Chiều 16-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính - chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - dự hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành do ủy ban phối hợp Tòa án nhân dân tối cao tổ chức.
5 đẩy mạnh trong chuyển đổi số ngành tòa án
Theo Thủ tướng, công tác xây dựng tòa án điện tử luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình cải cách tư pháp, vừa giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào pháp luật, vào công lý.
Với những kết quả đạt được cùng các tồn tại, hạn chế, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành cần tiếp tục nêu cao tinh thần "Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư". Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số - coi đây là một trong những công cụ quan trọng nhất, hỗ trợ đắc lực cho ngành.
Theo đó, ông đã gợi mở quan điểm chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử với tinh thần "5 đẩy mạnh". Bao gồm đẩy mạnh hoàn thiện pháp lý, thể chế, cơ chế chính sách; phát triển hạ tầng số, nền tảng số an toàn an ninh; tạo lập dữ liệu số, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ liên tục, thông suốt, đồng bộ; phát triển nhân lực số, kỹ năng số; tuyên truyền sâu rộng để tham gia vào quá trình chuyển đổi số toàn ngành.
Giao các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu ngành cần tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, sớm trình Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), tạo tiền đề cho các hoạt động tố tụng trực tuyến.
Quy định về chứng cứ điện tử; cơ sở khoa học và tính pháp lý của phục hồi chứng cứ điện tử; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể tiến hành tố tụng điện tử.
Thêm nữa, cần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số của ngành tòa án; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, đổi mới mô hình hoạt động sang quản lý trên nền tảng số; tăng cường công khai, minh bạch.
Nâng cao năng lực quản trị, thực thi tòa án trên nền tảng số; đẩy mạnh hiện đại hóa ngành tòa án, nhất là phát triển hạ tầng số; trung tâm dữ liệu, số hóa hồ sơ, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu.
Kết nối chia sẻ dữ liệu, đẩy mạnh xét xử trực tuyến
Theo đó, phấn đấu 100% các lĩnh vực công tác của tòa án được chuyển đổi số, quản trị thống nhất trên nền tảng số, có cơ sở dữ liệu dùng chung và cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Nghiên cứu, ứng dụng phù hợp các công cụ chuyển đổi số (như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trợ lý ảo...).
Trong đó, nghiên cứu ứng dụng trợ lý ảo trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nhân lực trong ngành tư pháp và hỗ trợ nâng cao kiến thức, hiểu biết về pháp luật cho người dân, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chuyên ngành. Bao gồm ngành công an liên quan xác thực thông tin đương sự, bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng; công bố bản án, quyết định; theo dõi, quản lý tội phạm, hồ sơ phạm nhân.
Ngành tư pháp gồm cập nhật, tuân thủ đúng quy định pháp luật trong xét xử...; ngành tài chính trong theo dõi các khoản phí, lệ phí, tài sản tịch thu; ngành kế hoạch và đầu tư trong xử lý các vụ án kinh tế, đầu tư, thương mại...
Ông cũng yêu cầu đẩy mạnh khai thác, sử dụng, phát triển nền tảng xét xử trực tuyến hướng tới 100% tòa án đủ điều kiện về trang thiết bị, nhân lực tổ chức xét xử trực tuyến được phép, sớm nghiên cứu đề xuất hoàn thiện nền tảng pháp lý về tố tụng điện tử.
Đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ tư pháp công trực tuyến, đơn giản hóa hồ sơ giải quyết thủ tục, tích hợp ứng dụng định danh cá nhân...
Đến nay, ngành tòa án đã triển khai nhiều dịch vụ tư pháp công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia với hơn 1,4 triệu bản án, quyết định được công bố và phục vụ hơn 180 triệu lượt truy cập tra cứu, khai thác. Đã tổ chức xét xử trực tuyến được gần 20.000 vụ án, tiết kiệm khoảng 100 tỉ đồng; bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo và xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận