Chuỗi hòa nhạc sẽ tiếp tục với đêm diễn 8-9 tại nhà hát Hòa Bình, TP.HCM. Đây là sự kiện không thể bỏ lỡ của người hâm mộ anime tại Việt Nam.
Các đêm diễn không chỉ quy tụ dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng hùng hậu với hơn 100 nghệ sĩ Thái Lan mà còn mời chính các nhà soạn nhạc anime Nhật Bản sang Việt Nam.
Khán giả trẻ là "linh hồn"
Các "wibu" chia sẻ đầy phấn khích kèm hashtag #symphonicanime liên tục sau hai đêm 6 và 7-8 tại Hà Nội. Họ cảm thán "quá đã", "hoàn hảo", "máu chảy rần rần và tim đập rộn ràng", "mình đã khóc khi nghe giai điệu Nandemonaiya (nhạc phim Your Name) vang lên"...
Nhiều khán giả cosplay các nhân vật anime đến nhà hát, tạo nên bầu không khí sôi nổi và trẻ trung. Nghệ sĩ bassoon Nguyễn Bảo Anh - giám đốc âm nhạc Dàn nhạc giao hưởng Sài Gòn (Saigon Philharmonic Orchestra - SPO), đơn vị đồng sản xuất chương trình tại Việt Nam - nhận định: "Các khán giả trẻ chính là linh hồn của đêm diễn".
Đây là lần đầu Symphonic Anime đến Việt Nam. Là một trong các chuỗi hòa nhạc được yêu thích nhất của Thailand Philharmonic Orchestra, concert mang đến phiên bản live sống động của các bản nhạc nền và ca khúc từ các bộ anime Nhật Bản nổi tiếng như Death Note, Sword Art Online, Hunter x Hunter, Naruto, Inuyasha, Spirited Away, Demon Slayer...
Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng trẻ tuổi mê anime - Thanapol Setabrahmana, Symphonic Anime còn thành công hơn khi mời được cả bốn nhà soạn nhạc Nhật được đông đảo fan anime trên thế giới ngưỡng mộ.
Nhạc sĩ Kaoru Wada (anime Inuyasha) có mặt trong hai đêm tại Hà Nội. Concert tại TP.HCM sẽ có thêm Taku Iwasaki (Tengen Toppa Gurren Lagann), Yasuharu Takanashi (Fairy Tail, Naruto), Yuki Hayashi (My Hero Academia).
"Nghệ sĩ và khán giả trong chương trình đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Việt Nam, Nhật Bản và một số nước khác. Nhưng trong không gian nhà hát, trước âm nhạc, tôi có cảm giác ngôn ngữ hay quốc tịch không còn quan trọng nữa. Concert anime đã trở thành sợi dây đầy màu sắc kết nối tâm hồn mỗi người" - khán giả Nguyễn Kim Anh bộc bạch.
Còn nghệ sĩ Nguyễn Bảo Anh bày tỏ: "Dàn nhạc giao hưởng Thái Lan đã phá vỡ mọi rào cản để mang đến một đêm nhạc đầy tính hình tượng và trẻ trung, chạm đến cảm xúc khán thính giả yêu nghệ thuật biểu diễn kết hợp âm nhạc hoạt hình Nhật Bản.
Đêm nhạc là sự giao thoa văn hóa không biên giới của các nền văn hóa Á Đông tuy khác biệt nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng. Đây cũng là minh chứng cho đỉnh cao nghệ thuật chỉ đơn giản là chinh phục được trái tim khán thính giả".
Thu hẹp cổ điển - thịnh hành
Đại diện đơn vị đồng sản xuất, nghệ sĩ Nguyễn Bảo Anh vui mừng khi chào đón một làn sóng khán thính giả mới: "Tôi luôn chú tâm vào giới trẻ và nhạc cổ điển thính phòng giao hưởng, không chỉ các nghệ sĩ trẻ mà cả khán giả trẻ nữa.
Symphonic Anime là một trong những đề tài dễ tiếp cận nhất tới trái tim và tâm hồn trẻ trung. Đây là một sự đầu tư văn hóa mang tính quyết định để tồn tại và phát triển loại hình nghệ thuật này".
Đặt mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật trong âm nhạc và biểu diễn lên tầm cao nhất có thể, SPO luôn chú trọng các chương trình hòa nhạc mang tính kết nối, giao thoa các nền văn hóa và giới thiệu tinh hoa thế giới đến Việt Nam.
Ông Bảo Anh cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào mô hình này ở Việt Nam, đan xen với các chương trình cổ điển chính thống, vì đây là cách thu ngắn khoảng cách giữa thưởng thức âm nhạc cổ điển và âm nhạc thịnh hành.
Sắp tới, SPO sẽ tiếp tục với concert thiện nguyện Flourish vào ngày 24-9 tại Nhà hát TP.HCM. Concert có các tác phẩm giao hưởng kinh điển đến các bản hit nhạc rock bất hủ như Bohemian Rhapsody, We will rock you... phối khí cho dàn nhạc giao hưởng, solo piano và ban nhạc jazz.
Anime ngày càng thịnh hành ở Việt Nam
Theo các nhà sản xuất, Việt Nam được chọn là điểm đến thứ hai sau Thái Lan để tổ chức Symphonic Anime vì thị trường âm nhạc và anime ở Việt Nam đang phát triển mạnh.
Dân số Việt tăng trưởng nhanh, cộng đồng yêu anime ngày càng đông. Các phim anime được ưa chuộng ở rạp Việt gần đây chứng minh sức hút của thể loại này.
Giới trẻ Việt có nguồn năng lượng lớn và khao khát trải nghiệm. Đó là những yếu tố giúp kết nối khán giả trẻ với nhạc giao hưởng theo hơi hướng hiện đại và giải trí hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận