Đây là một trong những hoạt động điểm nhấn của Thủ tướng trong chuyến thăm chính thức Hungary từ ngày 18 đến 20-1.
Việt Nam kêu gọi đầu tư vào các động lực tăng trưởng mới
Sự kiện thu hút hàng trăm doanh nghiệp từ cả hai nước tham dự. Phát biểu mở đầu diễn đàn, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto cho biết sự kiện diễn ra trong bối cảnh đặc biệt của thế giới.
Chỉ trong vòng 5 năm đã có 3 cuộc khủng hoảng trên thế giới gồm: đại dịch COVID-19, chiến sự ở Ukraine, xung đột ở Dải Gaza, và những cuộc khủng hoảng này đã làm đảo lộn nền kinh tế.
Đặt trong bối cảnh thế giới đầy thách thức hiện nay, ông Szijjarto nhấn mạnh rằng hợp tác Hungary - Việt Nam dựa trên cơ sở tin cậy, tôn trọng lẫn nhau trở nên rất quan trọng. Theo ông, đó là cơ sở cho hợp tác doanh nghiệp giữa hai nước thành công.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết quan hệ hai nước sắp đánh dấu cột mốc 75 năm quan hệ tốt đẹp với tin cậy chính trị cao.
“Mỗi cuộc gặp gỡ từ hôm qua (18-1) đến giờ với Thủ tướng, Tổng thống và lãnh đạo Quốc hội Hungary, tôi thấy không khí ấm cúng, tin cậy và môi trường đầu tư thực sự thuận lợi.
Chúng ta không có lý do gì mà không đến đầu tư, kinh doanh và phát triển thế mạnh của mình tại Việt Nam và Hungary. Mong các nhà đầu tư hiểu sâu sắc về hai nước để phát huy thế mạnh, mang lại lợi ích cho chính các bạn và hai nước” - ông nêu.
Trao đổi với các nhà đầu tư, Thủ tướng nói về quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam từ 44 tỉ USD lên đến hơn 400 tỉ USD hiện nay, và thu nhập bình quân đầu người nay đã hơn 4.000 USD.
“Những năm qua tình hình thế giới và khu vực khó khăn nhưng kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy và các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo…
Tăng thu năm 2023 là hơn 8%, xuất siêu 28 tỉ USD, xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới” - người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chia sẻ.
Thủ tướng cho biết Việt Nam kêu gọi đầu tư của Hungary vào các lĩnh vực chính như tiêu dùng, xuất khẩu và các lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo…
Ông cũng cam kết tạo thể chế thông thoáng, giảm thủ tục hành chính cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, cũng như bảo đảm về hạ tầng chiến lược như giao thông, năng lượng…
Thủ tướng thông tin thêm Việt Nam xây dựng một số chính sách kêu gọi vào lĩnh vực ưu tiên, tuân thủ cam kết quốc tế, thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA).
“Chính phủ Việt Nam cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, đây là cái chúng tôi luôn tâm niệm phải đồng hành, khuyến khích, bảo vệ nhà đầu tư để họ yên tâm khi đến Việt Nam...” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Hai câu hỏi của Thủ tướng Orbán
Sau khi xem video giới thiệu thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam và lắng nghe những chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Viktor Orbán cho biết dù không có tốc độ tăng trưởng như Việt Nam nhưng ở châu Âu, tăng trưởng của Hungary cũng đáng kể.
Ông nhấn mạnh đồng tiền Hungary ổn định, quốc gia sản xuất lượng lương thực gấp đôi nhu cầu trong nước nên 50% có thể xuất khẩu.
Ông giới thiệu Hungary có nền kinh tế đa dạng và đây là một trong những thế mạnh của Hungary.
Nói về tình hình phức tạp hiện tại ở châu Âu, trong đó có cuộc chiến đang diễn ra ở nước láng giềng Ukraine, Thủ tướng Orbán đặt hai câu hỏi cho Hungary với tư cách là “doanh nghiệp Việt Nam”.
Thứ nhất, sự thay đổi chính sách và chiến lược của Liên minh châu Âu (EU) có gây bất lợi gì cho nhà đầu tư Việt Nam hay không?
Giải đáp câu hỏi này, Thủ tướng Orbán cho biết hiện đang có hai trường phái trong EU đó là phân tách để tự vệ hay kết nối để cùng phát triển. Ông Orbán cho biết Hungary chọn tăng cường kết nối và hợp tác với các quốc gia châu Á để cùng nhau phát triển và Budapest sẽ tranh luận vấn đề này trong nội bộ EU.
Câu hỏi thứ hai là liệu Ukraine có dính vào cuộc chiến Nga - Ukraine? Thủ tướng Orbán khẳng định Hungary rất rõ ràng và quyết tâm đứng về phía hòa bình.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ có chính sách nào mang tính chất rủi ro, phiêu lưu, để đẩy Hungary vào chiến tranh mà chúng tôi đang thấy ở bên hàng xóm. Tác dụng của chiến tranh ở Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến sự đầu tư của Việt Nam ở Hungary” - ông khẳng định.
Trong phần cuối bài phát biểu, Thủ tướng Orbán thừa nhận có một trở ngại lớn trong quan hệ hai nước, đó là khoảng cách địa lý xa xôi.
Ông liền kê hai “liều thuốc” cho vấn đề này. Một là hai bên lên kế hoạch sớm lập đường bay thẳng để thúc đẩy hợp tác thương mại, kinh tế giữa hai nước.
Hai là, ông mong 900 sinh viên Việt Nam đang theo học ở Hungary và sự hợp tác giữa các trường đại học ở hai nước sẽ làm cầu nối thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai nước.
“Thông qua giáo dục, chúng ta sẽ khắc phục được khoảng cách về mặt địa lý” - nhà lãnh đạo Hungary chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận