Sáng 3-2, sau hơn 3 giờ họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế chính sách, đặc thù phát triển TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có phát biểu kết luận.
Mỗi bộ ngành liên quan phải có người chuyên trách thực hiện nghị quyết 98
Thủ tướng nhìn nhận so với nghị quyết 54, việc thực hiện nghị quyết 98 có Ban Chỉ đạo của Chính phủ và TP.HCM nên tốc độ và chất lượng thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và mong muốn của Chính phủ và TP.HCM, nhiều nội dung có tiến độ chậm. Ông đề nghị khắc phục sự chậm chạp này.
Thủ tướng đề nghị mỗi thành viên ban chỉ đạo phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm để đề xuất các chính sách tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện nghị quyết 98. Đồng thời việc phối hợp giữa các bộ ngành, bộ ngành với TP.HCM phải nhuần nhuyễn, hiệu quả, chủ động hơn.
"Hiện nay có bộ ngành chủ động thì làm rất nhanh, có bộ ngành không chủ động thì làm chậm", Thủ tướng nói và đề nghị mỗi bộ ngành có liên quan cần có người chuyên trách trong thực hiện các nhóm nhiệm vụ của nghị quyết 98.
Không làm đường sắt đô thị manh mún như trước đây
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo từng nội dung cụ thể cho từng bộ ngành, TP.HCM và phân công người chủ trì thực hiện.
Trong đó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương trong quý 2 phải hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp để áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Cái nào cả nước đều vướng luật chưa xử lý được thì tận dụng nghị quyết 98 để xử lý riêng cho TP.HCM, từ đó có phương án xử lý toàn quốc. Thủ tướng cũng giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chịu trách nhiệm chỉ đạo chính vấn đề này.
"Vừa rồi thanh tra, điều tra nhiều, phải giải trình, báo cáo. Cứ để cơ chế xin cho thì cứ phải báo cáo, giải trình liên tục. Vì xin cho là cơ chế dễ tạo ra môi trường tiêu cực. Phải xóa bỏ cơ chế xin cho, tạo môi trường lành mạnh cho cán bộ dễ làm, không sợ sai, không sợ trách nhiệm", Thủ tướng nói.
Ông cũng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ trên tinh thần tăng cường phân cấp phân quyền, nêu cao trách nhiệm cá nhân và tăng phân bổ nguồn lực cho cấp được phân quyền và công cụ kiểm tra, giám sát.
Về nghị định phân cấp một số lĩnh vực cho TP, Thủ tướng giao cho Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo thực hiện dứt điểm trong tháng 2.
Thủ tướng cũng có những chỉ đạo cụ thể đẩy nhanh dự án vành đai 4, dự án TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Trung Lương… Nhóm giao thông, Thủ tướng giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo giải quyết vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách.
Riêng về đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị đến năm 2035, Thủ tướng đề nghị TP.HCM chủ động xây dựng đề án tổng thể.
"Lần này phải làm tổng thể, trên cơ sở đó lựa chọn phương pháp làm đường sắt đô thị cho TP.HCM và Hà Nội một cách hiện đại, không manh mún nữa. Chúng ta vay một cục rồi làm chung, chọn 1-2 nhà đầu tư. Hiện nay chúng ta chia ra nhiều gói thầu quá", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần rút kinh nghiệm làm đường sắt vừa qua để làm đề án.
TP.HCM trồng 250ha rừng thay thế 68ha rừng bị ảnh hưởng bởi cảng Cần Giờ
Về đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thủ tướng yêu cầu chọn nhà đầu tư chiến lược trên cơ sở liên doanh với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam để làm đúng luật pháp quy định và yêu cầu quốc tế về môi trường.
Theo ông, cần phân tích khoa học về nhu cầu vận tải biển hiện nay, cảng Cần Giờ sẽ không cạnh tranh với Thị Vải - Cái Mép, cạnh tranh lành mạnh với cảng Singapore.
Về khu dự trữ sinh quyển, ông đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp TP.HCM, nhà khoa học phân tích đánh giá tác động môi trường. Thủ tướng khẳng định không đánh đổi môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần và phải bám sát vào luật môi trường.
"Nếu nói không ảnh hưởng hoàn toàn thì không phải, làm việc gì cũng sẽ ảnh hưởng. Nhưng phải có cách giải thích kỹ lưỡng về môi trường", ông nói.
Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thành đề án để trình cấp có thẩm quyền trong quý 1 để xem xét tác động môi trường, cho chủ trương đầu tư.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP có báo cáo giải trình các vấn đề liên quan, trong đó có vấn đề rừng dự trữ sinh quyển. Ông Mãi cho biết quan điểm của TP là làm cảng Cần Giờ nếu có đánh đổi môi trường thì phải rất thấp và hiệu quả. Nghiên cứu ban đầu cho thấy cảng Cần Giờ mang lại nhiều hiệu quả.
Nói thêm, ông Mãi cho rằng nói làm cảng Cần Giờ ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển nhưng thực tế diện tích này nằm ở vùng đệm với khoảng 68ha. TP.HCM cũng đã xác định 250ha đất để trồng rừng thay thế cho diện tích bị thu hồi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận