viên quản lý vườn thú Safari Phú Quốc, ngoài hai con tê giác đã sinh nở thành công, vườn thú này còn có thêm một con tê giác cái đang có dấu hiệu mang thai. Ngoài ra, nhiều loài động vật khác cũng đã sinh sản tại vườn thú này. Năm 2018, vườn thú này đón 380 con thú non chào đời.

Trong đó có những loài thú tiêu biểu như: hà mã, hổ Bengal, sư tử trắng, báo, khỉ đầu chó Olive, vượn cáo đuôi khoang, linh dương Bongo, lợn lòi châu Phi, linh dương sừng xoắn, linh dương sừng kiếm Ả Rập... Một số ít trường hợp sinh khó như sinh ngược, sinh chậm được các bác sĩ thú y can thiệp.

Để xác định các loài thú ở các khu bảo tồn có hạnh phúc không, các chuyên gia căn cứ trên những biểu hiện tâm sinh lý như: da lông bóng mượt, mắt thú long lanh, con vật điềm tĩnh. Các yếu tố môi trường phù hợp, đảm bảo cho thú có thể duy trì các tập tính tự nhiên của mình.

"Việc nhiều loài vật sinh sản ở môi trường bán tự nhiên ở Safari Phú Quốc cho thấy về tổng thể, điều kiện sống và chăm sóc ở đây rất lý tưởng cho các loài động vật" - ông Dave Morgan, giám đốc vùng của Wild Welfare (Tổ chức Phúc trạng động vật hoang dã), nhận xét.

Không thể "ép duyên"

Tê giác tại vườn thú Safari Phú Quốc là tê giác trắng (toàn thân chúng màu xám đen), có tên khoa học là Ceratotherium simum, với đặc điểm nổi bật là có hai sừng trên đầu. Đây là một trong năm loài tê giác hiếm hoi còn tồn tại trên thế giới.

Việc ghép đôi cho tê giác tại các khu bảo tồn phải dựa trên nguyên tắc tránh đồng huyết, cận huyết, cũng không cho phép "ép duyên" các sinh vật một cách thô bạo. Chúng sẽ ngầm lựa chọn bạn tình và giao phối với bạn tình được lựa chọn, thường là con đực to, khỏe trong đàn. Sự can thiệp nếu có của con người trong giai đoạn này có thể là tách riêng những con đực quá hung hăng.

Khi đến chu kỳ động dục, tê giác cái tiết ra mùi hương hấp dẫn con đực. Các con đực sẽ cạnh tranh nhau tới khi xác định được con chiến thắng và được con cái chấp nhận. Khi cặp đôi bắt đầu giao phối, nhân viên vườn thú có thể can thiệp bằng cách dẫn dụ các con đực còn lại đi nơi khác.

Loài tê giác trắng phương Bắc có thể thoát nguy cơ tuyệt chủng

Nhiều tháng sau khi chú tê giác trắng phương Bắc giống đực duy nhất trên thế giới có tên Sudan qua đời, các nhà khoa học đã phát triển thành công một phôi thai chứa ADN của loài tê giác này với hy vọng có thể cứu họ tê giác trắng phương Bắc khỏi bờ v

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên