Thủ tướng nhấn mạnh cần phải tái cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp, xác định chiến lược các ngành cho 10 năm tới - Ảnh: N.A.
Sáng 27-12, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều bộ ngành.
Có vai trò đóng góp tới 80% GDP của đất nước, 70% thu ngân sách, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, những kết quả đạt được và sự đóng góp của ngành công thương cho sự phát triển đất nước, theo Thủ tướng là rất to lớn.
"Có 32 mặt hàng đạt giá trị 1 tỉ USD, 8 mặt hàng đạt trên 5 tỉ USD, 5 mặt hàng đạt trên 10 tỉ USD, cơ cấu chuyển dịch theo hướng nâng tỉ trọng, công nghệ chế biến sâu thay vì xuất khẩu thô, khoáng sản" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Có được kết quả trên, theo Thủ tướng là nhờ vào việc Việt Nam chủ động tham gia các hiệp định thương mại tự do, chủ trương hội nhập của Đảng và Nhà nước là đúng đắn, trở thành "chìa khóa thúc đẩy cải cách và tăng trưởng kinh tế".
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu ra 5 vấn đề ngành cần lưu ý, bởi đây là bộ đa ngành, đa lĩnh vực nên cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, có tầm nhìn dài hạn, nhất quán, hướng tăng năng suất, hiệu quả sức cạnh tranh, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội theo nguyên tắc và cơ chế thị trường, bám sát định hướng về xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, các ngành trong 10 năm tới.
Gắn với nâng cao năng suất của ngành, giảm phụ thuộc và tài nguyên và tăng chế biến, sáng tạo, lấy nền tảng công nghệ làm động lực. Coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, trọng tâm đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo hiệu quả cho doanh nghiệp. Phát triển toàn diện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gắn với thúc đẩy kinh tế tư nhân, là động lực quan trọng thực sự cho phát triển đất nước, người dân.
"Không chỉ trong nước mà phải có chuyên đề bàn việc đón bắt thời cơ thu hút các tập đoàn công nghệ. Cơ chế nào để tiếp tục thu hút các tập đoàn công nghệ vào Việt Nam? Nên cần tái cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp, tăng năng suất lao động, áp dụng khoa học công nghệ, chú trọng công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện, cụm linh kiện tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện đồng bộ, hiệu quả giải pháp, thúc đẩy xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu, nhằm nâng cao hiệu quả, đảm bảo luôn duy trì dương trong kim ngạch xuất nhập khẩu.
Với bán lẻ, Thủ tướng yêu cầu không để mất thị trường bán lẻ Việt Nam, nên cần phát huy ngành hàng, hiệp hội, chống buôn lậu và gian lận thương mại, dự báo cân đối cung cầu, phát triển thị trường mới và xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt Nam.
Theo đó, muốn hiệu quả phải giảm chi phí logistics, bởi hiện nay có những sản phẩm như xoài chi phí logistics chiếm tới 50% là lớn quá, nên Thủ tướng yêu cầu cần có sự đồng bộ hơn giữ công thương, giao thông về kho hàng, vận tải. Tạo thuận lợi hơn cho xuất nhập khẩu, thực hiện theo tinh thần hậu kiểm, chống tham nhũng trong xuất nhập khẩu.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho ngành công thương với ba mục tiêu quan trọng là: công nghiệp chế biến chế tạo phải tăng 12% (năm nay là trên 10%) làm động lực chính tăng trưởng; xuất khẩu chạm mốc 300 tỉ USD; xuất siêu 2% GDP (15-17 tỉ ÚSD); bán lẻ đạt 12% tạo thành thị trường sầm uất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận