Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội sáng 2-11 - Ảnh: N.KH.
Phát biểu tại thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 2-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trước tác động của dịch COVID-19, Chính phủ đã có những giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp trong cả hai đợt dịch.
Đến nay đã hơn 50 ngày Việt Nam không có ca nhiễm trong cộng đồng. Song Thủ tướng cho rằng không thể chủ quan bởi dịch có thể quay lại bất cứ lúc nào, giải pháp là kiểm soát dịch, nới lỏng hoạt động một cách phù hợp để giữ sản xuất trong nước.
Củng cố niềm tin nhân dân là gốc
Nhờ kiềm chế dịch, Việt Nam là một trong những nước có tăng trưởng dương trên thế giới, có thể cao hơn Trung Quốc, cũng là một trong 6 nền kinh tế mới nổi tốt nhất.
Mặc dù vậy, nền kinh tế và chính sách tài khóa bị tác động bởi dịch COVID-19 năm nay dự kiến hụt thu gần 200.000 tỉ đồng, đặc biệt ở lĩnh vực dịch vụ du lịch. Nhiều doanh nghiệp, đời sống người dân gặp khó khăn, nhiều người mất việc làm. Gói hỗ trợ giảm hoãn nhóm nợ, lãi suất đưa ra điều kiện cao, khó cho vay.
Thủ tướng nhấn mạnh phải có khát vọng tốt hơn, vươn lên chứ không để tình trạng quy mô kinh tế thấp. Được như vậy, nhân dân phải có sự tin tưởng, dồn sức cho phát triển. Thủ tướng khẳng định Nhà nước rất quan tâm đến đời sống nhân dân, gắn với phát triển các ngành trọng điểm để thúc đẩy kinh tế.
"Niềm tin có ý nghĩa lớn và quan trọng, có niềm tin là có tất cả. Cố gắng giữ niềm tin với nhân dân, uy tín của cán bộ đảng viên bồi đắp niềm tin để phát triển đất nước. Trong khi các thế lực thù địch tấn công vào niềm tin, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước thì ta cố gắng làm sao dân tin, cán bộ chiến lược phải thể hiện niềm tin, kỷ luật kỷ cương trong Đảng rất nghiêm, đó là gốc của niềm tin", Thủ tướng nhấn mạnh.
Có giải pháp mạnh hỗ trợ miền Trung
Với vấn đề lũ lụt, thiên tai hiện đang rất nóng bỏng, Thủ tướng cho biết đã trực tiếp đến các tỉnh miền Trung thăm hỏi động viên người dân, đưa ra chỉ đạo điều hành. Thủ tướng nhận định tác động của mưa lũ tới GDP, nông nghiệp, chăn nuôi, gia súc và gia cầm là rất lớn.
Do đó, Chính phủ sẽ có biện pháp mạnh tay hơn trong hỗ trợ nhà ở, khắc phục nhà sập, chăm sóc và hỗ trợ tìm người mất tích, khi hiện nay vẫn còn trên 50 người mất tích do thiên tai ở miền Trung. Đồng thời có biện pháp mạnh mẽ hơn khắc phục hậu quả lũ lụt, đưa ra giải pháp dự phòng bão số 10.
Giải thích về nguyên nhân gây nên mưa lũ và sạt lở đất ở miền Trung, Thủ tướng cho rằng có nhiều ý kiến khác nhau nhưng ông lưu ý đặc thù của địa chất khu vực này là kết cấu đất sét, mưa nhiều sẽ gây ra sạt lở.
"Rừng già còn nhiều, khảo sát nhiều nơi thảm thực vật vẫn còn 80-90%, nhưng mưa thối đất thì không còn kết cấu nào chịu đựng được", Thủ tướng nhấn mạnh cần phải đánh giá đầy đủ toàn diện hơn để có biện pháp tối đa, thúc đẩy tăng trưởng xanh hơn, hạn chế tác động của con người, hạn chế lấy rừng, lấy đất.
Đối với vấn đề phát triển thủy điện nhỏ, Thủ tướng nhấn mạnh phải xem xét để hạn chế phá rừng, tới đây những công trình nào xây dựng liên quan đất rừng phải trình Quốc hội xin ý kiến.
Ví dụ một số công trình hồ chứa ở Ninh Thuận, Nghệ An lấy ít đất rừng nhưng chứng minh được hiệu quả, giải quyết đời sống, nước uống cho sinh hoạt, nông nghiệp, có thể triển khai. Các công trình thủy điện nhỏ lấy đất rừng thì phải thận trọng.
Thủ tướng cũng đề cập đến việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, phát triển phải gắn với tính bền vững và hiệu quả.
"Phát triển con người gắn với văn hóa, môi trường là vấn đề lớn của đất nước, nên sắp tới đây sẽ trình Quốc hội vấn đề môi trường để khắc phục các bất cập trong phát triển. Người dân không chỉ hưởng vật chất mà tinh thần, môi trường sống rất quan trọng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận