328 bệnh nhân nhiễm corona ở Trung Quốc đã được xuất viện - Ảnh: XINHUA
Nhiều nước trên thế giới cũng tổ chức, nỗ lực dập dịch bằng nhiều cách trong những ngày qua kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (nCoV, virus corona Vũ Hán, dịch viêm phổi Vũ Hán) là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu.
Ngành y tế không được phép giấu dịch
Trong cuộc họp, ông Lý yêu cầu ngành y tế không được phép giấu dịch và nêu rõ: "Việc cập nhật và thông tin về dịch bệnh cần được công bố một cách minh bạch, kịp thời và chính xác. Không được phép tiết lộ một phần hoặc che giấu".
Ông Lý kêu gọi nỗ lực hơn nữa để đẩy nhanh tốc độ sản xuất, đảm bảo các thiết bị y tế cần thiết để kiểm soát dịch bệnh. Các nhà máy cần sử dụng tối đa công suất sản xuất cũng như chạy đua với thời gian để tăng cường sản lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng cơ bản.
Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo đủ nguồn cung cấp trang thiết bị y tế như đồ bảo hộ, khẩu trang để kiểm soát dịch. Việc sản xuất và cấp các trang thiết bị y tế như đồ bảo hộ cần được phối hợp khắp cả nước một cách thống nhất, có tổ chức, ưu tiên nhu cầu của những khu vực quan trọng như TP Vũ Hán.
Tân Hoa xã ngày 1-2 dẫn nguồn từ Cơ quan Khoa học và công nghệ thành phố Vô Tích, phía đông tỉnh Giang Tô của Trung Quốc, cho biết các chuyên gia đã chế tạo được bộ phát hiện virus corona trong vòng 8-15 phút.
Bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh này có độ nhạy cao, dễ sử dụng và thuận tiện khi vận chuyển.
Đẩy mạnh nghiên cứu trên thế giới
Trên toàn cầu, nhiều nhà khoa học chia sẻ miễn phí dữ liệu về nghiên cứu của họ về virus corona để các nhà nghiên cứu khác kế thừa. Mới đây, 67 tổ chức nghiên cứu hàng đầu và các nhà xuất bản tạp chí khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã công bố thỏa thuận công bố miễn phí các nghiên cứu về virus corona.
Các tác giả đã gửi nghiên cứu cho các tạp chí khoa học và y học, như tạp chí y khoa New England Journal of Medicine đồng ý để tạp chí gửi nghiên cứu sắp công bố của họ cho WHO. Nhờ đó, WHO có thể biết về những diễn biến mới nhất ở Trung Quốc.
Ủy ban châu Âu ngày 1-2 công bố khoản tài trợ trị giá 10 triệu euro hỗ trợ nghiên cứu về chủng virus corona mới. Theo ủy viên châu Âu phụ trách y tế Stella Kyriakides, Liên minh châu Âu cần có phản ứng đa chiều và phối hợp giữa các quốc gia thành viên để đối phó với virus corona và nghiên cứu là yếu tố quan trọng nhất để có hiểu biết về loại virus này.
Nhiều trung tâm nghiên cứu trên toàn thế giới đang đẩy mạnh nghiên cứu để phát triển loại văcxin phòng chống virus corona mới.
Nhiều nước phân lập được virus viêm phổi Vũ Hán
Các nhà khoa học ở Viện Pasteur Pháp đã phân lập và nuôi cấy thành công chủng mới của virus corona (viết tắt là 2019-nCoV hoặc nCoV) gây dịch viêm đường hô hấp cấp. Thông tin nêu trên được Viện Pasteur công bố hôm 31-1 (giờ địa phương) là bước tiến lớn trong quá trình tìm kiếm văcxin ngăn ngừa 2019-nCoV và điều chế thuốc điều trị. Giáo sư Arnaud Fontanet ở Viện Pasteur tự hào Pháp là quốc gia đầu tiên ở châu Âu phân lập thành công 2019-nCoV trong khi nCoV là chủng virus rất khó phân lập.
* Đến nay có thêm một số nước phân lập được chủng 2019-nCoV. Hôm 26-1, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc thông báo đã phân lập được virus này và đang trong quá trình chọn chủng virus thích hợp để sản xuất văcxin ngăn ngừa.
* Tại Úc, Viện nghiên cứu bệnh nhiễm và miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne là phòng thí nghiệm đầu tiên ngoài Trung Quốc đã phân lập và nuôi cấy thành công 2019-nCoV. Các mẫu nghiên cứu được lấy từ những người đầu tiên nhiễm bệnh ở Úc hôm 25-1.
* Ngày 31-1, Viện nghiên cứu bệnh nhiễm quốc gia Nhật thông báo đã lấy mẫu từ bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV ở Nhật, sau đó phân lập và nuôi cấy thành công virus. Kết quả nghiên cứu cho thấy các trình tự gen của virus đã phân lập giống 99,9% với các trình tự gen 2019-nCoV được Trung Quốc công bố. Trong virus đã phân lập không có hiện tượng đột biến gen dẫn đến khả năng lây nhiễm hoặc làm tăng độc tính mạnh hơn.
Phân lập và nuôi cấy thành công chủng 2019-nCoV - từ nguồn virus này, các nhà khoa học sẽ thử nghiệm xem các phân tử kháng virus đã biết có công hiệu hay không khi tấn công chủng 2019-nCoV, từ đó điều chỉnh gen virus để tìm chủng thích hợp có thể dùng để sản xuất văcxin phòng ngừa.
* Dự kiến Viện Pasteur ở Pháp sẽ điều chế văcxin ngăn ngừa 2019-nCoV trong 20 tháng nữa, tức vào cuối năm 2021. Viện nghiên cứu bệnh nhiễm quốc gia Nhật sẽ sử dụng virus đã phân lập để nghiên cứu văcxin ngăn ngừa, thuốc điều trị, thiết lập bộ xét nghiệm chẩn đoán nhanh, nghiên cứu cơ chế lây nhiễm, độc tính của 2019-nCoV. Viện sẵn sàng cung cấp virus đã phân lập cho các phòng xét nghiệm trong và ngoài nước.
Sẽ có văcxin trong 16 tuần?
328 bệnh nhân nhiễm corona ở Trung Quốc đã được xuất viện - Ảnh: XINHUA
Theo trang web khoa học Stat, Tổ chức Liên minh các sáng kiến ứng phó dịch bệnh (CEPI) đã đặt ra một mục tiêu rất táo bạo là có được văcxin để thử nghiệm trên người trong vòng 16 tuần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận